GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 20:15:43 18-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:2767

HOẰNG PHÁP: Đôi Điều Suy Nghĩ Về Công Tác Hoằng Pháp

Đức Phật thì có “Viên âm” nên Ngài thuyết giảng tất cả mọi loài đều nghe được ai cũng muốn nghe và tin nhận vâng làm. Chúng ta ngày nay không có viên âm như phật, nhưng về phương pháp Hoằng Pháp chúng ta nên truyền tải giáo pháp bằng “Mỹ âm” tức là lời nói đi đôi với việc làm hay thân giáo phải song hành với khẩu giáo.

Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2500 năm từ khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo đến nay, đạo Phật đã được đức Đạo sư và chư Tổ tiếp nối truyền bá trên thế giới như một sức sống mãnh liệt. Sự nghiệp Hoằng pháp bắt đầu từ bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, bánh xe Chính pháp bắt đầu được vận hành từ đức Thế Tôn đến năm anh tôn giả Kiều Trần Như. Cử chỉ thanh thoát uy nghiêm của Ngài đã chuyển hóa tâm thức các thầy Tỳ kheo khi xưa và sau đó bài pháp Tứ Diệu Đế đã đưa các vị đó lên hàng thánh quả A La Hán. Điều này chứng minh cho chúng ta một bài học kinh nghiệm quý báu muốn truyền bá chính pháp của đức thế tôn việc trước tiên là thân giáo sau đó là khẩu giáo.

Trên tinh thần đó chúng ta thấy nhiệm vụ Hoằng pháp vô cùng quan trọng. Đạo Phật có được phát triển hay không, rực rỡ như ánh bình minh hay lui vào bóng tối của đêm đen là do trách nhiệm Hoằng pháp của sứ giả Như lai, Hoằng pháp không có nghĩa là chỉ có thuyết giảng trên pháp tòa hay dạy ở các trường Phật học như nhận thức của một số người hiện nay mà còn phải thể hiện qua cuộc sống sinh hoạt của bản thân hàng đệ tử Phật trong mọi phương diện khác nhau, ngôn ngữ, oai nghi tế hạnh, nếp sống khiêm cung từ hòa, làm cho giáo lý của đức phật hòa nhập vào cuộc sống con người hướng con người tới chân thiện mỹ. Như thế mới đạt được chọn vẹn lý tưởng Hoằng pháp lợi sinh mà đức Phật đã chỉ dạy, Hoằng pháp đóng một vai trò như người nhạc trưởng, một vị tiên phong mở đường, phải có sự kiên trì dũng mãnh cùng với sự từ bi trí tuệ như gương sáng của ngài Phú Lâu La đã phát nguyện trước đức Phật: “Con đến đó truyền bá Chính pháp, dù có khó khăn trở ngại, mất mạng đi nữa cũng quyết không từ chối sứ mạng mà đức Thế Tôn đã giao phó…”.
Chính vì thấy rõ tầm quan trọng của việc Hoằng pháp lợi sinh nên mỗi người đệ tử phải tự phát huy và nỗ lực tu tập, tìm hiểu mở rộng kiến thức Phật học mới có thể chuyển hóa tâm thức nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp của con người, xóa tan màn vô minh tăm tối về ngã chấp và kiến chấp sai lầm của con người.

Từ đó giúp cho con người có được cuộc sống cởi mở sáng sáng suốt, trong sạch, như viên ngọc lưu li để trong nước, biến chuyển những chất độc hại thành liều thuốc bổ dưỡng có lợi ích cho con người, xã hội, giáo pháp của đức Phật từ đó sẽ được lan tỏa từ người này sang người khác một cách bền vững lâu dài.

 

Trong thời đại văn minh tiến bộ của các ngành khoa học nhất là sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin ngày nay, người Hoằng pháp phải đứng vững lập trường, đào sâu nhưng tinh hoa giáo lý của đức Thế Tôn, nói đúng và trung thực những điều Phật dạy, thuần túy không thiên lệch như vị cam lồ tươi mát sẽ đánh thức tâm thức của chúng sinh. Hoằng pháp như thế là lấy cái trung thực thắng cái giả dối, lấy trí tuệ thắng vô minh dùng sư tử âm để làm khiếp sợ và cảm hóa tất cả thú rừng. Đó là cái dũng cái hùng của người Hoằng pháp.

Đạo Phật được lưu truyền và tồn tại trên thế gian này là nhờ vào sự nỗ lực truyền bá của chư vị Tổ sư. Ngày nay đệ tử Phật xuất gia cũng như hàng phật tử tại gia thấy rõ trách nhiệm và tầm quan trọng trong việc truyền bá Chính pháp của đức Thế Tôn không phải việc nhất thời mà phải có kế hoạch lâu dài và phải gắn liền với đời sống tu tập, như thế mới đạt được trọn vẹn lý tưởng Hoằng pháp lợi sinh như đức Phật đã chỉ dạy ngay sau khi thành lập tăng đoàn. “Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại sự hạnh phúc cho nhiều người.

Vì lòng từ bi hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả, này hỡi các Tỳ kheo, hãy Hoằng dương giáo Pháp, toàn hảo ở giai đoạn đầu, toàn hảo ở giai đoạn giữa, toàn hảo ở giai đoạn cuối cùng, toàn hảo cả hai, tinh thần văn tự”.

Đức Phật thì có “Viên âm” nên Ngài thuyết giảng tất cả mọi loài đều nghe được ai cũng muốn nghe và tin nhận vâng làm. Chúng ta ngày nay không có viên âm như Phật, nhưng về phương pháp Hoằng pháp chúng ta nên truyền tải giáo pháp bằng “Mỹ âm” tức là lời nói đi đôi với việc làm  hay thân giáo phải song hành với khẩu giáo. Người đệ tử phật luôn thể hiện được đức từ bi trong lời nói bên cạnh sắc tướng khả quan làm cho mọi người ai cũng kính phục hoan hỷ vui vẻ nhận thức trở về con đường an vui giải thoát.

Nhiệm vụ Hoằng pháp là nhiệm vụ cao cả, bằng hành động trong thân hoằng, khẩu hoằng và ý hoằng, người đệ tử phật chúng ta cùng nhau phát huy mọi điều kiện để hoàn thiện chức năng Hoằng Pháp tự thân hay chính mình và tất cả mọi người trên tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật.

 

Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu