GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
----------------
DIỄN VĂN
ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 35 NĂM THÀNH LẬP GHPGVN
của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu ni Phật.
Kính bạch chư tôn Giáo phẩm trong Hội đồng chứng minh; chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và quý vị Cư sĩ trong Hội đồng Trị sự, Ban, Viện Trung ương Giáo hội.
Kính thưa quý vị Đại biểu Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành.
Kính thưa chư vị khách quý đại diện Chính quyền, Tổ chức, Đoàn thể, Cơ quan thân hữu trong và ngoài nước.
Kính thưa chư liệt vị.
Hòa với niềm vui chung của đất nước và dân tộc, chào mừng những sự kiện lớn đã diễn ra trên nước Việt Nam thân yêu như Đại hội Đảng lần thứ 12, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 thành công tốt đẹp. Thông qua thế hệ lãnh đạo mới của nhiệm kỳ, đất nước ta, dân tộc ta sẽ có đủ điều kiện phát huy thế và lực, tạo ra những động lực mới nhằm phát triển đất nước theo hướng hiện đại. Với niềm vui chung ấy, hôm nay, 07/11/2016, Giáo hội Phật giáo Việt Namlong trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội. Cũng trong ngày này 35 năm trước, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc được tổ chức tại Chùa Quán Sứ - Thủ đô Hà Nội gồm 165 đại biểu của 9 tổ chức và các hệ phái Phật giáo trên toàn đất nước Việt Nam. Trong ngày trọng đại đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập. Giáo hội đã hoạt động trong hoàn cảnh đặc biệt vừa thuận lợi vừa khó khăn. Thuận lợi lớn nhất là nước nhà vừa được độc lập thống nhất, Tăng Ni Phật tử trên toàn quốc có nguyện vọng tha thiết là Phật giáo được thống nhất và phát triển vững mạnh, kế thừa truyền thống 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, cùng với sự vượt qua những khó khăn trong những thập niên đầu của đất nước mới giải phóng và vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong thời kỳ mở cửa và hội nhập thế giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng phát triển không ngừng để có được như ngày nay.
Nhân Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập này, Giáo hội chân thành kính cẩn tưởng nhớ đến chư Tôn đức tiền bối lãnh đạo Giáo hội qua các nhiệm kỳ như: Đức đệ nhất Pháp chủ cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, đệ nhị Pháp chủ cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch; chư Tôn đức Phó Pháp chủ: Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Ấn Lâm, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Giác Nhu, Hòa thượng Mahasarây, Hòa thượng Thạch Xom, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Kim Minh, Hòa thượng Thích Tâm Thông, Hòa thượng Thích Thanh Bích; Thư ký Hội đồng Chứng minh Hòa thượng Thích Nguyên Sinh, Hòa thượng Thích Thanh Chỉnh; cố Chủ tịch Hội đồng Trị sự Hòa thượng Thích Trí Thủ, Cố Hòa thượng Thích Trí Tịnh; cố Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Hòa thượng Thích Từ Nhơn; cố Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Thuận Đức, Hòa thượng Thích Thanh Chân, Hòa thượng Giới Nghiêm, Hòa thượng Châu Mum, Hòa thượng Siêu Việt, Hòa thượng Hộ Nhẫn; Hòa thượng Thích Huệ Hưng, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm; Phó Tổng Thư ký Hòa thượng Thích Từ Hạnh; cố Ni trưởng Huỳnh Liên, cư sĩ Võ Đình Cường, cư sĩ Tăng Quang… Đấy là những vị Giáo phẩm đã có công lao lớn trong việc xây dựng, củng cố và phát triển Giáo hội từ nhiệm kỳ đầu tiên của Giáo hội và chư vị cố Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư, quý vị cư sĩ trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự từ Trung ương đến địa phương của Giáo hội qua các nhiệm kỳ.
Những thành tựu của Giáo hội suốt 35 năm qua là liên tục, ổn định và rất rõ nét, chính là nhờ vào tinh thần đoàn kết hòa hợp, sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức Hệ phái Phật giáo trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước qua nhiều lãnh vực, thuộc các Ban, Viện Trung ương và Giáo hội địa phương. Những minh họa rõ rệt trong từng cơ cấu nhân sự và nội dung hoạt động của Giáo hội như nhiệm kỳ I có 50 thành viên Hội đồng Chứng minh, 49 thành viên Hội đồng Trị sự. Đến nay, theo Hiến chương được sửa đổi và bổ sung, Hội đồng Chứng minh là 89 thành viên, Hội đồng Trị sự 264 thành viên; các Ban Trung ương từ 09 Ban và 01 Viện nay là 13 Ban, Viện và Phân viện; các tổ chức Giáo hội từ 27 đơn vị nay là 63 đơn vị hành chánh Giáo hội với cơ chế tổ chức ba cấp hành chánh trong phạm vi cả nước; 08 Hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài; có 04 Trường Đại học, 34 Trường Trung cấp Phật học, 08 Lớp Cao đẳng Phật học và trên 100 Tiến sĩ, 100 Thạc sĩ và 2500 Cử nhân, 4.500 Tăng Ni tốt nghiệp Trung cấp Phật học cả nước. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự ổn định và phát triển mạnh mẽ của ngành Tăng Sự, Hoằng Pháp, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Phật tử sự tham gia vào các công tác an sinh, từ thiện xã hội của Ban Từ thiện Xã hội; các cơ sở chùa chiền được trùng tu, xây dựng mới; sự nở rộ các ấn phẩm, kinh sách, nghiên cứu dịch thuật, báo chí, tạp chí, sự phong phú hợp tác thân hữu với các tổ chức Phật giáo thế giới qua hai lần tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008, 2014 và Diễn đàn Asean cũng như các cuộc Hội nghị Quốc tế trong nước cũng như ở nước ngoài.
Ngày nay, đất nước Việt Nam ta đang phát triển mạnh mẽ và Phật giáo Việt Nam cũng liên tục đạt những thành tựu khả quan. Lịch sử đã cho thấy kể từ thời Đức Phật tại thế cho đến nay hễ Nhà nước ủng hộ Phật giáo thì Phật giáo hưng thịnh và đất nước cũng hưng thịnh phú cường. Văn hóa dân tộc có sự đóng góp lớn lao của Phật giáo về văn học, triết học, giáo dục, mỹ học, kiến trúc, nghệ thuật… nhất là duy trì và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam có tiếp thu và chọn lọc một số nguồn văn hóa khác. Các vị Giáo phẩm Tăng Ni đã từng tham gia việc nước việc dân như tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tham gia góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu do Liên Hợp Quốc chủ trương; chùa chiền từng là cơ sở giáo dục, là nơi hướng dẫn đời sống tâm linh cho mọi người, với công tác từ thiện xã hội hằng năm trên 2.000 tỷ đồng. Do đó, có thể nói Phật giáo luôn ở trong lòng dân tộc, gần gũi, thân thiết với dân tộc hay nói cách khác, Phật giáo Việt Namđồng hành cùng dân tộc, làm tốt đạo đẹp đời.
Trong 35 năm qua, với kinh nghiệm sẵn có tự thân mỗi thành viên Giáo hội, nhất là tinh thần đoàn kết hòa hợp của các Hệ phái Phật giáo, thành viên Giáo hội theo tinh thần Hiến chương GHPGVN cũng như 6 điểm chương trình hoạt động của GHPGVN từ nhiệm kỳ I (1981) cho đến nay và mỗi lần Đại hội đều có điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với từng lĩnh vực thực tế xã hội và sự phát triển của Giáo hội và đất nước cũng như thế giới.
Đặc biệt là GHPGVN chúng ta, các thành viên Giáo hội đã thực hiện được lời dạy của Đức Phật: "Hội họp trong tinh thần đoàn kết, bàn luận Phật sự trong tinh thần đoàn kết, bế mạc cuộc họp trong tinh thần đoàn kết”, và đồng hành cùng dân tộc trong suốt 35 năm qua, nhờ đó mà Giáo hội đã có được sự kế thừa, ổn định và không ngừng phát triển từ hình thức đến nội dung và kết quả cụ thể đã chứng minh trong báo cáo hoạt động thành quả trong 35 năm của GHPGVN.
Chúng ta vui mừng trước thành tựu các Phật sự trong 35 năm qua sẽ làm nền tảng, sức bật mới cho công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) của Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương, Phật giáo các tỉnh thành và Giáo hội càng vững bền và phát triển vững mạnh theo lý nhân quả và duyên sinh vô tận của Phật giáo. Cứ vững chãi tự tin làm lợi ích cho Đạo pháp và Dân tộc, chúng sinh, góp phần xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh theo hướng phát triển hiện đại thì kết quả theo sau như bóng theo hình. Như cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Chủ tịch đầu tiên của GHPGVN đã nói: "Những gì Tôi làm lợi ích cho Đạo, là làm lợi ích cho Dân tộc, những gì Tôi làm lợi ích cho đất nước, dân tộc chính là làm lợi ích cho Đạo pháp”
Kính thưa chư liệt vị
35 năm hoạt động với những thành tựu khả quan, Giáo hội xin thành kính tưởng niệm chư Tôn giáo phẩm đã có công đức lớn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển GHPGVN qua các nhiệm kỳ, đồng thời hồi hướng công đức này đến ngôi Tam Bảo chứng minh, đến hết thảy chúng sanh, đến đất nước và nhân dân Việt Nam. Nguyện cầu Tam bảo gia hộ cho thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh và tất cả chúng sinh đều được an vui hạnh phúc.
Kính chúc chư liệt vị thân tâm an lạc, thành tựu viên mãn mọi hoạt động Phật sự cũng như thế sự trong thời hội nhập và phát triển của đất nước xã hội và thế giới.
Xin cảm ơn chư liệt vị./.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
GHPGVN