GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 07:23:24 12-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:3817

LUẬN VĂN: NĂM ĐỨC CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Nghĩ về NĂM ĐỨC CỦA NGƯỜI XUẤT GIA (Luận văn tốt nghiệp) GSHD: TT Thích Phước Sơn Ni Sinh: Thích Nữ Lệ Thành

>> Lời Phật dạy về đạo đức làm người
>> Ý nghĩa chuổi tràng niệm Phật

B. NỘI DUNG

I.- NĂM ĐỨC CỦA NGƯỜI XUẤT GIA:

Qua phần khảo sát trên (phần I), chúng ta đã nắm được phần nào những điểm đặc trưng cho đời sống xuất gia cũng như biết được một số điều đắc-thất trong các lối hành xử của người mặc pháp phục. Bước sang phần II này, chúng ta sẽ khảo sát về “Năm đức của người xuất gia” để thấy được những nét cao đẹp trong đời sống phạm hạnh, từ đó mà có ra lối hạnh xử ứng hợp với phước điền của pháp phục mà mình đang mặc.
 

Theo tự điển Thiều Chữu, chữ ĐỨC có nghĩa là đạo đức, là cái đạo để lập thân, là thiện, là ân, là cái khí tốt (vượng) trong 4 mùa. Nho gia thì cho rằng: đức là cái gốc của muôn hạnh cũng là cái gốc để con người lập thân (Đức gỉ bổn dã). Theo đó mà suy: Năm đức của người xuất gia chính là một trong những nền tảng để lập công hạnh xuất thế. Kinh Phước Điền còn gọi NĂM ĐỨC này là NĂM TỊNH ĐỨC, ý nói đây là năm hạnh thanh tịnh của người mặc pháp y. Nhờ hành xử ứng hợp với năm đức này mà người xuất gia được xưng tán là bậc mô phạm của trời người, là ruộng phước của nhân gian…
 

Lời ký trong Sa di luật giải có chép: “Người xuất gia chẳng bị thế lực nhà vua ép bức, chẳng vì tham cầu mạng sống, chẳng vì lánh nạn, chẳng vì thiếu nợ, vốn vì mong cầu chánh pháp, vì lòng chánh tín mà vào trong của Phật Pháp nên gọi là HẢO TÂM XUẤT GIA”.
 

Người hảo tâm xuất gia như vậy có 5 tịnh đức:

• Phát tâm xuất gia, hoài bội đạo cố.

• Huỷ kỳ hình hảo, ứng pháp phục cố.

• Cát ái từ thân, vô thích mạc cố.

(Vĩnh cát thân ái, vô thích mạc cố)

• Uỷ khí thân mạng, tôn sung đạo cố.

• Chí cầu Đại thừa, vị độ nhân cố.

Chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của 5 tịnh đức này:
 

1) – PHÁT TÂM XUẤT GIA HOÀI BỘI ĐẠO CỐ:

(Phát tâm xuất gia vì thiết tha với đạo pháp)

Bàn về sự phát tâm trong Khuyến Phát Bồ Đề tâm văn có chép “Thường văn :

Nhập đạo yếu môn phát tâm vi thủ, tu hành cấp vụ lập nguyện cư tiên. Nguyện lập tắc chúng sanh khả độ, tâm phát tắc Phật đạo kham thành. Cẩu bất phát quảng đại tâm lập kiên cố nguyện, tắc túng kinh trấn kiếp y nhiên hườn tại luân hồi; tuy hữu tu hành tổng thị đồ lao tân khổ”
 

(Từng nghe: cửa thiết yếu vào đạo lấy sự phát tâm làm đầu, việc cấp thiết tu hành đặt sự lập nguyện ở trước. Nguyện có lập thì chúng sanh có thể độ; tâm có phát thì Phật đạo mới kham thành. Nếu không phát tâm rộng lớn, lập nguyện kiên cố thì dẫu trải qua trăm ngàn muôn kiếp vẫn mãi quanh quẩn trong vòng luân hồi. Dù có tu hành cũng chỉ luống công khổ sở)
 

Trải xem: các ngôi Phật tổ đều nhờ “phát quảng đại tâm lập kiên cố nguyện” mà thành tựu Diệu quả Vô thượng Bồ Đề (như Phật Di Đà với 48 lời nguyện, Phật Dược Sư với 12 lời nguyện v.v…) và gần gũi nhất là Đức Bổn Sư Thích Ca, trong kiếp cuối cùng làm thái tử Tất Đạt Đa nhân phát tâm “tìm con đường thoát khổ cho muôn loài” mà vượt thành xuất gia, dưới cội Bồ Đề lập nguyện kiên cố mà chiến thắng ma quân thành tựu đạo quả giác ngộ.
 

Xem thế đủ biết: với người Xuất gia, việc phát tâm lập nguyện rất là quan trọng. Vào rừng bắt cọp hẳn phải là người có “lá gan to”, xuống đầm bắt rắn không thể là người có “túi mật nhỏ”. Thế thì, muốn thành tựu được đại sự, đều tiên quyết là phải phát khởi đại tâm. Đặc biệt, với người hảo tâm xuất gia, thì đại tâm ấy được phát khởi như thế nào? Theo Tỉnh Am đại sư, đại tâm ấy tức là 4 loại tâm nguyện: chánh, chân, đại, viên mà chúng ta đã khảo sát ở phần trên (“Các loại học đạo”). Lại nữa, theo Khởi Tín Luận, có 3 loại phát tâm:
 

1) Trực tâm: tâm thường chất trực, lìa các sự gièm xiệm dày vò, hay thực hành

chánh pháp, thẳng tiến đến đạo giác ngộ.

2) Thâm Tâm: tâm sanh lòng tin sâu vào chánh pháp, vui với tất cả hạnh lành.

3) Đại bi tâm: tâm từ bi thương xót tất cả nỗi khổ đau của chúng sanh, thường
 

nghĩ tìm phương pháp cứu độ khiến cho chúng sanh được an vui.

Người hảo tâm xuất gia là người phát tâm ứng hợp với các loại tâm này. Tại đây, duyên do để phát khởi các tâm này là “lòng thiết tha mộ đạo và thiết tha được nắm giữ giềng mối đạo”.

Phu chú: Theo tự điển Thiều Chữu, chữ BỘI có 2 nghĩa : 1. Đeo, mang; 2. Nhớ mãi- Do đây mà có 2 thuyết dịch về nhóm từ “Hoài bội đạo”:
 

1) - Cảm mến đạo pháp.

2) - Gánh vác diệu đạo.

Để dung hợp 2 thuyết này, xin tạm dịch “Hoài bội đạo” là “thiết tha với đạo pháp”. Vì trong “thiết tha” tức đã có cảm mến; và vì đã thiết tha hẳn phải lo gánh vác.
 

Chữ ĐẠO ở đây chỉ cho DIỆU ĐẠO (đạo mầu), ĐẠI ĐẠO (đạo cả), đạo Giác ngộ, đạo giải thoát…, là con đường chân chánh hoàn toàn sáng suốt đưa đến bản thể của sự vật, là lý tánh tuyệt đối, lìa tất cả hư vọng phân biệt. Đi theo đạo này phải là người lập công hạnh tự giác, giác tha và tiến tới giác hạnh viên mãn (noi theo con đường chư Phật đã đi). Lại nữa, cũng có thể hiểu chữ ĐẠO này là “ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng”. Trong kinh Phât thường nói Tam Bảo là phước điền là chỗ qui ngưỡng của tất cả chúng sanh. Chỉ có Tam Bảo mới đủ năng lực giúp chúng sanh thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi. Giữa đêm trường tăm tối, người ta mơ ước có được ánh đèn soi đường; nổi chìm chới với giữa bể khơi, người ta mong đợi chếc bè cứu mình khỏi chết đuối. Cũng vậy, được về nương tựa ngôi Tam Bảo, nương tựa cửa Thiền để tấn tu đạo nghiệp giải thoát là niềm hoài vọng, khát khao của người hảo tâm xuất gia. Với niềm hoài vọng thiết tha ấy, sau khi xuất gia, vị này dốc hết tâm chí học đạo, hành đạo và làm hưng thạnh đạo pháp.

Cũng vì thiết tha với diệu đạo này mà xưa kia thái tử Tất Đạt Đa khi còn ở hoàng cung đã bao đem thức trắng”suy tư tìm mối đạo”, khi vượt thành xuất gia thì chẳng quảng khó nhọc “tầm sư học đạo” và khi đã giác ngộ rồi thì không từ chối nhọc mệt để “ban rải ánh đạo”. Ánh đạo mà ngài ban rải cho nhân gian đến nay đã hơn 25 thế kỷ mà vẫn còn tỏa sáng và lại càng lan rộng trên khắp toàn cầu. Tiếp nhận ánh đạo ấy cũng tức là tiếp nhận thông điêp “từ bi và trí tuệ”.
 

Là người lãnh thọ đạo pháp của Phật, là sứ giả của Như Lai, chúng ta có trách nhiệm lưu truyền rộng rãi thông điệp ấy. Đặc biết, để xứng đáng là “người lãnh thọ đạo pháp của Phật” chúng ta phải tâm tâm niệm niệm lời giáo huấu sau đây của ngài:

“Bác văn ái đạo, đạo tất nan hội

Thủ chí phụng đạo, kỳ đạo thậm đại”

(Học rộng mến đạo, đạo ắt khó gặp

Thủ chí hành đạo thì đạo kia rất lớn)
 

Ở thế gian, người học rộng là người thông suốt nhiều môn học, có kiến thức rộng rãi đối với các khoa: tâm lý học, thiên văn học, ngôn ngữ học, đạo đức học v.v…Trong đạo, người học rộng là người quảng kiến tam tạng giáo điển (như Bát Đại Nhân Giác chép: “…quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tự biện tài…”). Tuy nhiên, nếu học rộng nghe nhiều mà không thực nghiệm tâm linh, không ứng dụng vào việc làm, tri hành không hợp nhất, hạnh giải không tương ưng thì khó mà đến được chỗ cao tốt của đạo. Người xưa thường nói: “Tu mà kh ông học là tu mù, học mà không tu thì chẳng khác nào cái đãy đựng sách”. Kẻ nào vì mến đạo mà chuyên trau giồi kiến thức, ứng dụng sở tri vào việc ngôn tránh hý luận, dựa nương vào đạo để vun bồi lợi ích cá nhân (danh vị, lợi dưỡng), không khéo kẻ ấy sẽ trở thành người phá đạo, làm hoen ố đạo và dần dần sẽ cách xa đạo. Quảng học đa văn mà không lập chí hướng thượng thì chỉ làm mồi cho ngũ dục (chay theo dục lạc thế gian) đôi lúc lại sa vào chỗ cao tâm (tăng thượng mạn) như con thiêu thân vì ham ánh sáng mà bay tấp vào ngọn đèn khó lòng tránh khỏi cái họa bị lửa đốt. Tiếc thay cho những kẻ mãi vẩn vơ hái hoa bắt bướm ở hai bên vệ dường mà quên rằng mình định đi đâu, đâu là chổ đến, làm uổng phí công la những người dọn đường và chỉ lối!
 

Người phát tâm xuát gia vì lòng “hoài bội đạo” quyết không thể là hạng người như trên mà phải là người “thủ chí phụng đạo”. Người thủ chí phụng đạo là người biết an trú vào hạnh viễn ly, vượt khỏi phàm tình, không đám say lạc thú ở đời, hằng sống trong chánh niệm tỉnh giác, an bần thủ đạo. Gian khổ không làm cho họ sờn lòng, thử thách không làm cho họ nản chí. Ngày cũng như đêm, người “thủ chí phụng đạo” chuyên tâm hành trì thiện pháp, tự lợi tha, luôn bảo hộ đạo và sẵn sàng dâng hết thân tâm cho đạo.
 

“Dầu phải chịu muôn ngày gian khổ

Con dốc long vì đạo hy sinh”

Được vậy mới thực sự là người “hoài bội đạo”, là người dõng mãnh phát tâm xuất gia, xứng đáng với tịnh đức đầu tiên này.
 

2) - HUỶ KỲ HÌNH HẢO ỨNG PHÁP PHỤC CỐ:

(Xả bỏ hình tướng tốt đẹp để xứng hợp với pháp phục)

Pháp phục của người xuất gia chính là pháp y là giải thoát phục, là phước điền y.
 

• Giải thoát phục là y mặc của người cầu đạo giải thoát. Người mặc áo giải thoát là người lìa sự rang buộc của hoặc nghiệp, thong dong vô ngại, xa lìa quả khổ 3 cõi, không bị câu thúc bởi những hệ luỵ thế gian, tuỳ duyên biến hóa, tự tại đối với các pháp.
 

• Phước điền y là đức danh của ca sa bởi vì những điều tướng của ca sa giống những mảnh ruộng phì nhiêu. Ruộng có ý nghĩa “sanh trưởng” khiến cho mình và người đều được lợi ích. Như người nông phu gieo giống thì việc thu hoạch có hy vọng.

Tăng Huy ký chép: “Bờ đê giữ nước làm tăng trưởng mạ xanh để nuôi sống con người, rộng pháp y thấm nhuần bốn thứ nước lợi ích làm tăng trưởng gốc mạ ba thiện căn, nuôi lớn pháp thân tuệ mang”
 

Với những ý nghĩa trên, 2 chữ pháp phục là từ dùng để chỉ cho pháp y mà người xuất gia mặc khi hành lễ (theo Bắc tông) hoặc mặc cả khi đi đường (theo khất sĩ). Bất luận là y 5 điều (An-đà-hôi) hay 7 điều (Uất-đa-la-tăng) hay 9 điều (Tăng-già-lê) thì 2 câu đầu của bài kệ trước pháp y vẫn là:
 

“Thiện tai giải thoát phục

Vô thượng phước điều y”

(Lành thay áo giải thoát

Áo ruộng phước vôthượng)
 

Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: người mặc pháp y phải là người ly triền thoát phược, xứng đáng là ruộng phước cho chúng sanh gieo giống lành gặt quả tốt.

Không riêng gì pháp y (mặc khi hành lễ), ngay cả trang phục bình thường, người xuất gia khi mặc đều hướng tâm đến việc tăng trưởng các thiện căn (vô tham, vô sân, vô si):
 

• “ Nhược trưóc thượng y - Đương nguyện chúng sanh

Hoạch thắng thiện căn - chí pháp bỉ ngạn
 

• “ Trước hạ quần thời - Đương nguyện chúng sanh

Phục chư thiện căn - Cụ túc tàm quý”

( * Bằng mặc áo trên - Cầu cho chúng sanh

Đặng căn lành tốt - Đến pháp bờ kia

* Khi mặc quần dưới - Cầu cho chúng sanh

Mặc các căn lành - Khẳm đủ xấu hổ)

Theo đó mà suy: áo pháp của Phật hình thức tuy thô sơ, đạm bạc, nhưng kẻ tầm thường đâu dễ mặc được!

Lại nữa, trong một ý nghĩa sâu xa, thì “pháp phục” của Phật là một chiếc áo vô hình không được may bằng vải. Giả như có may bằng vải thì vải ấy không hề được dệt bằng chỉ bằng tơ mà là lại dệt bằng các “thiện công đức”. Áo pháp ấy tức là áo thiện pháp: áo nhẫn nhục, áo tàm quy.
 

• Trong kinh Pháp Hoa, khi nhắc đến việc “người hoằng pháp phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi toà Như Lai”, Đức Phật đã tuyên bố “nhẫn nhục” là Pháp y của ngài qua đoạn kệ:

“Từ bi lớn làm nhà

Y nhu hoà nhẫn nhục

Các pháp không làm tòa “ [5]
 

• Trong kinh Di Giáo, khi thuyết minh thắng hạnh của “tàm quý” Đức Phật đã nói:

“Tàm sỉ chi phục ư chư trang nghiêm tối vi đệ nhất.

Tàm như thiết câu năng chế nhân phi pháp”

(Áo mặc hổ thẹn, đối với các thứ trang sức rất là hơn hết

Hổ thẹn ví như móc sắt có thể ngăn ngừa sự phi pháp của người)

Qua đây, chúng thấy rằng: Pháp phục của người xuất gia có hai loại:
 

1 - Pháp phục là Thiên Pháp y: tức chỉ cho y cắt rọc, vải thôi

sơ, nhuộm màu hoại sắc có những đường viền như những thửa ruộng. Mặc y này là người sống với hạnh thiểu dục tri túc, chuyên tu tạo pháp lành hầu xứng đáng là ruộng phước cho nhân gian.
 

2 - Pháp phục là Thiên Pháp: áo pháp này giúp người học đạo trang nghiêm pháp thân, đi theo khuynh hướng “bội trần hiệp giác”.

Chính vì muốn làm ruộng phước cho nhân gian, tăng trưởng các thiện pháp, nuôi lớn giới thân tuệ mang, ngược dòng sanh tử thuận bờ Niết Bàn, người xuất gia huỷ bỏ những hình thức trang sức tốt đẹp ở thế gian, cạo tóc nhuộm áo, theo thầy học đạo.
 

Kinh Di Giáo có đoạn chép:

“ Nhữ đẳng Tỳ kheo đương tự ma đầu, dĩ xả sức hảo, trước hoại sắc y, chấp trì ứng khí, dĩ khất tự hoạt, tự kiến như thị, nhược khởi kiêu mạn, đương tật diệt chi”.
 

(Tỳ kheo các ông! Hãy tự xoa đầu, đã bỏ những đồ trang sức tốt đẹp, mặc áo hoại sắc, mang bình bát để khất thực nuôi mình, tự thấy như vậy, nếu còn khởi kiêu mạn phải mau diệt nó đi)

Đoạn kinh trên cho thấy: người xuất gia sở dĩ “huỷ kỳ hình hảo” chính là để làm người “tâm hình dị tục” (thân và tâm đều khác với người đời). Thân khác tục nhắc nhở ta phải sống một nếp sống “bạt tục siêu quần”. Tâm khác tực không cho phép ta vọng khởi những pháp uế nhiễm, hạ liệt như phàm tình. Đây chính là nếp sống hướng thượng tuyệt vời mà Tổ Qui Sơn cũng đã từng đề cập trong Cảnh sách văn:

“Phù xuất gia giả, pháp túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiệp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”.

(Luận người xuất gia là người cất bước đến cõi siêu việt, thân tâm khác tục, nối thạnh dòng Phật, nhiếp phục ma quân, mong đền bốn ơn, cứu giúp ba cõi).
 

Huống nữa, những hình thức trau tria trang sức của thế gian dễ khiến con người đắm đuối trần cảnh, tăng trưởng tham dục, khó lòng tấn tu đạo giải thoát. Loại bỏ những thú ấy, ta mới an an nhiên với những nếp sống phạm hạnh hướng thượng ly dục của người con họ Thích, xứng hợp với áo pháp mà mình đang mặc.
 

Xưa kia, đức Bổn Sư từ phụ sau khi vượt hoàng thành đến bời sông Anoma thì hoàng bào, ngọc đái, bảo kiếm v.v… trở thành những thứ thừa thãi. Từ địa vị cao quý của một vì vương giả, ngài hạ mình xuống làm một kẻ khất sĩ lang bạt không nhà. Đệ tử phó pháp của ngài, trưởng lão Ca Diếp từng là con nhà cự phú sống trong nhung gấm lụa là thế mà khi theo Ngài xuất gia lại tự vui long với nếp sống khổ hạnh “mặc y chàm vá”, chuyên khất thực ở những nhà nghèo và nơi trú ngụ thường là nhũng bãi tha ma.
 

Những người y cứ vào hình thức thường cho rằng đệ tử Phật là những kẻ nghèo. Họ đâu biết rằng “bên trong những chiếc áo chằm và” ấy là cả một kho châu báu vô giá mà kẻ phàm phu không sao có được. Hãy theo chân Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đến mà tham quan kho báu ấy:
 

“Cùng Thích tử khẩu xưng bần

Thật thị thân bần đạo bất bần

Bần tắc thân thường phi lũ hạt

Đạo tắc tâm tàng vô giá trân

Vô giá trân dụng bất tận

Lợi vật ứng cơ chung bất lận

Tam thân tứ trí thể trung viên

Bát giải lục thong tâm địa ấn”

(Cùng Thích tử miệng xưng nghèo

Rõ thực thân nghèo, đạo chẳng nghèo

Nghèo ắt thân thường manh áo chắp

Đạo ắt tâm hằng châu báu đeo

Châu báu đeo dùng chẳng hết

Ba thân bốn trí, thể tròn viên

Tám giải sáu thông, tâm ấn hiệp)
 

Đấy! Kho báu của người xuất gia là như thế đấy. Nó không phải là ngọc ngà châu báu mà người thế gian có thể làm đồ trang sức hay dùng làm vật đổi chác nhưng lại có thể làm chuỗi anh lạc để trang nghiêm pháp thân (giới) khiến cho người xuất gia thân tuy mặc áo vải thôi sơ mà vẫn rạng rỡ bởi “đường đường tăng tướng dung mạo khả quan”. Kho báu của thế gian thường được bảo quản kỹ càng, đêm ngày người ta lo âu sợ kẻ trộm; nhưng kho báu “Thất thánh tài” của người xuất gia thì cửa mở quanh năm luôn được ban rải để cứu tế cho nhựng kẻ nghèo phước đức, nghèo trí tuệ. Đây cũng chính là kho báu mà Đức Phật hứa sẽ ban cho chú bé La Hầu La khi chú ấy nghe lời mẹ đến vòi vĩnh “xin cha cho thừa kế gia tài”. Ôi! Gia tài Thánh pháp của đấng pháp vương đâu riêng gì La Hầu La (trưởng tử của Ngài) được hưởng. Bất cứ người nào hễ đi theo con đường tam vô lậu học mà Ngài hướng dẫn, đến được “bảo sở” thì mặc tình “sử dụng của báu”.
 

Tuy nghiên, như Kinh Pháp Hoa nói “muốn đến Bảo sở” phải vượt qua 500 do tuần đường hiểm. con đường hiểm nạn sanh tử này đầy những : gai độc “tham ái”, hố sâu “dục vọng”, giặc cướp “phiền não”… muốn vượt khỏi chốn đó đâu phải dễ dàng. bởi vậy, Phật dạy người xuất gia trong bước đầu học đạo phải sống một nếp sống đơn giản, ly khai ngũ dục lạc của thế gian, dồn hết tâm trí để “cứu lửa cháy đầu”. Như con cá biết tránh né nôm lờ, như con ruồi lánh xa hũ mật mới thoát khỏi cái họa mất mạng. Loại bỏ những lạc thú tạm bợ của phàm tình mới có thể thong dong đến “Bảo sở”. Đây là ý ngĩa của việc “Huỷ kỳ hình hảo”.
 

Đặc biệt, chữ HÌNH HẢO còn có nghĩa là: hình vóc tốt đẹp (vẻ đẹp thuộc hình hài). Việc “cạo tóc” vừa biểu ý “đoạn trừ trần lao phiền não” vừa để giảm bớt cái vẻ đẹp hình hài. Không trang điểm thêm thì còn dễ chấp nhận chứ làm bớt đi cái vẻ đẹp thì người thế tục khó mà cam tâm. Ấy vậy mà người hảo tâm xuất gia lại là người sẵn lòng làm việc khó làm này. Đọc “Góp nhặt cát đá”, ta không không khỏi cảm động và nể phục trước tấm gương “huỷ kỳ hình hảo” của Ryonen. Ryonen (một cô gái Nhật) đã đi khắp các Thiền Viện xin được xuất gia nhưng đều bị từ chối với ly do “sắc đẹp của nàng chỉ gây them phiền”. Để đạt chí nguyện, Ryonen đã không ngần ngại đặt bàn ủi nóng lên mặt mình khiến nhang sắc mỹ miều ấy mất đi vĩnh viễn. Thiền sư Hakuo đã nhận nàng làm đệ tử. Phía sau tấm gương soi, Ryonen đã ghi lại những dòng hồi tưởng:
 

“Trong khi hầu hạ hoàng hậu yêu quí, ta đã đốt hương để ướp thơm những áo quần tuyệt đẹp của ta.

Bây giờ muốn làm một tên ăn mày không nhà, ta đốt mặt ta để được bước vào Thiền viện”
 

Làm việc này, Ryonen đã chứng tỏ hảo tâm xuất gia của mình: sẵn sàng “huỷ bỏ hình tướng tốt đẹp” (đức thứ hai) để nhập pháp môn, đồng thời cũng cho thấy nàng đã “xem thướng thân mình vì tôn sùng” (đức thứ tư).

Qua đây, chúng ta thấy rằng: người xuất gia đã chấp nhận việc “xả bỏ hình tướng tốt đẹp” để họ đạo giải thoát thì phải sống sao cho ứng hợp với áo pháp mà mình đang mặc. Đừng chạy theo văn minh thời đại mà để cho áo pháp giải thoát của mình phải nhuốm “bụi trần lao”.
 

3. - CÁT ÁI TỪ THÂN, VÔ THÍCH MẠC CỐ:

(Cắt đứt sợi dây thân ái, vì không còn thân sơ)

Thế gian có nhiêu người cho rằng:

“Tu đâu bằng tu tại gia

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
 

Phật Giáo không hoàn toàn bác bỏ điều này bởi lẽ Đức Phật cũng đã từng nói: “Hiếu tâm tức thị Phật tâm, hiếu hạnh vô phi Phật hạnh” (tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh của Phật). Xưa kia, đức Phật từng khuyến khích đệ tử của Ngài (tôn giả Mục Kiền Liên) thiết Vu Lan bồn hội cứu vong mẫu thoát cảnh u đồ. Bản thân Ngài từng về Ca-Tỳ-La-Vệ thuyết pháp độ hoàng thân. Vua cha ngài trước khi băng hà đã chứng được sơ quả. Ma-ha-ba-xa-ba-đề, Da-du-đà-la, La-hầu-la, Na-đà, A-Nan…những người thân của Ngài cũng được ngài độ cho xuất gia và lần lượt dự vào dòng Thánh (“nhất nhân thành đạo cửu huyền thăng” đích thực là nghĩa như vậy). “Đại phương tiện Phật báo ân kinh”, “Vu Lan Bồn kinh”, “Báo hiếu phụ mẫu ân kinh” là những chứng minh hùng hồn: đạo Phật cũng là đạo hiếu. Người học Phật tu theo Phật phải là người con chí hiếu. Việc thờ cha kính mẹ cũng là một trong những hạnh tu. Tuy nhiên, nếu cho “tu tại gia” là tuyệt hảo thì quả là chưa thấy được chân giá trị của đời sống xuất gia.

Hãy thử đọc dòng suy tưởng của một vị sơ tâm nhập đạo qua đoạn kinh như sau:
 

“Đời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người ở gia đinh có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đáp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đinh”

Kinh Tâm Địa Quán, Phẩm Yếm Xả, đức Phật cũng có nói:
 

“Tại gia bức bách như lao ngục

Muốn cầu giải thoát rất là khó

Xuất gia thư thái như hư không

Tự tại vô vi k hỏi ràng buộc”
 

Gia đinh quyến thuộc là xiềng xích giam hãm ta trong ngục tù “vị thân vị kỷ”. Phá tan xiềng xích đó, vượt khỏi ngục tù đó mới thấy rõ được bầu trời chân tánh rộng lớn như thế nào. Việc “Cát ái từ thân” của người xuất gia chính là hình thức phá xiềng xích, vượt ngục tù.
 

Chữ THÂN nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì là: song thân (cha mẹ), lục thân (cha, mẹ, anh, em, vợ, con), còn nghĩa rộng của nó là chỉ chung thân bằng quyến thuộc.
 

Chữ ÁI tức là ái hệ, ái phược, ái kết, là sợi dây ái n hiễm của phàm tình. Đó là sự trói buộc của lòng thương, nó ràng rịt con người vào vòng ưu bi khổ não, nó thắt buộc lấy thân tâm con người không cho được tự do tự tại. Trong một nghĩa sâu hơn thì Ái là một chi phần trong Thập nhị nhân duyên, là đầu mối của sanh tử. Kinh Tứ thập nhị chương, Đức Phật từng khẳng định: “Sử nhân ngu tệ giả, ái dữ dục dã”. (Cái khiến cho người ta ngu tối và khuất lấp là ái và dục). Ái và dục là nguyên nhân làm xáo trộn làm rối ren, khiến những chất uế trược trong lòng hưng khởi lên. Người tu hành nếu chưa đoạn được ái và dục thì không sao thấy được đạo. Chính vì muốn chặt đứt vòng quay sanh tử, vượt khỏi nhà lửa tam giới mà người xuất gia “cát ái từ thân”. Tuy nhiên, đừng vội y cứ vào đây mà cho ngươì xuất gia là người hoàn toàn không gia đình, không quyến thuộc, không tình cảm. Hãy nghe một du tăng nói về đời sống xuất gia của mình:
 

“Đời tu sĩ bốn phương trời rảo bước

Cõi ta bà đâu cũng là nhà ta.

Một mình đi với bình bát ca sa.

Trong khắp chốn, muôn loài là quyến thuộc”.
 

Ôi! Nếu từ bỏ gia đình quyến thuộc chỉ vì một lẽ duy nhất “sống cho riêng mình” thì còn gì là ý nghĩa “vô ngã vị tha” của đạo Phật? Nếu nói người xuất gia là người không tình cảm thì sao có câu “Phật thương chúng sanh như mẹ hiền thương con”? Kinh Thập Địa có chép: “Vào gia đình chư Phật là nhận lấy và giáo hóa hết thảy muôn loài làm quyến thuộc của mình”. Trên cơ sở này, chúng ta thấy rằng: người xuất gia từ bỏ gia đình quyến thuộc hạn hẹp là để trải lòng sống với đại gia đình, đại quyến thuộc. Không lập gia đình vì phải phụ trách một đại gia đình gồm toàn thể chúng sanh như con chim từ bỏ tổ ấm nhỏ bé là để tung đôi cánh rộng xông lướt trên nền trời bao la. Giam mình trong “vành đai kiềm tỏa” của gia đình thì khó lòng thực hiện chí cao hạnh cả. Tình yêu gia đình làm chướng ngại tình thương rộng lớn.
 

Khi đã khư khư cố chấp: đây là cha mẹ mình, là anh chị em mình, là con cháu mình… ta dễ dàng thờ ơ trước nổi khổ của những người xung quanh. Cái gia đình như thế, cái tình thương như thế làm sao xứng hợp với tâm lượng lợi tha quảng đại của người xuất gia? Bởi vậy, trong quyển Tăng già Việt Nam, Hòa thượng Trí Quang đã khẳng định: “Người xuất gia chỉ rộng lớn được khi không còn phân chia muôn loài là phải hay không phải thân thuộc của mình. Tình thương của người xuất gia không có điều kiện, không hướng về một chỗ, tình thương ấy ở trong phát ra chứ không phải ở ngoài sinh vào. Trước mắt người xuất gia, tất cả muôn loài đều bình đảng trong đau khổ mà bổn phận của họ là phải cô thân độc ảnh để nhiếp hóa tất cả”.
 

Cũng chính vì thấy “muôn loài đều bình đẳng trong đau khổ”, vì muốn “cô thân độc ảnh để nhiếp hóa tất cả” nên thái tử Tất Đạt Đa đã thực hiện “một chuyến đi vĩ đại”. thành Ca-Tỳ-La lúc nữa đêm cách đây hơn 2500 năm đã chứng kiến chuyến đi lịch sử thiêng liêng này, cuộc chia ly đầy cảm động này. Không gian cô tịch như chuển mình xúc cảm trước những lời tha thiết của đấng Đại Hùng Lực, Đại Từ Bi:
 

“Hỡi nhân loại đang quằn quại đau thương, hởi cõi đời sầu khổ! Vì các ngươi mà ta dành bỏ tuổi măng tơ, bỏ ngôi báu, bỏ những ngày vàng và đêm ngọc, gỡi cánh tay bám víu của người vợ hiền, cắt ngang tình yêu mãnh liệc của phụ vương và xa lánh đứa con thơ đang nằm trong bụng mẹ. Hỡi phụ hoàng, hiền thê, bào nhi và xã tắc! Xin hãy gắng chịu đựng sự chia ly này cho đến ngày tôi tìm ra ánh đạo”
 

Ôi ! Ánh đạo vàng mà ngài ban rải cho nhân loại sau bao năm khổ hạnh chốn rừng sâu há chẳng đã được đổi bằng cả một sự hy sinh to lớn? Thế nhân nếu đã ca ngợi những anh hùng “vì nhục nước quên thù nhà” thì cũng nên trân quý đối trước người xuất gia, những bậc “xuất thế anh hùng” vì hạnh phúc an lạc của muôn vạn nhà mà không thể cột chân trong một ngôi nhà (dẫu rằng đó là ngôi nhà thân thương trìu mến nhất!) Ôi! Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay đã từng là cha mẹ, anh chị em thân thuộc của nhau, vậy thì tình thương yêu đâu thể chỉ gói gọn trong một gia đình mà đủ!
 

Qua đây, chúng ta thấy rằng: trong một ý nghĩa rộng lớn, người xuất gia là người cắt đứt mọi sợi dây trói buộc của phàm tình, phá vỡ bức tường thành vọng chấp ngã và ngã sở. Người ấy không còn là sở hữu của quốc gia nào, giai cấp nào, gia đình nào hay của riêng một người nào. Người xuất gia là người trải lòng sống với bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả) của bậc Thánh, lấy “tam thiên đại thiên thế giới” làm nhà, “tứ thánh lục phàm” thảy là quyến thuộc. Tình thương của người xuất gia không phải là thứ tình uỷ mị mà người ta có thể đong đầy hay phong kính trong một trái tim, một tâm hồn mà là thứ tình trong sáng, lan tỏa, trải rộng không bến bờ. Đúng như Hòa thượng Nhất Hạnh đã viết:
 

“Hiến tặng niềm vui mà không gây khổ luỵlà TỪ. chuyển hóa khổ đau là BI. Tình thương mà không hệ luỵ, tình thương mà trong đó tự do còn được bảo trì nguyên vẹn là XẢ. Trong tình thương naỳ, những người thương chỉ hiến tặng cho nhau niềm vui mà không bao giờ kéo nhau vào vòng bi luỵ, đó là HỶ Chính vì muốn thương với tình thương mầu nhiệm ấy mà ta đã phát nguyện sống đời xuất gia”.
 

4.- ỦY KHÍ THÂN MẠNG, TÔN SÙNG ĐẠO CỐ:

(Xả bỏ thân mạng vì tôn sùng đạo pháp)

Thân mạng là cái mà người đời yêu quý vô cùng. Người ta chẳng ngại bận rộn nhọc nhằn để cung phụng cho thân được “mặc đẹp ăn sang’, thường bôn ba vất vả để cầu cạnh cho thân có được chỗ ngồi cao quý. Mải mê nâng niu chìu chuộng vóc huyễn người ta hầu như quên bẵng: “mình sống để làm gì?” và đôi khi lại tỏ thái độ “tham sanh uý tử” (ham sống sợ chết).

Ôi! Con người ta sinh ra trên đời đâu phải chỉ để ăn để ngủ rồi già rồi chết. Con người còn phải sống như thế nào đó có để cuộc sống này có ý nghĩa, có giá trị. Văn Thiên Tường, một triết gia Trung quốc đã từng bày tỏ quan điểm sống tích cực của mình.

“Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử?

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”

(Người đời từ trước ai không chết?

Cốt để long son rọi sử xanh)
 

Với ông, cái chết đã là một qui luật tất yếu không ai tránh khỏi, thế thì: hãy tranh thủ làm điều tốt đẹp trước khi chết để có thể lưu lại chút gì tốt đẹp sau khi chết. Quan điểm này đã vạch ra hướng sống cao đẹp cho kẻ sĩ. Quả thật, con người sống trên đời không ai có thể lẩn tránh được cái chết. Tuy nhiên, có những cái chết âm thầm vô danh như cây cỏ, có những cái chết để lại tiếng nhơ nghìn đời, có những cái chết lưu lại danh thơm muôn thuở. Người có tinh thần thượng võ của kẻ sĩ, khi phải chọn lựa, sẽ không ngần ngại để chọn cái chết loại thứ ba; và bằng mọi giá họ luôn bảo trì triết tháo của mình. Đối với những người này thì: “Chết đứng hơn sống quỳ, chết vinh hơn sống nhục” và họ sẵn sàng “Sát thân thành nhân, xả sanh thủ nghĩa”. (Xả bỏ thân mạng để giữ tròn nhân nghĩa).
 

Vượt lên trên phàm tình thế gian, người hảo tâm xuất gia là người “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”. Thú vui vật chất không ràng buộc được thân họ, danh thơm tiếng tốt không phải là mục đích sống của đời họ. Cái mà họ tôn sùng, ngưỡng vọng là cái đạo vô vi, đạo giải thoát - một cái đạo “không dựng xây mà vẫn sừng sững nguy nga”, “không tô điểm mà vẫn rỡ ràng xán lạn.” Con đường để đi đến cái đạo mầu nhiệm này chính là con đường trung đạo “không bất cập cũng không thái quá”. Đức Phật Thích Ca, bậc đạo sư của họ đã từng chỉ dạy: từ nơi thân này có ra sự sanh khởi thế giới (khổ) thì cũng chính từ thân này mà có ra sự đoạn diệt thế giới (khổ diệt). Ngay nơi thân sanh tử này tiềm tàng thể tánh giác ngộ. Bởi vậy, Đức Phật không chủ trương “hành thân hoại thể” theo lối tu ép xác khổ hạnh mà khuyến khích hộ trì xác thân để tăng tiến đời sống phạm hạnh. Người xuất gia học đạo “trên xin giáo pháp của Phật để trưởng dưỡng giới thân tuệ mạng; dưới xin cơm đàn việt để duy trì huyễn thân, mượn nó làm phương tiện để tu hành. Thấu được thân ngủ uẩn là pháp duyên sinh như huyễn: “Sống chết là việc đi về”, “sanh như đáp chăn Đông, tử như cởi áo Hạ”, “sanh tử khứ lai đô thị mộng”…nên người xuất gia đối với thân này, tuỳ duyên tuỳ thời mà có cách ứng xử hài hòa thích nghi. Đặc biệt, khi cần thiết phải bỏ thân mạng để thủ trì phạm hạnh, để bảo toàn giới thể thì họ cũng chẳng do dự để mà “cởi trả chiếc áo Hạ” ấy.
 

Lật lại những trang sử Phật Giáo, chúng ta không khỏi cảm phục trước gương xả thân cầu đạo của chư vị tiền bối đứng đầu là đức Bổn sư từ phụ. Từ bỏ điện ngọc cung vàng, trên con đường tìm đạo, bước chân vương giả của Ngài đã đạp bằng mọi “hiểm trở gai góc”; tấm thân ngày ngọc của ngài từng phải chịu đựng “những ngọn nắng cháy thịt, những trận mưa rách da của xứ Ấn Độ”. Sau bao năm trời khổ hạnh gối tuyết nằm sương chịu đói chịu khát mà mục đích chưa đạt, nơi cội Bồ Đề, ngài đã trải tòa cỏ lập kiên cố nguyện: “Nếu không đắc đạo thì dù thịt xa nát xương tan quyết không rời khỏi tòa này” (Ngã kim nhược bất chứng đắc vô thượng Bồ Đề, mình khả toái thị thân chung bất khởi thử tọa)
 

Chư vị cao tăng ở Trung quốc trên đường “nhập Trúc cầu pháp” đã trải qua biết bao gian khổ hiểm nguy. Nhiều vị phải bỏ mình khi chưa thỉnh được kinh về Đông độ. Thử đọc mộ đoạn trong “Phật Quốc Ký” của ngài Pháp Hiển để hình dung phần nào nỗi gia khổ của tiền nhân:
 

“Sa hà trung hữu ác quỷ, nhiệt phong, ngộ tắc gia tử vô nhất toàn giả; thượng vô phi điểu, hạ vô tẩu thú, biến vọng cực mục, dục cầu độ xứ tắc mạc tri sở nghĩ, duy dĩ tử nhân khô cốt vi tiêu xí nhĩ”

(Trong sông cát (sa mạc) có nhiều quỷ dữ, gió nóng, gặp phải thì đều chết, không một người toàn tánh mạng. Sa mạc đó, trên không có chim bay, dưới không có thú chạy, nhìn mỏi mắt cũng không suốt, muốn tìm nẻo đi thật vô phương suy tính, chỉ còn biết nương vào xương cốt người chết làm cờ nêu để tiến bước).

Pháp Sư Huyền Trang đời Đường trong chuyến Tây du cũng đã từng trải qua những đoạn đường cam go nguy hiểm tương tự như thế.
 

Đó là đoạn đường “Sa mạc mênh mông, ngày chỉ có ánh nắng gay gắt của mặt trời, đêm chỉ có ánh mờ mờ của các vì sao, cảnh cô độc thật ghê gớm…”
 

Đó là đoạn đường “Cát bụi mù mịt, chạm vào da thịt chỗ nào thì muốn cháy chỗ đó”

Đó là đoạn đường có núi ca nguy hiểm: “ngọn đụng trời, tuyết phủ”, băng đóng quanh năm, những cơn going tuyết luôn chầu chực sẵn.
 

Đó là đoạn đường vòng Đại Tuyết Sơn “mây như đạc lại, tuyết bay loạn suốt ngày, không bao giờ thấy ánh mặt trời, đường cheo leo không có chỗ nào phẳng…Có khi nào phải qua những chiếc cầu kết bằng mây đong đưa ở trên không, chỉ vô ý một chút là té xuống vực thẳn thác đổ ào ào”
 

Chỉ nghe kể lại thôi mà chúng ta đã cảm thấy khiếp sợ, lo ngại biết dường nào. Thế mà, Pháp Sư Huyền Trang đã vượt qua những đoạn đường hiểm nguy như thế cũng như khắc phục mọi chướng ngại khác để hoàn thành “một công cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của nhân loại”. Đã có lúc, ngài chịu khát bốn năm ngày liền “không một giọt nước thâm môi, lưỡi sưng, môi nứt, mắt mờ sức kiệt”. Đã có lúc ngài chịu đói chịu lạnh, leo núi trèo đèo, mạng sống gần như “nghìn cân treo sợi tóc”. Với nghị lực phi thường, ngài đã bất chấp tất cả và quyết định “Thà đi về phương Tây mà chết còn hơn là trở về hướng Đông mà sống”. Tinh thần “cần cầu đạo pháp chẳng quí tiếc thân mạng” của Ngài cổ kim hiếm ai bì kịp.
 

Xem thế đủ thấy ngưòi xưa vì trọng đạo pháp nào có tiếc gì tấm thân. Chẳng những thế, trường hợp bức bách không còn cách nào khác, có vị đã sẵn sàng tự huỷ thân để bảo trì giới thân tuệ mạng. Trong sơ Đẳng Phật học giáo khoa thư, bài “Trinh khiết nhi tử” có chép câu chuyện: một chú Sa di tướng hảo trang nghiêm nhân khi đến nhà thí chủ khất thực gặp phải nạn “Ma Đăng Già” (bị thiếu nữ nài ép làm điều bất chính); không còn cách thoát còn cách thoát thân, chú đã tự đâm cổ mà chết. Thi thể của chú sau đó được đưa về kinh đô hỏa táng trọng hậu. Mọi người hết long quí kính chú chính vì câu di ngôn được viết bằng máu của chú còn lưu lại trên vách: “Ngã ninh xả mạng, bất hủy Phật giới” (Ta bà xả bỏ thân mạng, quyết không hủy phạm giới của Phật).
 

Trên đây đã nói về các gương “vì đạo pháp quên thân mình” của tiền nhân. Theo đó mà suy: Đối trước sự nghiệp thiêng liêng, lý tưởng cao cả thì thân mạng trở thành một thứ nhỏ nhoi không đáng kể. Người đời từng nói: trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, phải biết bỏ ngón tay để cứu bàn tay, bỏ bàn tay để cứu cánh tay, bỏ cánh tay để cứu thân mình; thậm chí phải biết bỏ thân mình để giữ lấy đạo nghĩa. Vẫn biết “được thân người là khó” nhưng “gặp Phật Pháp” lại là điều khó hơn. Người trí, khi cần thiết phải biết hy sinh tiểu tiết để thành tựu đại sự. Kẻ sĩ ở đời còn biết quên mình vì tiết tháo. Bậc “xuất thế anh hùng” há lại vì quí chuộng thân mạng mà xem nhẹ đạo pháp hay sao?
 

5.- CHÍ CẦU ĐẠI THỪA VI ĐO NHÂN CỐ:

(Chí cầu Đại thừa, vì cứu độ chúng sanh)

Trong văn Sám hối có đoạn chép: “Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu nhân thien phư1ơc báo, Thanh Văn, Duyên Giác, nãi chí Quyền thừa chư vị Bồ Tát, duy y Tối thượng thừa Bồ Đề tâm. Nguyện dữ pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đác A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-Đề” (con nay phát tâm không vì riêng cầu cho mình phước trời người, các quả vị: Thanh Văn, Duyên Giác nhẫn đến Quyền thừa Bồ Tát. Chỉ hướng về Tối thượng thừa mà phát tâm Bồ Đề. Nguyện cùng pháp giới chúng sanh đồng một lúc chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).

Tối thượng thừa ở đây tức chỉ cho Phật Thừa, Đại thừa.
 

ĐẠI THỪA: tiếng Phạn là Mahayana, Trung hoa dịch âm là Ma ha diễn, dịch nghĩa là Đại thừa.

Đại thừa là pháp rộng lớn, siêu việt cả thời gian và không gian (thụ cùng tam tế, hoành biến thập phương), có khả năng lợi ích nhiều ngưới, giúp chúng sanh và Bồ Tát thành tựu Phật quả (ví như cỗ xe lớn có thể chuyên chở được nhiều người). Theo quan điểm của ngài Đức Thanh, Đại thừa có 5 nghĩa:
 

1) - Vì đối với TIỂU nên gọi là ĐẠI

• Tiểu tâm đối với Đại Tâm

• Tiểu trí đối với Đại trí

• Tiểu Pháp đối với Đại pháp.

• Tiểu hạnh đối với Đại hạnh

• Tiểu nguyện đối với Đại nguyện.

• Tiểu quả đối với Đại quả

2) - Có khả năng đưa đến Phật quả.

3) - Là chỗ y cứ của chư Phật

4) - Là chỗ y cứ của chư Bồ Tát, Đại sĩ

5) - Là pháp rộng lớn cao siêu.
 

Cũng vì cầu Đại thừa này mà xưa kia khi vượt thành xuất gia, thái tử Tất Đạt Đa dã phát 4 đại nguyện:

• Nguyện tế độ chúng sanh khỏi nguy đốn tai ách.

• Nguyện trừ hoặc chướng cho chúng sanh

• Nguyện đoạn trừ tà kiến giúp chúng sanh

• Nguyện độ chúng sanh khỏi vòng khổ hải.
 

Giáo pháp của các đạo sĩ: Bạt-Già, A-La-Lã, Uất-đầu-lam-phất v.v… không sao làm thỏa mãn chí nguyện của Ngài. Bởi vì: chí của Ngài là chí cầu Đại thừa, nguyện của Ngài là nguyện “cứu độ quần sanh”, và quả của Ngài chứng phải là quả vô thượng Bồ Đề.
 

Sau Phật diệt độ, cũng với cái chí ấy, một hàn sĩ từ đất Lãnh Nam đã lặn lội 30 dặm đường đến gõ cửa thất Huỳnh Mai để trình bày sở nguyện: “Chỉ cầu là Phật, không cầu việc gì khác”. Hàn sĩ đó không phải ai xa lạ, chính là lục tổ Huệ Năng, một người danh chấn sơn môn với kỳ tích “Một chữ không biết viết mà thuyết pháp độ sanh lợi ích vô số kể”. Đệ tử của Ngài, những vị như: Thanh Nguyên, Nam Nhạc Hoài Thượng, Thần Hội, Huyền Giác v.v…đều là những bậc pháp khí, long tượng chốn Thiền Môn
 

Đạo nghiệp của Phật tổ sở dĩ huy hoàng xán lạn chính là nhờ ở chí cao nguyện rộng, nghị lực phi thường. Đọc Bát Đại Nhân Giác Kinh, chúng ta không khỏi cảm phục trước đại nguyện “vào đời độ sanh” của chư vị Bồ Tát..

“Sanh tử xí nhiêu

Khổ não vô lượng

Phát Đại thừa tâm

Phổ tế nhất thiết

Nguyện đại chúng sanh

Thọ vô lượng khổ

Linh chư chúng sanh

Tất cánh đại lạc”

(Đệ bát giác tri)

(Sinh tử thiêu đốt, khổ não vô lượng, phát tâm Đại thừa, độ khắp tất cả, nguyện thay chúng sanh, chịu vô lượng khổ, khiến các chúng sanh, được an lạc rốt ráo)
 

Noi theo công hạnh của Phật Tổ và Bồ Tát Đại sĩ, người hảo tâm xuất gia là người có chí nguyện hướng thượng tuyệt vời.
 

“Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”
 

(Luận người xuất gia là người cất bước đến cõi siêu việt, thân tâm khác tục, nối thạnh dòng Phật, nhiếp phục ma quân, mong đền bốn ơn, cứu giúp ba cõi).
 

Với chí nguyện hướng thượng tuyệt vời này, người xuất gia như một viên dũng tướng tự trang bị cho mình “áo giáp tinh tấn” và “thanh gươm trí tuệ”, xông xáo vào trận địa phiền não, đối đầu với những đại tặc “tam, sân, si”. Người đời vì đền ơn Vua mà chẳng ngại trải thân ngoài trận mạc để diệt giặc an dân. Người xuất gia vì báo ân Phật mà mở lòng bi mẫn bạt tế tam đồ. Càng nhớ đến công ơn khai sáng đạo mầu của đức Bổn Su từ phụ, người xuất gia càng tâm tâm niệm niệm “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Bởi lẽ:
 

“Giả sử đãnh đới kinh trần kiếp

Thân vi sàng tòa biến tam thiên

Nhược bất hoằng pháp độ chúng sanh,

Tất cánh vô năng báo ân dã”

(Giả sử đầu đội trăm ngàn kiếp

Thân làm giường tòa khắp(cõi) tam thiên

Nếu không hoằng pháp độ chúng sanh

Rốt chẳng báo được ân của chư Phật)
 

Vì sứ mệnh thiêng liêng, vì trách nhiệm trọng đại, người xuất gia quyết chí cầu thắng pháp, dốc lòng nắm giữ giềng mối Thánh Đạo, tiếp nối công hạnh của Phật tổ khơi sáng đèn thiền, truyền bá chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Đây chính là ý nghĩa của tịnh đức thứ năm đồng thời cũng là lý do mỗi khi làm việc gì, người xuất gia thường đọc lời kệ phát nguyện hồi hướng:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”
 

C. KẾT LUẬN

Trong lời tựa Hợp chú sách Thiên lâm bảo huấn, Tịnh Tuệ cư sĩ có dẫn một câu nói của cổ đức: “Xuất gia nãi đại trượng phu chi sự, phi tướng chi sở năng vi”. Nghĩa là: “Xuất gia là việc làm của bậc đại trượng phu, chẳng phải là việc mà hàng quan tướng (văn võ trong triều) có thể làm được”. Điều này cho thấy: xuất gia là việc làm vô cùng trọng đại. Và, không thể xem thường người hảo tâm xuất gia, người tự nguyện bắt tay vào việc làm trọng đại. Thử xem: văn quan nơi triều nội, nhiều người tinh tường “thiên kinh vạn điển”, thông thạo “chước quỷ mưu thần” nhưng đã có được mấy ai chịu khó quán sát thực tướng vạn pháp, cứu xét nguồn cội tự tâm để được “siêu phàm nhập thánh”. Võ tướng ngoài trận mạc, lắm vị xông xáo giữa rừng gươm biển giáo, phá lũy đoạt thành nhưng dễ gì tìm được người hùng lực: dập tắt lửa dữ sân hận, chặn đứng nước lũ dục tham, phá vỡ hảo luỹ vọng chấp để vào thành trì Niết Bàn ! Thảo nào, đối trước những vị dục chí “xuất thế anh hùng phóng hạ vạn duyên tục luỵ”, Tổ đức đã không ngớt lời tán thán:
 

“Thiện tai! Đại trượng phu

Năng liễu thế vô thường

Xả tục thú Nê-hoàn

Công đức nan tư nghì”

(Lành thay ! Đại trượng phu

Rõ được đời vô thường,

Bỏ tục hướng Niết Bàn,

Công đức khôn suy lường)
 

Ôi ! Việc xuất gia đã được xem là việc làm trọng đại như vậy thì người hảo tâm xuất gia, người được xưng tán là bậc Đại trượng phu hẳn phải là người có lối hành xử cao thượng tuyệt vời.
 

Phần khảo sát trên tuy chỉ là những nét phác họa sơ sài nhưng qua đó chúng ta không thể không thừa nhận: năm đức của người hảo tâm xuất gia chính là một trong những chất liệu cấu thành tính cao thượng tuyệt vời đó. Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều chất liệu khác nữa mà ở đây chúng ta chưa bàn đến; song điều quan trọng không phải là ở số nhiều mà là ở chỗ: biết và làm ứng hợp. Chỉ với năm đức này thôi mà chúng ta biết và hành trì ứng hợp cũng đủ để làm bậc mô phạm của người, làm ruộng phước cho nhân gian. Trong Tuy Môn Cảnh Huấn có chép: “Năm đức này là phần trọng yếu của người xuất gia. Năm chúng đều phải kính phụng chứ không phải chỉ dành riêng cho tiểu chúng, suốt đời làm theo chứ không chỉ cho người mới thọ giới mà thôi”. Chúng ta thường có thói quen thích làm những chuyện cao siêu của bậc Đai Sa môn mà ít khi đoái hoài đến những việc của Sadi, cho đó là điều tiểu tiết của kẻ ấu trĩ. Sao không nhớ rằng: “Người đi được ngàn dặm vẩn không lìa cái bước ban đầu”, “Đại bàng càng lớn thì đôi cánh càng phải dài rộng hơn”. Năm đức của người xuất gia chính là “cái bước ban đầu “ của hành trình Giác Ngộ Giải thoát, là “đôi cánh” cần phải lớn mạnh để xông lướt đến cõi Đại Phương. Ôi ! Nếu như với người sinh viên, ngày thành đạt công danh (tốt nghiệp ra trường) là ngày cụ thể hóa những ước mơ của ngưỡng cửa đại học thì với người học đạo, ngày viên mãn công hạnh tự lợi lợi tha mới là ngày hiện thực hóa hoài bão của cái thuở “sơ tâm xuất gia”. Hiện tại, cái ngày ấy với chúng ta hầu như vẫn còn là cái ngày mong đợi. Vậy thì, trong khoảng thời gian mong đợi ấy, hãy nên nỗ lực tăng tấn hạnh giải… và lúc nào cũng phải nhớ rằng:
 

“Trần lao vượt khỏi, việc phi thường

Nắm chặt đầu dây, giữ lập trường

Nếu chẳng một phen xương thấu lạnh

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương!” (*)

(*)Lời thị chúng của Thiền sư Hoàng Bá, Trích dịch “Truy môn Cảnh huấn” tập 7
 

PHỤ LỤC

Cảm phục trước những gương “vì đạo pháp quên thân mình” của tiền nhân, người viết xin trân trọng chép lại bài thơ của Nghĩa Tịnh Đại Sư kèm theo phần phỏng dịch và lời kết khuyến do chính người viết biên soạn để tự nhắc nhở sách tấn lấy mình cũng là để tặng chư pháp lữ hành trang trên bướnc đường “hoằng pháp lợi sinh”
 

● Phiên âm:

Tấn, Tống, Tề, Lương, Đường đại gian

Cao tăng cầu pháp ly Trường An

Khứ nhân thành bách, quy vô thập

Hậu giả an tri tiền giả nan

Lộ viễn bích thien duy lãnh kết

Sa hà già nhật lực bì đan

Hậu hiền như vị am tư chỉ

Vãng vãng tương kinh dung dị khan
 

● Tạm dịch:

Trong khoảng các triều đại: Tấn, Tống, Tề, Lương, Đường

Chư vị Cao Tăng cầu pháp xa lìa đất Trường An

Ra đi đủ một trăm, trở về không được mười

Người sau nào biết sự gian nan khổ cực của người trưóc

Đường xa trời thảm, duy có “cái rét của băng tuyết”

Sông cát (sa mạc) nắng thiêu, sức mỏi mòn

Hậu hiền như ai chưa am tường ý chỉ cầu pháp của tiền bối

Thường thường đem kinh ra đọc một cách dễ duôi!
 

● Phỏng dịch theo văn vần:

Trải suốt bao triều: Tấn, Tống, Lương…

Cao tăng cầu pháp, biệt quê hương

Trăm đi, chưa được mười quay lại

Gian khổ, hậu lai mấy kẻ tường?

Thăm thẳm đường xa, thân rét buốt

Mịt mù cát nóng, sức khôn đương

Hậu hiền chưa tỏ Cao Tăng ý

Hời hợt xem kinh như sách thường !
 

● Kết khuyến:

Tiền nhân cầu pháp gian lao

Hậu sanh thừa nghiệp, lẽ nào dễ duôi ?


 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1) - KINH TRUNG BỘ TẬP I, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phậ Học
Việt Nam ấn hành, 1992.
2) - KINH TRƯỜNG BỘ TẬP I, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phậ Học
Việt Nam ấn hành, 1992.
3) - KINH TÂM ĐỊA QUÁN, HT. Thích Tâm Châu dịch, Saigon 1959.
4) - KINH PHẬT DI GIÁO, HT. Thích Hoàn Quan dịch, Hoa Đạo Saigon 1970
5) - KINH TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG, HT. Thích Hoàn Quan dịch, Hoa Đạo Saigon 1971
6) - KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA, HT. Thích Trí Tịnh, Sen Vàng 1972
7) - THANH TỊNH ĐẠO LUẬN TOẢN YẾU, HT Thích Phước Sơn, Trường Cao Cấp Phật học Việt Nam, 1996
8) - PHẬT HỌC PHỔ THÔNG KHÓA I & II, HT. Thích Thiện Hoa, Thành hội Phật Giáo TP. HCM, 1990
9) - SADI LUẬT GIẢI, HT. Thích Hành Trụ dịch, Thành hội Phật Giáo TP. HCM 1992
10) - BẢN ĐỒ TU PHẬT, HT. Thích Thiện Hoa, Thành hội Phật Giáo TP. HCM 1990
11) - TÁM QUYỂN SÁCH QUÝ, HT. Thích Thiện Hoa, Thành hội Phật Giáo TP. HCM 1990
12) - TĂNG GIÀ VIỆT NAM, HT. Thích Trí Quang, Đuốc Tuệ, 1952
13) - CẢNH SÁCH NGHĨA CHÚ, HT. Thích Hoàn Quan dịch, Hoa Đạo xb. 1971
14) - THOÁT VÒNG TỤC LUỴ, Tịnh Vân Đại Sư, dịch giả Thích Quảng Độ, Saigon 1974
15) - NÓI VỚI NGƯỜI XUẤT GIA TRẺ TUỔI, Thích Nhất Hạnh, Lá Bối xb. 1994
16) - CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI, Thích Nhất Hạnh
17) - CHỨNG ĐẠO CA, Thiền Sư Huyền Giác, Trúc Thiên giới thiệu, Lá Bối xb. 1970
18) - GÓP NHẶT CÁT ĐÁ, Thiền Sư Muju, dịch giả Đỗ Đình Đồng, Lá Bối xb 1971
19) - KHUYẾN PHÁT BỒ ĐỀ TÂM VĂN (bản Hán), Tỉnh Am Đại Sư, Hương Cảng 1964
20) - TỲ NI NHẬT DỤNG THIẾT YẾU GIẢI (bản Hán), Phật Oánh Ni Sư soạn thuật, Hương Cảng xb.
21) - TỲ NI NHẬT DỤNG THIẾT YẾU (bản Việt), Phật Oánh Ni Su soạn thuật, Thích Nữ Tuệ Đăng dịch, Trường Cơ Bản Phậ Học Long An, 1993
22) - SƠ ĐẲNG PHẬT HỌC GIÁO KHOA THƯ, bản chữ Hán
23) - THIỀN LÂM BẢO HUẤN, bản chữ Hán
24) - TRUY MÔN CẢNH HUẤN, bản chữ Hán
25) - GIỚI ĐỨC KIÊM ƯU, Chơn Tịnh, 1973
26) - ÁNH ĐẠO VÀNG, Võ Đình Cường, Minh Đức xb 1962.
27) - THIÊN THẦN QUÉT LÁ, Vĩnh Hảo, 1993
28) - HUYỀN TRANG VÀ CÔNG CUỘC THỈNH KINH VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU CủaA NHÂN LOẠI, Nguyễn Hiến Lê.
29) - TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC HÁN VIỆT, HT. Kim Cương Tử chủ biên, Hà Nội 1994
30) - PHẬT HỌC TỪ ĐIỂN, Đoàn Trung còn, TP. HCM 1992.
31) - HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN, Thiều Chữu, Khai Trí xb 194
- Sai Di Luật Giải, (Sđd), trang 37.
- Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của Tỉnh Am Đại Sư (bản chữ Hán), trang 1
- Kinh Tứ Thập Nhị Chương, HT. Thích Hoàn Quan soạn dịch, Hoa Đạo xb. 1971, trang 56
- Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, Sư Cô Tuệ Đăng dịch, xb. 1993, trang 83.
- Kinh Pháp Hoa, HT. Thích Trí Tịnh dịch, trang 300
- Kinh Di Giáo, HT. Thích Hoàn Quan soạn dịch, Hoa Đạo xb. 1970, trang 46
- Kinh Di Giáo,(Sđd), trang 58
- Chứng Đạo Ca của Huyền Giác, Trúc Thiên giới thiệu, Lá bối xb, trang 94
- Góp nhặt Cát Đá của Thiền Su Muju, Đỗ Đình Đồng dịch, Lá Bối xb. 1971, trang 66
- Sa Môn quả, Trường Bộ Kinh quyển 1, HT. Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu PHVN xb.1991, trang 121.
- Kinh Tâm Địa Quán, HT. Thích Tâm Châu dịch, Saigon xb. 1959, trang 199.
- Tăng Già Việt Nam, HT. Thích Tríquang, Đuốc Tuệ xb. 1952, trang 33
- Ánh Đạo Vàng, Võ Đình Cường, Minh Đức xb. 1962, trang 69
- Sơ Đẳng Học Giáo Khoa thư quyển 2 (Bản chữ Hán)
- Viết theo bản chép tay của HT. Thích Thanh Kiểm
- Xem “Huyền Trang và công cuộc thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của nhân loại” của Nguyễn Hiến Lê
- Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt, HT. Kim Cương Tử chủ biên, xb. 1904.
- Qui Sơn Cảnh Sách
- Sa Di Luật Giải (Sđd), trang 580 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu