GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 07:04:32 06-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:2168

Ý Nghĩa Cúng Dường Hoa

Trong kinh Phật thuyết hoa tụ đà-la-ni ghi: “Đức Phật dạy: Sau khi Ta diệt độ, nếu có người đi trên đường trống, thấy tháp miếu của Như Lai, mà dùng một cành hoa, một ngọn đèn, hoặc một viên đất bùn đặt trước tượng để cúng dường, cho đến cúng dường một đồng tiền để sửa sang tượng Phật, hoặc dùng một vốc nước rửa tháp Phật, rồi dùng hoa hương cúng dường, hoặc bước một bước hướng đến chùa tháp, hoặc chỉ một lần xưng nam-mô Phật, [34a] mà muốn người ấy rơi vào ba đường ác trăm nghìn vạn kiếp, thì thật vô lí”. (Thiện Ác Nghiệp Báo)

>> Ý Nghĩa Cúng Dường Hoa
* Ý nghĩa cúng hoa:

Trong Tự viện lúc cúng dường Phật Bồ tát phải niệm tụng “Cúng dường thuyết giới” tức chúng Tăng đồng âm niệm bài kệ:

Tán hoa trang nghiêm tịnh quang minh.

Trang nghiêm bảo hoa dĩ vi trướng.

Tán hoa chúng bảo hoa biến thập phương.

Cúng dường nhất thiết chư Như Lai.

Tạm dịch:

Rải hoa trang nghiêm tịnh quang minh

Trang nghiêm hoa báu làm màn trướng

Rải các hoa báu biến mười phương

Cúng dường tất cả chư Như Lai.

Qua đó cho chúng ta thấy tính trọng yếu việc cúng hoa trong Phật giáo.

Trong Kinh Phật chép: Hoa cúng dường có 10 ý nghĩa:

1. Vi diệu: Chỉ rõ phẩm hạnh của Phật cao xa, lìa hẳn các tướng thô ác.

2. Khai phu: Chỉ rõ sự khơi mở tốt lành, tánh giác tự mở bày.

3. Đoan chánh: Tiêu biểu giữ gìn đức hạnh viên mãn, đức tướng đầy đủ.

4. Thơm tho: Hương thơm tỏa khắp, mình người đều lợi.

5. Vừa ý: Đức mầu thù thắng, hoan hỉ vô cùng.

6. Khéo thành: Khéo tu tập thành tựu các đức tướng.

7. Sáng sạch: Đoạn trừ các chướng ngại được thanh tịnh.

8. Trang sức: Thể ngộ bản tánh trang nghiêm.

9. Kết quả: Nguyên nhân sanh khởi Phật quả.

10. Không nhiễm: Tùy thuận theo dòng đời để cứu độ chúng sanh nhưng không nhiễm ô.

Vì thế mà Kinh Phật cho hoa là nguyên nhân sanh ra từ bi, chính là nói: Hạt giống tịnh tâm ở trong Thai tạng đại bi, muôn hạnh mở bày, trang nghiêm cây Bồ đề Phật cho nên gọi là hoa. Hoa còn biểu thị trang nghiêm thân Phật, đầy đủ tướng hảo của Phật. Kinh Phật chép: Lúc niệm Phật thì chỉ cần dùng hoa rải lên hư không, thì liền được tiêu trừ khổ não, phước báu vô tận.

* Các loại hoa cúng dường:

Hoa cúng dường Phật Bồ tát, chủ yếu là các loại hoa thực vật trong tự nhiên như: Hoa sen, hoa Bà La, hoa Uất Kim Hương,… Ngoài hoa Bà La ra đều là những loại hoa mà chúng ta thường thấy. Sở dĩ gọi là Bà La Hoa là vì cây Bà La gọi là cây Vô Ưu. Phật đản sanh ở dưới gốc cây nầy. Ngài viên tịch ở cây Ta La, đây là những thánh địa của Phật giáo.

Kinh điển Phật ghi chép: Trong các loài hoa, hoa trân quí nhất là hoa sen có đến 4 loại khác nhau.

1. Ưu Bát La Hoa, tức hoa sen xanh.

2. Ba Đầu Ma Hoa, tức hoa sen hồng.

3. Câu Vật Đầu Hoa, tức hoa sen vàng.

4. Phân Đà Lợi Hoa, tức hoa sen trắng.

Hoa sen là loài hoa sống ở ao hồ đầm lầy, vì loài hoa nầy sống ở bùn mà vẫn tinh khiết nên Phật giáo đồ rất ưa chuộng.

Ngoài ra, hoa sen nở và búp có hình dáng bất đồng nên ngụ ý là: Khi hoa sen chưa nở, biểu thị cho chúng sanh vốn 

có hàm chứa tâm Bồ đề. Khi hoa sen mới nở, biểu trưng cho sự khai phát Bồ đề tâm, cần phải tu thiện hạnh để chứng được qu

ả Bồ đề, hoa sen nở ra có “hoa quả đồng thời”, biểu thị cho đức quả chứng ngộ, trí huệ phước đức trang nghiêm đầy đủ.

Hoa sen ngoài việc dùng để cúng dường Phật Bồ tát ra, còn có rất nhiều phương diện liên quan đến Phật giáo, như là 1 trong 8 tướng lành của Phật giáng sanh. Chính là nói, khi Phật giáng sanh, hoa sen bỗng dưng nở khắp trong ao, bông lớn như bánh xe. Trên tòa ngồi của Phật Bồ tát có “Liên hoa bảo tòa” cùng tương ứng với tư thế gọi là ki

ểu ngồi hoa sen…

Hoa cúng dường trong Phật giáo, ngoài hoa sen ra còn có rất nhiều loài hoa để cúng dường, chính là hoa Man, hoa Man là dùng hoa xỏ thành tràng, tức là dùng chỉ xâu những hoa lại để đeo lên cổ, trang sức thân mình, đây chính là phong tục tập quán của Ấn Độ xưa. Trong giới luật Phật giáo qui định, Tỳ kheo không được dùng hoa trang sức trên thân, cho nên khi được người cúng dường vòng hoa Tỳ kheo không dám tiếp thọ. Phật biết được bèn bảo: Nên tiếp thọ rồi đem treo trên vách, khiến cho phòng có mùi hương, người bố thí nhân đó mà cũng được phước báu

Về sau trong Phật giáo đem vòng hoa treo trong thất, hoặc dùng để cúng dường Phật Bồ tát, cũng nhằm để trang nghiêm Phật điện. Lúc làm ra vòng hoa, đa phần là sử dụng hoa tươi, không có qui định loại hoa nào, chủ yếu là chọn các loại hoa có mùi thơm như: Hoa sen xanh, hoa lài, hoa Sa La… Đồng thời cũng có khi dùng những vật phẩm để làm thành vòng hoa, dùng kim loại như đồng xanh làm thành hình tròn, trên đó có điêu khắc hình hoa, chim chóc, thiên nữ,…

Hoa là tinh túy của các loài thảo mộc được hấp thu và phát triển từ thiên nhiên,  khi tỏa hương hoặc hé nở ai cảm nhận được cũng hài lòng thư thái. Khi đem hoa dâng lên cúng dường chư Phật Bồ tát cùng thánh tăng sẽ được phước báu vô lượng.

Lấy những tràng hoa vi diệu nhất

Hương thơm âm nhạc và tàng lộng

Sử dụng mọi thứ trang nghiêm ấy

Con xin cúng dường đức Như Lai

Các thứ y phục và hoa hương

Đèn đuốc trầm hương và tọa cụ

Mỗi thứ đều thành ra sung mãn

Con xin cúng dường đức Như Lai.

          (Kinh Hoa Nghiêm)

Thích Thiện Phước

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu