GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 17:13:07 28-07-2019 (GMT+7) Lượt xem:4841

Phật Giáo Long Điền: Cổ Phật Khất Thực

Sáng nay ngày 26/6/Kỷ Hợi (28/7/2019), khóa ACKH liên huyện Long Điền - Đất Đỏ, tại chùa Thiện Quang, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT đã tổ chức Cổ Phật khất thực, nhằm tái hiện lại những hình ảnh thời đức Phật tại thế.

   Khất Thực (Takuhatsu): Xin ăn. Một hình thức tọa thiền di động. Khất là xin; thực là ăn. Nghĩa là người xin ăn. Khất Thực có 2 nghĩa: Trên xin giáo pháp của Phật để nuôi lớn pháp thân huệ mạng, dưới xin thức ăn của Đàn na thí chủ để trưởng dưỡng vóc thân Tứ Đại.

Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, đức Phật vì muốn cho tất cả mọi người đều có được cơ duyên cúng dường các bậc tu hành, gieo trồng phước đức, nên dạy hàng đệ tử xuất gia hằng ngày phải vào thôn xóm nhận thức ăn cúng dường của bá tánh, gọi là đi khất thực. Điều này đồng thời cũng là để tạo cơ hội cho mọi người được nghe giảng giải Phật pháp mà tiến tu phước huệ.

Thời đức Phật còn tại thế, việc đi khất thực được đặt ra, những người đi theo Phật Thích Ca đã sinh hoạt theo phương cách này, mỗi ngày chỉ dùng bữa ăn trưa một lần trong ngày. Buổi chiều và sáng chỉ dùng chất lỏng như sữa, nước cháo… Thức ăn có được khi đi khất thực được đựng trong bình bát. Khi trở về tịnh xá, có được thức ăn gì thì ăn thức ấy, vì vậy, thời đức Phật còn tại thế, cũng chưa định ra việc ăn chay lạt. Do vậy, ngày nay, hệ phái Nam tông vẫn duy trì phương cách sinh hoạt như thời đức Phật còn tại thế, tu sĩ Nam tông ăn mặn, chỉ cữ tam tịnh. Tu sĩ theo hệ phái Khất sĩ ngày nay vẫn dùng chay lạt, không ăn mặn như hệ phái Nam tông.

Trong bộ kinh Chơn lý có định ra 26 phép phải thực hành trong khi đi khất thực. Nội dung chủ yếu đề cập đến số người đi (lúc nào cũng là hai người trở lên, không đi một mình), thời gian đi (từ sáng sớm đến ngọ), cách đi (hai người đi hàng một, cách khoảng nhau 2 mét, khi đi nhìn xuống, người lớn tuổi đi trước…), địa điểm đi (không được vô chợ, phải đi vào xóm và không được chen lấn), không nhận tiền, gạo…, trang phục khi đi (vấn thượng y trùm kín, không được chống gậy, che dù…), không được nói chuyện trong khi đi, không ngó liếc hai bên, không tìm lắng nghe chuyện người khác ngoài phố…

Những quy cách khi đi khất thực giúp thể hiện oai nghi của một tu sĩ, làm tăng cường lòng kính Phật, trọng tăng cho tín đồ.

Ở Việt Nam, hệ phái Nam tông và Khất sĩ thực hành hạnh trì bình khất thực, xem như là một trong những cách thức tu hành của hệ phái mình. Sau năm 1975, có một số người không phải là tu sĩ, những đã lạm dụng phương cách này để đi ăn xin, không lao động, vì vậy, hai hệ phái Nam tông và Khất sĩ đã dần thay đổi phương cách sinh hoạt, không đi khất thực nữa. Những tu sĩ của hai hệ phái này đã tìm cách tự túc lương thực, trồng lúa, rau màu… để có điều kiện sống tu, và giúp loại bỏ dần một số người đi khất thực giả danh.

 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu