CẤP TỈNH, THÀNH
I. A. THÀNH PHẦN
*Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo địa giới hành chính, được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì được thành lập tổ chức Giáo hội cấp tỉnh, thành phố, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH, THÀNH PHỐ (gọi chung là cấp tỉnh).
*Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh do Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cấp suy cử Ban Trị sự để điều hành Phật sự. Ban Trị sự là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong địa bàn tỉnh.
Số lượng thành viên Ban Trị sự thực hiện theo Quy chế hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh.
*Nhân sự Ban Trị sự cấp tỉnh là Tăng Ni, cư sĩ Phật tử tại địa phương có uy tín, năng lực làm việc, đạo hạnh tốt, có công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc. Trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ công cử thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh.
Trình tự, thủ tục cơ cấu nhân sự Ban Trị sự phải tuân theo nguyên tắc:
1. Việc giới thiệu nhân sự tham gia Ban Trị sự cấp tỉnh nhiệm kỳ mới phải tiến hành dân chủ, công khai, đầy đủ thành phần đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong địa bàn tỉnh.
2. Danh sách nhân sự phải trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thẩm tường, trước khi trao đổi với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng cấp.
3. Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh phải là một Tăng sĩ. Cư sĩ Phật tử không đảm nhận cương vị Phó Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh.
II. A. CƠ CẤU NHÂN SỰ
*Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh là cơ quan thường trực của Ban Trị sự cấp tỉnh, được Ban Trị sự cấp tỉnh ủy quyền thay mặt lãnh đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của các cấp Giáo hội tại địa phương trên mọi công tác đối nội, đối ngoại.
Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh gồm các chức danh:
- Trưởng ban Trị sự.
- 1 Phó Trưởng ban Thường trực.
- Các Phó Trưởng ban chuyên trách.
- Các Trưởng ban phụ trách các ngành theo các Ban ở cấp Trung ương.
- 1 Chánh Thư ký.
- 2 Phó Thư ký.
- 1 Thủ quỹ.
- Các Ủy viên Thường trực.
*Nhiệm kỳ của Ban Trị sự cấp tỉnh là 5 năm, tương ứng với nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh.
III. A. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
*Ban Trị sự cấp tỉnh có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Tổ chức thực hiện chủ trương, đường hướng, chương trình hoạt động Phật sự tại địa phương theo sự hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
2. Ấn định chương trình hoạt động hàng năm theo nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự của Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh đề ra;
3. Tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình hoạt động Phật sự toàn nhiệm kỳ, chương trình hoạt động Phật sự hàng năm, chương trình chuyên biệt và những sự kiện trọng đại của Giáo hội tại địa phương;
4. Kiểm tra, hướng dẫn, quản lý, điều hành các mặt công tác Phật sự của các Ban trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh, Ban Trị sự cấp huyện và các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại địa phương. Đối với các vấn đề không xử lý được, Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh đệ trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hoặc các Ban, Viện Trung ương để được hướng dẫn giải quyết;
5. Suy cử Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh;
6. Số lượng thành viên Ban Thường trực Ban Trị sự và các chức danh Ban Thường trực thực hiện theo Hiến chương và Quy chế hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh;
7. Chuẩn y thành phần nhân sự các Ban chuyên môn, Ban Giám hiệu các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh;
8. Thông qua, Quy chế, Nội quy hoạt động của các Ban chuyên môn, Ban Giám hiệu các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh;
9. Giới thiệu Tăng Ni, cư sĩ Phật tử tham gia các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương.
10. Được quyền phân công, luân chuyển nhân sự bổ sung tham gia Ban Trị sự trên cơ sở trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong trường hợp Ban Trị sự cấp huyện thiếu nhân sự.
11. Tổng hợp ý kiến của các thành viên trong địa bàn tỉnh để phản ánh đến Trung ương Giáo hội, cơ quan Nhà nước tại địa phương về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động tôn giáo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức, cá nhân là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong địa bàn tỉnh.
12. Quyết định bổ nhiệm trụ trì các cơ sở Giáo hội do Ban Trị sự cấp tỉnh thành lập, quản lý trên cơ sở tham vấn Ban Trị sự cấp huyện, hệ phái, sơn môn (nếu có liên hệ) và trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
13. Phê chuẩn kế hoạch, chương trình hoạt động của Ban Trị sự cấp huyện, các Ban chuyên môn, Trường Trung cấp (Cao đẳng) Phật học trực thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh.
14. Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Quy chế hoạt động Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành.
*Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trị sự và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương, Quy chế, Quyết định và các Chỉ thị do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành hoặc phê chuẩn.
Các Ban chuyên môn thuộc Ban Trị sự cấp tỉnh là cơ quan giúp việc Ban Trị sự, chịu sự điều hành chung của Ban Thường trực Ban Trị sự và thực hiện theo chỉ đạo về hoạt động chuyên ngành của Ban Trung ương.
*Chức năng, quyền hạn của Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh:
Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh là người thay mặt Ban Trị sự cấp tỉnh về mặt pháp lý trong các mối quan hệ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong tỉnh.
2. Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh hoặc người được Trưởng ban Trị sự ủy quyền, giữ quyền phát ngôn của Giáo hội tại địa phương.
Khi Trưởng ban Trị sự có duyên sự đặc biệt phải vắng mặt, sẽ ủy quyền bằng văn bản cho Phó Trưởng ban Thường trực để thay mặt điều hành hội nghị, đại hội và các Phật sự khác của Ban Trị sự cấp tỉnh và hết hiệu lực khi Trưởng ban Trị sự trở lại nhiệm sở.
Những trường hợp khuyết vị khác không có quy định tại Chương VI của Hiến chương, thì được giải quyết bằng một quyết định của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CẤP QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH
I. B. THÀNH PHẦN
*Các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo địa giới hành chính, được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì được thành lập tổ chức Giáo hội cấp quận, huyện, thị xã, thành phố, với danh xưng: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện).
*Nhân sự Ban Trị sự cấp huyện là Tăng Ni, cư sĩ Phật tử tại địa phương có uy tín, năng lực làm việc, đạo hạnh tốt, có công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc. Trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh sẽ công cử thành viên Ban Thường trực Ban Trị sự đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Trị sự cấp huyện.
Trình tự, thủ tục cơ cấu nhân sự Ban Trị sự phải tuân theo nguyên tắc sau:
1. Việc giới thiệu nhân sự tham gia Ban Trị sự cấp huyện nhiệm kỳ mới phải tiến hành dân chủ, công khai, đầy đủ thành phần đại diện cho các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại địa phương.
2. Danh sách nhân sự phải trình Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh thẩm tường trước khi trao đổi với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cùng cấp.
3. Trưởng ban Trị sự cấp huyện phải là một vị Tăng sĩ. Cư sĩ Phật tử không đảm nhận cương vị Phó Trưởng ban Trị sự cấp huyện.
II. B. CƠ CẤU NHÂN SỰ
*Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện do Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cấp suy cử Ban Trị sự để điều hành Phật sự. Ban Trị sự cấp huyện là cơ quan hành chính, điều hành, quản lý trực tiếp mọi mặt hoạt động Phật sự của Giáo hội tại địa phương.
1. Số lượng thành viên Ban Trị sự và thành viên Thường trực Ban Trị sự cấp huyện thực hiện theo Quy chế hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành.
2. Thường trực Ban Trị sự cấp huyện gồm các chức danh:
- Trưởng ban Trị sự.
- 1 Phó Trưởng ban Thường trực.
- 2 Phó Trưởng ban chuyên trách.
- Các Ủy viên chuyên môn tương ứng với các Ban chuyên môn của Ban Trị sự cấp tỉnh.
- 1 Thư ký.
- 2 Phó Thư ký.
- 1 Thủ quỹ.
- 1 Kiểm soát.
- Các Ủy viên Thường trực.
- Các Ủy viên.
III. B. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
*Ban Trị sự cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Tổ chức thực hiện chủ trương, đường hướng, chương trình hoạt động Phật sự tại địa phương theo sự hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp trên.
2. Ấn định chương trình hoạt động hàng năm theo nghị quyết, chương trình hoạt động của Đại hội đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện đề ra.
3. Tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình hoạt động Phật sự toàn nhiệm kỳ, chương trình hoạt động Phật sự hàng năm, chương trình chuyên biệt và những sự kiện trọng đại tại địa phương.
4. Kiểm tra, hướng dẫn, quản lý, điều hành các mặt công tác Phật sự của các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại địa phương. Đối với những vấn đề không xử lý được, Thường trực Ban Trị sự cấp huyện đệ trình lên Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh, các Ban chuyên ngành cấp tỉnh hoặc Ban, Viện Trung ương hướng dẫn giải quyết.
5. Chuẩn y thành phần nhân sự, nội quy hoạt động của Ban hộ tự và các đạo tràng, câu lạc bộ sinh hoạt Phật giáo tại cơ sở tự viện trong địa bàn huyện.
6. Giới thiệu Tăng Ni, cư sĩ Phật tử tham gia các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương.
7. Tổng hợp ý kiến của các thành viên trong địa bàn huyện để phản ánh đến Ban Trị sự cấp tỉnh và cơ quan Nhà nước tại địa phương về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động tôn giáo; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Tăng Ni, cư sĩ Phật tử trong địa bàn huyện.
8. Đề xuất việc bổ nhiệm trụ trì các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường, tổ chức thành viên cơ sở lên Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh phê duyệt, quyết định sau khi được sự thống nhất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương. Nếu cơ sở có liên hệ đến hệ phái, sơn môn thành viên, cần được sự trao đổi, thống nhất trước.
9. Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Quy chế hoạt động của Ban Trị sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
*Chức năng, quyền hạn của Trưởng ban Trị sự cấp huyện:
1. Là người thay mặt Ban Trị sự cấp huyện về mặt pháp lý trong các mối quan hệ của Ban Trị sự ở trong và ngoài huyện.
2. Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện hoặc người được Trưởng ban Trị sự ủy quyền, giữ quyền phát ngôn của Giáo hội tại địa phương.
3. Khi Trưởng ban Trị sự cấp huyện có duyên sự đặc biệt phải vắng mặt, sẽ ủy quyền bằng văn bản cho Phó Trưởng ban Thường trực để điều hành Hội nghị, Đại hội và các công việc của Ban Trị sự cấp huyện và hết hiệu lực khi Trưởng ban Trị sự trở lại nhiệm sở. 4. Những trường hợp không có quy định tại Chương VII của Hiến chương, thì được giải quyết bằng một quyết định khác của Ban Thường trực Ban Trị sự, áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
*Nhiệm kỳ của Ban Trị sự cấp huyện là 5 năm, tương ứng với kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam cấp huyện.
Trích điều 29-42 Hiến chương Phật giáo Việt Nam.
GHPGVN