Quang lâm chứng minh tham dự có sự hiện diện của: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN; HT. Thích Giác Liêm – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Văn phòng 2 TƯ GHPGVN; HT. Thích Thiện Đức – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Kiểm soát TƯ; HT. Thích Quảng Hiển – Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; cùng chư Tôn đức Ban Thường trực HĐCM, HĐTS, chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện và đông đảo Phật tử.
Thay mặt môn phong pháp phái, Hòa thượng Thích Thiện Pháp cung tuyên tiểu sử cố Hòa thượng Thích Minh Nguyệt.
Trong không khí trang nghiêm, khói hương quyện tỏa, chư Tôn đức Giáo phẩm đã dâng hương tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt; Thành kính tri ân, tưởng nhớ công đức Hòa thượng đã suốt đời phụng sự cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.
TIỂU SỬ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH MINH NGUYỆT
THÂN THẾ:
Cố Đại lão Hòa thượng Thượng MINH Hạ NGUYỆT, thế danh là Lý Duy Kim, sinh ngày 19 tháng 12 năm 1907 (năm Đinh Mùi) trong một gia đình trung nông, tại xã Tân An, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một, nay là huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Thân phụ là cụ ông Lý Văn Thành, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Yên. Hòa thượng có 7 anh em, 6 trai, 1 gái. Ngài là người con thứ năm trong gia đình tin kính ngôi Tam Bảo.
THỜI GIAN XUẤT GIA HỌC ĐẠO:
Nhờ đã có hạt giống xuất trần, nên đến năm Kỷ Mùi (1919) Hòa thượng đã phát tâm xuất gia, đầu sư với Tổ Huệ Đăng, chùa Thiên Thai, Bà Rịa và được Tổ ban Pháp húy Trừng Kim, hiệu Minh Nguyệt, đời thứ 42, phái Thiên Thai Thiền Giáo tông, năm ấy Hòa thượng vừa tròn 13 tuổi. Đến năm 15 tuổi, Hòa thượng được Tổ sư cho đăng đàn thọ giới Sa Di tại chùa Long Hòa ở địa phương.
Để viên mãn Tam đàn giới pháp, năm 1931 Hòa thượng được Tổ sư cho đăng đàn thọ giới Tỳ Kheo tại chùa Thanh Long, Bình Trước, Biên Hòa.
THỜI KỲ HÓA ĐẠO:
Năm Mậu Dần (1939) qua một quá trình tu học Phật pháp, Hòa thượng nhận thấy cơ duyên hóa đạo đã đến, nên đã xin Tổ sư cho phép vân du tham học và để hoàn thành trách nhiệm truyền bá Chánh pháp cùng hoạt động cách mạng trong giai đoạn đặc biệt của lịch sử đất nước và dân tộc.
Hòa thượng đã vân du hóa đạo, đăng đàn thuyết pháp tại các chùa Phật Bổn (Cần Thơ), chùa Bửu Long, chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho, Tiền Giang), chùa Long An (Tân An), chùa Ô Môi (chùa Thiền Kim Đồng Tháp) v.v…
Năm Canh Thìn (1945), Cách mạng tháng Tám bùng nổ, cùng chung với thời điểm phong trào chấn hưng Phật giáo đang phát triển cao, Hòa thượng đã nỗ lực chu toàn hai trách nhiệm “phụng Đạo, yêu nước, làm tốt Đạo đẹp Đời”. Hòa thượng đã tích cực cùng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, giải phóng quê hương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Và lần lượt giữ các chức vụ:
– Hội Trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Mỹ Tho.
– Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Mỹ Tho.
– Hội Trưởng Hội Phật giáo cứu quốc khu Sài Gòn – Gia Định.
– Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ.
– Ủy viên khu Sài Gòn – Gia Định và Kỳ bộ Việt Minh Nam bộ.
Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ, do Hòa thượng lãnh đạo, trụ sở đặt tại chùa Ô Môi (chùa Thiền Kim, Đồng Tháp) do Ngài làm Trụ trì. Hòa thượng đã cho xuất bản và làm Chủ nhiệm tập san Tinh Tấn là cơ quan ngôn luận của Hội.
Năm Giáp Ngọ (1954), sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, Ngài được phân công ở lại miền Nam để hoạt động cùng các vị Giáo phẩm lãnh đạo khác, Hòa thượng đã vận động rất nhiều tu viện, Tăng Ni làm cơ sở, giúp đỡ che dấu cách mạng ngay trong vùng bị địch kiểm soát. Năm 1956, Hòa thượng đã cho xuất bản tờ nguyệt san Tổ quốc, là cơ quan ngôn luận chủ yếu của Hội Phật giáo cứu quốc Sài Gòn – Gia Định.
Năm 1957 – 1960 Hòa thượng cùng chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo của Hội mở Trường Phật học Lục Hòa tại chùa Giác Viên, Giác Lâm, Phú Thọ, Tân Bình, để đào tạo Tăng tài cho Phật pháp.
Ngày 06/4/1960 (năm Canh Tý), một cơ sở hoạt động bị lộ, toàn bộ những cán bộ nòng cốt đều bị bắt, trong đó có Hòa thượng. Chính quyền Sài Gòn đã kết án Hòa thượng với tội danh “phản nghịch” và xử phạt 20 năm tù khổ sai, cùng đày ra Côn Đảo.
Năm Giáp Dần (1974) sau khi hiệp định Paris được ký kết, Ngài được trao trả về vùng giải phóng Lộc Ninh, sau 15 năm bị lưu đày ngoài Côn Đảo.
Khi được trả tự do, Ngài liền liên lạc với các vị Giáo phẩm lãnh đạo khác trong các tỉnh phía Nam, nhất là Sài Gòn – Gia Định để chuẩn bị cho lực lượng Phật giáo tham gia nổi dậy, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Năm Ất Mão (1975), khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ngài gặp lại quý vị lãnh đạo Phật giáo sau bao năm xa cách. Bằng khả năng và uy tín của Ngài trước cục diện mới của đất nước. Ngài được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Giải phóng Sài Gòn – Gia Định, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh. Và nhất là tại Đại hội thành lập Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước Thành phố năm 1976, Hòa thượng đã được Tăng Ni, Phật tử suy cử làm Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh. Hòa thượng đã cho xuất bản tờ bán nguyệt san báo Giác Ngộ, do chính Hòa thượng làm Chủ nhiệm, là cơ quan ngôn luận chủ yếu của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1980 (Canh Thân), sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, giang san nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà, thể hiện tinh thần thống nhất Phật giáo của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo cả nước được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh do cố Hòa thượng Thích Trí Thủ – Viện Trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất làm Trưởng Ban và đã suy cử Hòa thượng làm Phó Ban Vận động kiêm Trưởng Ban thông tin. Năm Tân Dậu (1981) tai Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã được Đại hội suy tôn lên ngôi Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.
Trong suốt thời gian đảm nhận những chức vụ quan trọng, Hòa thượng đã cùng quý Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Minh Châu, Thích Từ Hạnh, v.v… tham dự các cuộc Hội nghị quốc tế, Hội nghị Tôn giáo thế giới vì hòa bình được tổ chức tại Matxcơva Liên Xô; Tham quan Phật giáo Liên Xô ở vùng Bu-ri-át; Hội nghị tổ chức Phật tử Châu Á vì hòa bình tại Mông Cổ … Hòa thượng cũng được tặng thưởng rất nhiều huân chương hữu nghị ABCP.
Công đức và hy sinh to lớn của cố Hòa thượng đối với Đạo pháp và Dân tộc, nên đã được Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương cao quý như:
THỜI KỲ VIÊN TỊCH:
Trong thời gian Hòa thượng ở ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã thường trú và trụ trì chùa Long Hoa, quận 10, TP. HCM, để chứng minh Phật sự tại các tỉnh phía Nam.
Những tưởng, trên lộ trình phụng sự Đạo pháp, phục vụ dân tộc, trang nghiêm Giáo hội còn lâu hơn nữa, nhất là chứng kiến sự phát triển hưng thịnh của Giáo hội. Nào ngờ đâu vào lúc 6h ngày 28/12 năm Giáp Tý (18/1/1985), sau một cơn bệnh nhẹ, Hòa thượng đã xả báo an tường, thu thần thị tịch tại trú xứ chùa Long Hoa, quận 10, TP. HCM, trụ thế 75 năm, 53 mùa Hạ Lạp.
Thế rồi, dù thời gian có đi qua, không gian có biến đổi, nhưng công đức và đạo nghiệp của cố Hòa thượng đã cống hiến cho Đạo pháp, Dân tộc và chúng sanh vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.
Nam Mô Việt Nam Phật Giáo Giáo Hội, Chứng Minh Hội Đồng, Phó Pháp Chủ, Thiên Thai Đường Thượng, Từ Tế Thượng Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế, Húy Trừng Kim, Hiệu Minh Nguyệt, Lý Công Hòa Thượng Giác Linh Thiền Tọa Chứng Minh.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:
Thực hiện: Thái Huỳnh – Phước Hữu
|
|
Tài khoản BTS GHPGVN huyện Long Điền
Thủ quỹ quản lý thẻ tên:
CAI THỊ NGỌC KIỀU
Số TK: 76110000593792
NH BIDV - chi nhánh Bà Rịa
Mọi thông tin đóng góp, ủng hộ xin liên hệ:
Số đt, zalo: 0818287858
Theo dõi thẻ này có:
TT. Thích Tâm Pháp: Trưởng Ban Trị Sự
SC. Thích nữ Hạnh Thiện: Chánh thư ký
NS. Phương Minh: Trưởng ban kinh tế-tài chánh