GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 09:04:01 19-07-2021 (GMT+7) Lượt xem:3827

Tiểu sử Cố Ni sư Thích nữ Như Diên

TIỂU SỬ
NI SƯ THÍCH NỮ NHƯ DIÊN
(1957 -  2021)
-----------------------

3nsnd2

  • Ủy viên Thường trực, Thủ quỹ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
  • Phó Ban Kinh tế-Tài chánh GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
  • Ủy viên Ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
  • Trụ trì Ni viện Thiện Hòa, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

 

I. THÂN THẾ:
Ni sư húy thượng Như hạ Diên, tự Diệu Đạt, hiệu Phước Thành nối pháp mạch dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 42, thế danh Lại Tố Lan, sinh năm Đinh Dậu (1957) tại Gia Định, Sài Gòn.
Ni sư sinh trưởng trong gia đình trí thức Phật giáo, thân phụ là cụ ông Lại Huy Anh, pháp danh Minh Đạo, và hiền mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Bân, pháp danh DIệu Mẫn. Ni sư là con thứ tư trong gia đình có sáu chị em gái.
Thời thơ ấu, Ni sư sống trong sự yêu thương, đầm ấm của gia đình. Cả sáu chị em của Ni sư đều học hành thành đạt, là các nhà giáo trí thức của cả hai giai đoạn trước và sau năm 1975. Do túc duyên nhiều đời đối với Tam bảo, Ni sư từ thuở nhỏ đã mến thích và siêng năng lui tới chốn thiền môn thanh tịnh, phát tâm thọ Tam quy ngũ giới với cố Hòa thượng thượng Thông hạ Bửu, trụ trì Tổ đình Quán Thế Âm, đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, Sài Gòn.
Ở độ tuổi hoa niên, Ni sư sớm mang trong mình hoài bão rộng lớn, lập chí xuất trần, những năm đầu theo học Đại học Kinh tế trong buổi giao thời nhiều khó khăn, Ni sư vẫn dõng mãnh lập nguyện trường chay, học thuộc lòng kinh Phật, thọ trì Bát quan trai giới đều đặn.  
Năm 1978 (Mậu Ngọ), thân mẫu Ni sư mãn phần, sau khi lo tròn hiếu sự cho mẹ, một năm sau, Ni sư xin phép gia đình, quyết tâm thoát ly thế tục, lập chí xuất trần, được Hòa Thượng Bổn sư gửi đến Chùa Sắc tứ Huệ Lâm, quận 8, Sài gòn xuất gia làm đệ tử của Ni trưởng Thích nữ Như Như, được ban pháp danh là Diệu Diên. Năm đó, Ni sư tròn 22  tuổi và vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế.

II.     XUẤT GIA TU HỌC VÀ HÀNH ĐẠO
Mùa thu năm Kỷ Mùi (1979), Ni trưởng Bổn sư được Ni bộ Bắc tông và Viện Hóa đạo công cử về trụ trì chùa Huệ Lâm, Quận 8 (Xóm Củi), Sài gòn. Tại đây, Ni trưởng đã mở lớp học Sơ Cấp Phật học nội trú, thâu nhận hơn 80 Ni chúng từ mọi miền đất nước về tu học, và Ni sư Như Diên chính là vị đệ tử xuất gia đầu tiên được Ni trưởng thế độ tại chùa Huệ Lâm.
Xuất gia tu học trong thời buổi đất nước mới giải phóng, kinh tế vô cùng khó khăn, Ni sư vừa vào chùa hành điệu tập tu đã phải dấn thân phụ giúp với Thầy Bổn sư để chăm lo đời sống cho đại chúng. Vốn là một cử nhân Kinh tế xuất sắc trong một gia đình trung lưu của Sài Gòn, nhưng khi vào chùa, Ni sư chẳng từ nan bất cứ công việc lao nhọc nào của Sư phụ giao phó, từ việc nhận hàng và bán bánh kẹo, đồ chơi cho trẻ em tại trường Mẫu giáo Sơn Ca ngay bên cạnh chùa, cho đến việc mỗi chiều mang túi rong ruổi khắp các chợ trong khu vực để khất thực, xin những rau củ quả người ta bỏ đi như cùi cải, rau má héo v.v... đem về để phụ Thầy lo cho chúng.
Đầu xuân năm 1984 (Ất Sửu), đầy đủ duyên lành, Ni sư được Bổn sư cho đăng đàn lãnh thọ cụ túc giới tại Giới đàn chùa Long Nhiễu, TP.HCM.
Do biến cố thời cuộc, cuối năm 1984, Ni trường Huệ Lâm giải tán, Ni sư cùng với Ni trưởng Bổn sư và các huynh đệ về Long Thành lập am tranh ẩn tu.

Giữa năm 1985 (Bính Dần), Ni trưởng Bổn sư thành lập Tu viện Phước Hải trên ba hecta (30.000m2) đất rẫy tại ấp Gò Dầu, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Suốt nhiều năm liền, với sự trợ duyên của đại gia đình, Ni sư Như Diên đã dốc hết sức phụ với Thầy Bổn sư lo kinh tế trong ngoài để vừa xây dựng chùa vừa chăm lo đời sống hàng ngày cho các huynh đệ.
Năm 1989, được sự thỉnh mời của Giáo hội, Ni trưởng Bổn sư về nhận trách nhiệm kiến tạo, xây dựng Ni viện Thiện Hòa từ một mảnh đất đồng hoang nắng cháy, thâu nhận và quản lý Ni chúng từ mọi miền đất nước về tu học. Ni sư Như Diên bấy giờ vừa tham dự lớp bổ túc giáo lý, vừa phụ giúp Ni trưởng Bổn sư giám sát công trình xây dựng dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Hiệu trưởng thượng Quảng hạ Hiển.
Năm 1990, Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm (tiền thân của Trường cấp Phật học ngày nay) chính thức khai giảng khóa I, Ni sư là một trong những Ni sinh đầu tiên của bản trường, cùng với quý Ni sư Như Dung, Ni sư Hạnh Nhân, Ni sư Hạnh Nghiêm vừa học vừa phụ giúp Ni trưởng Quản viện trong trách nhiệm điều hành và quản lý Ni chúng.
Sau khi tốt nghiệp Lớp Trung cấp khóa I (1990 -1994), Ni sư tiếp tục theo học lớp Cao đẳng Phật học khóa I (1995 – 1997) của bản trường. Vừa học, vừa phụ giúp Thầy trông coi xây dựng các công trình lớn nhỏ, vừa điều hành, vừa chăm lo đời sống kinh tế của chúng, đức hy sinh, nhẫn nại của Ni sư thật không sao kể hết.
Để nhẹ bớt gánh nặng kinh tế, Ni trưởng Bổn Sư đã quyết định mở các phòng phát hành kinh sách, văn hóa phẩm Phật giáo tại Tu viện Phước Hải và Ni viện Thiện Hòa, giao cho Ni sư Như Diên quản lý. Tự thân Ni sư hàng tuần phải lên về Sài Gòn tìm đến các nơi bán sĩ xâu chuỗi, văn phòng phẩm, hay các tổ in ấn kinh sách lớn.... để thu gom các mặt hàng rồi mang về Ni viện phát hành. Về sau, được sự cho phép của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Ni trưởng Bổn Sư còn mở rộng thêm hai quán cơm chay Thanh Tịnh và Bồ Đề Duyên, cùng phòng phát hành kinh sách Lan Nhã thư quán. Sau này còn có thêm Lò nước tương, Hãng nước uống tinh khiết Cam Lồ trước cổng chùa Đại Tòng Lâm, do Hòa thượng Hiệu trưởng giao cho Ni sư Như Diên quản lý.
Càng nhiều cơ sở thì công việc càng chồng chất, gánh nặng trên vai Ni sư càng nhiều, đổi lại, cơ sở vật chất, phòng xá v.v... của Ni trường mỗi ngày mỗi khang trang hơn và đời sống ẩm thực, sinh hoạt... của chư Ni các khóa về sau cũng được cải thiện nhẹ nhàng, thoải mái hơn các khóa trước rất nhiều.
Là Trưởng tử của Thầy, một trong những người chị đầu tiên của Trường, là vị đại sư huynh của cả một đàn em dại phía sau, Ni sư hầu như không có một giây một phút nào được thảnh thơi, thoải mái lo nghĩ cho bản thân mình. Các huynh đệ lớn và Ni sinh hết khóa này đến khóa khác ra trường, hơn cả ngàn người đã đi qua, ai cũng có một khung trời riêng, một bến đỗ mới, duy chỉ có một mình Ni sư là vẫn thế. Người vẫn ở đó, suốt 32 năm ở đúng một căn Phòng Điều hành nhỏ bé chật chội chưa từng một lần tu sửa, vẫn đôi dép nhựa cũ kỹ, vẫn chiếc áo lam bạc màu, chiếc túi vải nâu giản dị. Từ từ, chầm chậm mà giải quyết trăm công ngàn việc trong ngoài, trên dưới trước sau, từ nhiệm vụ Thủ quỹ mà Giáo hội giao phó qua nhiều nhiệm kỳ, đến điều hành hoạt động Ni trường, quản lý và dạy dỗ Ni chúng, giao tế bên ngoài đẹp lòng hoan hỷ mọi người, từ Chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong cũng như ngoài nước, đến các cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành, đoàn thể, phụ giúp Thầy lo toan tài chính và kiến thiết toàn bộ công trình xây dựng Tổ đình Phước Hải suốt nhiều năm liền, trực tiếp quản lý nhân công và các cơ sở phụ thuộc gồm: hai quán cơm chay, ba phòng phát hành Kinh sách, một lò nước tương, một hãng nước suối.... Bên cạnh đó, các Sư đệ khi ra nhận lãnh trách nhiệm trụ trì làm Phật sự khắp nơi, đặc biệt là ở tỉnh nhà, tất cả cũng đều do một tay Ni sư sắp xếp và cố vấn xây dựng cơ sở. Ni sư làm tất cả mọi việc trong tinh thần hoan hỷ, bao dung chỉ mong đỡ đần được gánh nặng cho Sư phụ mình chuyên tâm lo Phật sự bên ngoài của Giáo hội, của Ni giới, và hoạt động từ thiện xã hội.
Hình ảnh Ni sư mỗi sáng đứng trên trai đường tranh thủ thông báo, nhắc nhở công việc trong lúc đại chúng dùng cơm, mỗi tối thắp nhang đảnh lễ hết các bàn Phật, Bồ-tát và Hộ Pháp từ trong chánh điện ra đến bên ngoài khắp khuôn viên Ni viện để cầu nguyện cho Trường, cho đại chúng được bình an tu học, rồi những bữa cơm bị bỏ dỡ giữa chừng, vừa bưng chén lên lại phải đặt ngay xuống vì khách, vì công việc, đến khi giải quyết việc hết rồi lại cứ ngỡ mình đã dùng xong, các em Ni sinh trực phòng nhiều khi phải nhắc rằng “Sư ơi, Sư chưa dùng cơm đâu”, Sư chỉ cười hiền “Thôi, dẹp dùm cô, cô no rồi.” Tất cả những hình ảnh ấy, hơn 30 năm qua đã in sâu vào tâm thức của bao thế hệ Ni sinh của Ni viện Thiện Hòa. Ôi! sức người thường nào mà gánh nổi từng ấy việc, chịu nổi từng ấy áp lực trong suốt hơn bốn mươi năm ròng...
Chẳng những lo cho Trường Ni mà đối với Trường Tăng, Ni sư cũng vô cùng tâm huyết. Các hoạt động của Trường Tăng như làm xe hoa mừng Phật đản, hội trại và tu sửa cơ sở vật chất thiết bị trong lớp họcv.v…  Sư đều rất mực quan tâm và ủng hộ quý thầy.
Cùng công hạnh vị tha như Ni trưởng Bổn sư, Ni sư Như Diên là người có tâm lượng bao dung, ưa thích việc cúng dường, bố thí. Nhiều năm liền, tại Trường hạ Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm do Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh và Ban Trị sự Phật giáo thị xã Phú Mỹ tổ chức, vâng theo sự chỉ dạy của Ni trưởng Bổn sư, Ni sư đã vận động Phật tử trong và ngoài nước dâng cúng pháp y và cúng dường trai tăng đến hơn 2000 Chư Tôn đức Tăng Ni hiện tiền vào ngày Lễ Tự tứ mồng 09 tháng 07 âm lịch hàng năm. Phật tử cúng dường được bao nhiêu quý bấy nhiêu, phần còn lại thiếu hụt ra sao đều do một tay Sư âm thầm lo liệu. Phật sự ấy suốt nhiều năm qua chưa từng gián đoạn.
Gặp bất kỳ Chư Tôn đức Tăng Ni nào ghé qua trụ xứ Ni viện Thiện Hòa, Ni sư cũng hoan hỷ chào mừng rồi thành tâm dâng lễ phẩm cúng dường. Vâng theo lời chỉ dạy của Ni trưởng Bổn sư, mỗi tháng một lần, tại Quán cơm chay Thanh Tịnh, Ni sư tặng suất ăn miễn phí đến người dân. Các Phật tử ghé về Ni viện Thiện Hòa, Ni sư đều ân cần lo liệu cơm nước và tặng chút quà tương chao, bánh kẹo, nước suối để tỏ lòng quý mến.
Bởi đức tính hy sinh, khiêm cung, từ hòa, giản dị, nhẫn nại, bao dung nên Ni sư được trên từ Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử khắp mọi miền đất nước cũng như hải ngoại, Thầy Bổn sư và đại chúng cùng các huynh đệ đồng tu gần xa vô cùng mến thương, tín nhiệm. Ai đến Ni viện Thiện Hòa thăm Thầy và thăm Trường cũng mong gặp cho được Ni sư, nụ cười từ hòa hoan hỷ của Ni sư khiến ai cũng thấy ấm lòng, an ổn. Các sư đệ mỗi khi gặp khó khăn, dù là trên đường học đạo hay hành đạo đều tìm đến sư để kể lể và được Ni sư nhẹ nhàng nhắc nhở, khuyên lơn. Sự bao dung, nhẫn nại của sư đã làm vơi đi những muộn phiền mệt mỏi của bao người giữa ta bà cõi tạm.
     Trong hơn 30 năm, Ni sư đã đảm nhiệm các chức vụ trong Giáo Hội như sau:

  • Ủy viên Thường Trực - Thủ quỹ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh BRVT, Ủy viên Ban Kinh tế-Tài chính GHPGVN tỉnh BRVT suốt 20 năm trải qua bốn nhiệm kỳ, từ Nhiệm kỳ III (2002 - 2007) đến Nhiệm kỳ VI (2017 - 2022).
  •  Phó Ban Kinh tế-Tài chính GHPGVN tỉnh BRVT, nhiệm kỳ VI (2017 – 2022).
  • Thủ quỹ Ban Giám hiệu Trường Phật học Đại Tòng Lâm từ 1998 đến nay (2021).
  • Thư ký Ban Điều hành Ni viện Thiện Hòa từ 1990 đến 1998.
  • Trưởng Ban Điều hành Ni viện Thiện Hòa từ 1998 đến nay (2021).
  • Giáo thọ tại Trường Phật học Đại Tòng Lâm về các bộ môn: Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư, Kinh Bát đại nhân giác, Kinh Tứ thập nhị chương, Kinh Pháp cú, Đại thừa khởi tín Luận, Nhị khóa hiệp giải, Sinh hoạt Giáo đoàn trải qua 23 năm, từ Lớp Trung cấp Phật học khóa IV (1998 – 2002) đến hiện tại là Lớp Trung cấp Phật học khóa X (2020 - 2023).
  1. NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI

Vào đầu mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2565, dương lịch 2021, sức khỏe Ni sư có dấu hiệu suy kém, Ni trưởng Bổn sư và các huynh đệ thúc giục Sư đi kiểm tra sức khỏe, nhưng một phần vì xã hội đang trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn, phần vì Ni sư vẫn cảm thấy có thể kham nhẫn được, nên đã không đi thăm khám. Sư còn an ủi ngược lại đại chúng: “Mình là người học Phật, phải phát đại thừa tâm, nguyện vì chúng sanh, chịu vô lượng khổ.”
Đến ngày 20/6/2021 (11/5 Tân Sửu), các huynh đệ quyết định đưa Ni sư đến bệnh viện. Ni sư đã nằm điều trị tại bệnh viện trong ba tuần, nhưng sức khỏe vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Trong thời gian này, Ni sư vẫn hoàn toàn tỉnh táo, chỉ là không đi lại được bình thường. Thân tứ đại trải qua những cơn đau khó nhọc, nhưng Ni sư vẫn kiên trì nhẫn nại, không một lời thở than. Chẳng những thế, Ni sư còn nhắc nhỡ các em nuôi bệnh ăn uống đầy đủ, rồi còn nhắc các em thăm hỏi các bệnh nhân cùng phòng, tặng chút tài vật hỗ trợ họ qua cơn khó khăn. Trước khi xuất viện, Ni sư còn nhắc các em đến từng bệnh nhân trong phòng để xin lỗi nếu lỡ trong lúc Sư nằm điều trị có làm ồn hay phiền đến họ. 
Những ngày nằm viện, tuy thân thể hư nhược đau đớn, nhưng mỗi khi gia đình từ Mỹ quốc gọi về, Ni sư đều cười tươi an ủi, trấn an người thân, và bày tỏ ước mong cho dầu sau này Ni sư có như thế nào thì mong gia đình cũng luôn hộ trì Tam bảo, lo cho Thầy, cho quý cô và đại chúng.

Đến ngày 10/7/2021 (01/06/ Tân Sửu), cảm thấy sức khỏe mỗi lúc mỗi yếu dần, Sư chủ động xin bác sĩ cho xuất viện, về chùa tịnh dưỡng.
Trong thời gian này, mặc dù tinh thần Ni sư vẫn hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo, nhưng mọi cử động của thân không còn theo ý muốn nữa, phát âm mỗi lúc một khó hơn, cơn đau cũng đến dày hơn. Tuy vậy, mỗi lúc Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh BRVT hay Ni trưởng Bổn sư đến thăm, Ni sư đều cố gắng chắp tay vái chào và mĩm cười hoan hỷ. Sư còn nhắc nhỡ các em giúp Ni sư và gia đình cúng dường đến Hòa thượng và cúng dường Sư Nội (Đức Trưởng lão Ni  thượng Giác hạ Ngọc, chùa Phước Huệ, Đồng Tháp, 106 tuổi). Ni sư còn bày tỏ khi nào lành bệnh sẽ về chùa Phước Huệ đảnh lễ và cúng dường Sư Nội.
Sự hy sinh quên mình của Ni sư thể hiện rõ nhất qua những lần huynh đệ thúc giục chuyện thâu nhận đệ tử, Ni sư chỉ cười hiền: “Thôi, còn Thầy và các em đông, nhận người vào rồi sẽ không thể toàn tâm toàn ý lo cho đại chúng. Mai này, có các em là được rồi.” Và quả thật như thế, những ngày Ni sư lâm bệnh, tất cả huynh đệ từ lớn đến nhỏ đều hết lòng tận tụy chăm sóc bằng tất cả tấm lòng yêu thương vô bờ bến đối với vị Sư huynh vô cùng quý kính của mình. Ôi! biển tình thương chứa chan vô hạn, nay đành gởi lại hư vô!

Hơn 65 năm trụ thế, những ngày cuối cùng, Ni sư vẫn lắng nghe và chuyên tâm theo câu Phật hiệu A Di Đà không gián đoạn. Ni sư đã xả báo an tường, thâu thần viên tịch vào lúc 14 giờ 10, ngày 08 tháng 06 năm Tân sửu (nhằm ngày 17 tháng 07 năm 2021), trụ thế 65 năm, trải qua 37 mùa hạ lạp.
Chư Tôn đức Tăng Ni tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chư huynh đệ Tông phong pháp quyến và thế quyến cùng tất cả thiện tín Phật tử gần xa, trong và ngoài nước đều vô cùng xúc động, tiếc thương một vị Ni sư tài đức vẹn toàn, xứng danh Tòng Lâm mô phạm. 
NAM MÔ LẠC BANG GIÁO CHỦ ĐẠI TỪ BI PHỤ
TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT.
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỨ THẬP NHỊ THẾ,
THIỆN HÒA NI VIỆN TRÚ TRÌ, HÚY THƯỢNG NHƯ HẠ DIÊN,
TỰ DIỆU ĐẠT, HIỆU PHƯỚC THÀNH NI SƯ GIÁC LINH
THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

TM. Môn nhơn Pháp quyến
Pháp đệ TỲ KHEO NI NHƯ BẢO 
Cẩn bạch

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu