GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 20:59:23 11-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:7039

NGHI LỄ: Vài nét về Lễ Nghi và Nghi Lễ Phật Giáo

I. Khái niệm về ý nghĩa Nghi lễ:

Nghi lễ thường được thể hiện qua sự ứng xử, giao tiếp trong xã hội, trong tín ngưỡng, trong sinh hoạt tôn giáo thông qua đời sống tâm linh, mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc. Nghi lễ là một từ chung, mang ý nghĩa qua sự tổ chức, thể hiện các khuôn mẫu giao tiếp đã được đặt ra của một hay nhiều người đối với một hay nhiều người khác, và đối với một hay nhiều thần linh, đấng cao cả siêu nhiên. Nghi lễ (rite gốc từ la tinh ritualis) gồm nhiều nghi thức (rituals) hành lễ hợp lại.

 

Nghi có nghĩa là uy nghi, dáng vẻ, cung cách. Nghi cũng được hiểu là mẫu mực, là tiêu chuẩn đo lường, ví dụ: Nghi khí (dụng cụ để đo lường). Nghi còn có nghĩa là đồ cúng, ví dụ: Nghi hạ.

Lễ là sự thực hiện các phép tắc, khuôn mẫu mà người xưa đã thực hiện; là hình thức thể hiện việc tổ chức giao tế xã hội, ví dụ: các cử chỉ, ngôn ngữ trong giao tiếp, cách ứng xử trong cuộc sống đời thường; các hình thức cúng bái, tế lễ, cầu nguyện, v.v... Như vậy, Nghi lễ được hiểu là nghi thức khi hành lễ, hội đủ các yếu tố mang tính văn hóa tâm linh.

 

Nghi lễ được hình thành từ rất sớm trong đời sống con người. Các nhà nghiên cứu xác định các nghi lễ xã hội vốn đã được thể hiện khởi đầu từ thời đại đồ đá mới (upper paleotic) cách đây khoảng 10.000 năm. Theo sách Chu Lễ (Thiên Thu Quan, Tư Nghi), sách Công Dương truyện (Thiên Hy Công nhị niên), sách Hán Thư (Chu Bột truyện) nói về cách thực hiện nghi lễ rất chi tiết từ giao tế đến đối nhân xử thế và vô số nghi lễ kể cả nghi thức tôn giáo. Như vậy, nó đã có một lịch sử lâu dài, đa dạng phong phú, tạo nên một nền văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của từng dân tộc.

Nghi lễ được thực hiện trong tín ngưỡng, tôn giáo thường gồm các bài tán, tụng, được phụ họa bằng các khí cụ âm nhạc như chuông, trống, đàn, kèn v.v… Đời nhà Chu (557 trước CN) đã sử dụng cách đánh chuông rộng rãi và 1.000 năm sau đó việc đúc đại hồng chung, xây dựng lầu chuông trở nên phổ biến, nổi bật là đời Tùy (năm 609) với các đại hồng chung có kích cỡ lớn; vào đời Đường, đời Tống ở Trung Quốc đã có thông lệ dùng trống trong sinh hoạt và trong lễ lạc, đặc biệt là ở các Thiền môn. Ấn Độ cổ đại đã dùng trống rất sớm và là khí cụ nổi bật nhất trong các cuộc tế lễ. Như vậy, Nghi lễ và khí cụ lễ nhạc đã phát triển rất sớm và được phổ biến rộng rãi ở các nước phương Đông.

Trong thời đại ngày nay, nền khoa học hiện đại càng phát triển, nhu cầu của con người về đời sống vật chất được nâng lên ở tầm cao, cho nên đời sống đạo đức ở một bộ phận người dân bị suy giảm, nhiều lễ nghi ít được quan tâm, đôi khi lễ nghi bị thương mại hóa. Từ đó đã cho chúng ta thấy nếu đời sống vật chất và tâm linh mất đi sự cân bằng thì không ít hệ lụy được bộc phát như tệ nạn xã hội, bạo hành gia đình, bạo lực học đường v.v… đã, đang xảy ra và ngày càng gia tăng. Đây là một trong những thảm trạng làm cho nền đạo đức con người băng hoại. Trước thực trạng nầy, các nhà văn hóa, các nhà xã hội, nhất là các tôn giáo đang nỗ lực đưa ra những giải pháp thích hợp nhằm để cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh, góp phần cải thiện đạo đức xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

II. Nghi lễ Phật giáo Việt Nam:

Như chúng ta đã biết, sự thực hiện nghi lễ là thể hiện nội dung, ý nghĩa của từng buổi lễ. Các tôn giáo đều có nghi lễ riêng, như tán, tụng, xướng, vịnh, cúng bái, cầu nguyện v.v... Tất cả những nội dung ấy được thể hiện khi thì đơn giản, lúc thì khúc chiết, thâm trầm, khi thì cao siêu, linh diệu, lúc thì hài hòa bình dị, được lồng trong một bối cảnh trang nghiêm với những phụ họa lễ nhạc như chuông, mõ, khánh, kèn, trống… tạo nên một sự thiêng liêng, thi vị.

Nghi lễ Phật giáo Việt Nam tùy theo từng vùng miền mà nghi thức hành lễ có phần giống nhau và khác nhau, nhưng điểm chung nhất là vừa trình bày lời dạy của Đức Phật, của Liệt vị Tổ sư, vừa tạo niềm tin và đem lại niềm an lạc cho người sống lẫn người đã khuất. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng Nghi lễ là một trong những pháp môn hành đạo, phương tiện truyền giáo để cảm hóa lòng người, đưa họ quay về Chánh đạo. Từ ý nghĩa đó, thông qua Nghi lễ đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và tăng trưởng niềm tin Chánh pháp, tạo sự an lạc cho tự thân và tha nhân.

Từ những chân giá trị của giáo lý Phật đà, Liệt vị Tổ sư đã chế tác ra Nghi lễ nhằm mục đích chuyển tải giáo lý giải thoát vào cuộc sống, mang ý nghĩa tâm linh của các đệ tử Phật và chúng sanh ngày càng hữu hiệu hơn trước những phong ba của cuộc đời. Nhưng hiện nay, Nghi lễ mà Liệt vị Tổ sư tiền bối đã chế tác có không ít thay đổi, không còn giữ được bản sắc ban đầu. Nguyên nhân thì có nhiều, tựu trung có ba nguyên nhân như sau:

- Việc truyền thừa Nghi lễ Phật giáo có sự tam sao thất bản, thậm chí có cả dị bản. Từ đó làm cho Nghi lễ Phật giáo không giữ được nét tinh túy, thâm trầm mang hương vị giải thoát.

- Trong quá trình hội nhập, Phật giáo nói chung, Nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng đã có sự tiếp thu, chọn lọc những cái hay cái đẹp của nhiều nước, nhưng chủ yếu phải giữ được cốt tủy, tinh túy, bản sắc văn hóa của dân tộc và Phật giáo Việt Nam, nhất là phải toát lên những yếu tố lễ nghi đó là của Nghi lễ Phật giáo Việt Nam từ pháp cụ, pháp phục, âm điệu …. Tuy nhiên, hiện nay một thực trạng đang xảy ra là không ít vị khi thực hành Nghi lễ không giữ được bản sắc Nghi lễ Phật giáo nước nhà, một số pháp cụ, pháp phục đã bị ngoại lai, làm cho đông đảo Phật tử không biết đó là Nghi lễ đó là của Phật giáo Việt Nam hay của Phật giáo nước nào!.

 

- Vật chất đem lại cho con người cuộc sống tốt hơn, nhưng đôi khi làm cho con người mỏi mệt, cần một chỗ bình yên của tâm hồn, sự an lạc trong cuộc sống, đôi khi do nhu cầu về đời sống tâm linh, người Phật tử hướng đến Phật giáo mà Nghi lễ phương tiện hữu hiệu nhất. Có cung là có cầu, từ đó đã xuất hiện một thực trạng khác làm cho các bậc Tôn đức lãnh đạo Giáo hội và chuyên ngành Nghi lễ băn khoăn, đó là Nghi lễ Phật giáo đã, đang bị thương mại hóa, không còn giữ được những giá trị tinh thần như trước.

III. Việc thực hiện Nghi lễ Phật giáo:

Thực hiện nghi lễ Phật giáo là thực hiện các nghi thức đã được các bậc Tổ sư hành trì và chế tác. Ngày nay người thực hành Nghi lễ tùy theo điều kiện có thể gia giảm một số nghi thức nhưng phải hội đủ các yếu tố về nội dung và hình thức, bản sắc Nghi lễ Phật giáo Việt Nam để vừa có tính khế hợp, trang nghiêm, vừa mang tính tâm thành ý chánh.

Mới đây, chúng tôi có đọc quyển “Nghi thức bước đầu tu tập đại định Lăng Nghiêm” của Tỳ Kheo Trí Quang . Đây là một bộ nghi thức Mật tông, tác giả cẩn thận nêu lên sự trang nghiêm, thanh tịnh của người hành lễ qua thân, khẩu, ý. Như vậy, việc chuẩn bị của một vị Lễ sư về pháp phục và tâm linh là vô cùng quan trọng, không khí của buổi lễ được diễn ra trang nghiêm, mới có thể cảm nhận được sự gia trì của chư Phật, Bồ tát, chư Thiên… Qua đó, người thực hiện Nghi lễ cần lưu ý một số điểm:

- Vị Lễ sư phải có thời gian cho sự chuẩn bị về thân tâm, đạo hạnh, chú tâm, đức lực, trí lực và khi hành lễ y phục trang nghiêm để làm cho buổi lễ được trang nghiêm trọng thể, đồng cảm với thế giới siêu hình.

- Đặc biệt, vị Lễ sư phải là người am tường giữa Sự - Lý của Nghi lễ; kỷ năng thực hiện nghi lễ phải tinh chuyên theo từng khoa nghi, từ đó mới làm cho tín chủ khởi tâm hoan hỷ hướng về Chánh đạo.

- Vị Lễ sư phải biết mình đang lãnh vai trò vừa là người đại Phật tuyên dương Chánh pháp, vừa là người làm cầu nối giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình để đón nhận sức gia trì của Tam Bảo đối với các ước nguyện của tín chủ.

Qua các điều trên, tất nhiên một vị Lễ sư phải trải qua thời gian tu tập, am tường giáo lý; có kiến thức, kỹ năng vững vàng về nghi lễ, nghi thức (thời gian được học tập nghi lễ ít nhất từ 5, 10 năm trở lên). Hạ lạp, đạo hạnh, oai nghi là tính chất của vị lễ sư và ảnh hưởng của vị Lễ sư đối với buổi lễ, đối với quần chúng tham dự là rất lớn. Do tính chất cộng duyên, khi thực hành nghi lễ càng có nhiều thành viên, nhiều vị đạo cao đức trọng thì hiệu năng của buổi lễ càng cao, sức cảm ứng càng mạnh. Thế nhưng, trong thực tế có không ít Tăng sĩ trẻ mới vào chùa, đạo chưa cao, đức chưa trọng, năng lực giáo lý chưa thâm lại chuyên đứng ra hành lễ, tự ý thay đổi nghi thức truyền thống, về pháp phục và có khi thiếu nghiêm túc, mất đi bản sắc Nghi lễ Phật giáo Việt Nam mà các Lệt vị Tổ sư đã dày công chế tác, chủ đích là muốn phô diễn sở học của mình, thậm chí còn pha trò phù thủy khiến buổi lễ mất đi tính trang nghiêm và dĩ nhiên không mang lại lợi ích thiết thực về đời sống tâm linh của chính bản thân và của thí chủ Phật tử. Chính điều này đã tạo nên thực trạng như đã trình bày, gây tác hại cho giáo lý của Đức Phật, gây ngộ nhận cho quần chúng, làm mất đi nét tinh túy, thâm nghiêm, bản sắc Nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Mong rằng thông qua Hội thảo lần này, Lãnh đạo Giáo hội, chuyên ngành Nghi lễ sẽ nghiên cứu, đề ra giải pháp và có định hướng bổ chính, chấn chỉnh, phát huy và giữ gìn truyền thống và bản sắc Nghi lễ Phật giáo nước nhà.

IV. Giữ gìn, phát huy truyền thống và bản sắc Nghi lễ Phật giáo Việt Nam:

Nghi lễ Phật giáo là một trong những pháp môn hành đạo, tự lợi, tự tha. Do đó, Nghi lễ Phật giáo cần phải được nghiên cứu, học tập, rèn luyện, bảo tồn và phát huy. Tuy khởi thủy Nghi lễ Phật giáo Việt Nam có bị ảnh hưởng của Nghi lễ Phật giáo Trung Quốc, nhưng với lòng tự hào dân tộc, Liệt vị Tổ sư Phật giáo Việt Nam đã vận dụng, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của Phật giáo nước bạn để chế tác ra bộ môn Nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, tức là Nghi lễ đã được Việt Nam hóa từ âm điệu, pháp phục, pháp cụ …

Khi Phật giáo đã trở thành Phật giáo Việt Nam thì Nghi lễ Phật giáo nước ta là Nghi lễ có sự hòa nhập của nghi lễ dân gian, nghi lễ cung đình (nhất là phần âm nhạc) mang sắc thái của ba miền Bắc, Trung, Nam. Tất cả hòa nhập một cách hài hòa, nhuần nhuyễn, tinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, tư tưởng, tình cảm của đa số quần chúng.

Do tính chất quan trọng của nghi lễ Phật giáo, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, ngành Nghi lễ từ Trung ương đến địa phương đã, đang ra sức củng cố, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam thông qua Nghi lễ với mục đích tăng cường sức lan tỏa giáo lý của Đức Phật, góp phần tạo niềm tin vững chắc của quần chúng Phật tử vào ngôi Tam Bảo, tạo nên một xã hội hiền thiện với nguồn sống tâm linh lành mạnh.

Trước mắt, chúng tôi kính kiến nghị Giáo hội và Ban nghi lễ Trung ương cần có kế hoạch để thực hiện một số việc:

1. Để làm tư liệu về sau đối với những nghi thức về Nghi lễ của từng vùng miền các bài tán, vịnh, nghi thức v.v… của ba miền, kính đề nghị Ban Nghi lễ Trung ương sớm thực hiện sưu tập, cung thỉnh chư Tôn đức, các nhà trí thức Phật tử uyên thâm nghi lễ, mời các nhạc công tài năng hiệu đính cũng như tiến hành in ấn thành sách, đĩa VCD để lưu trữ và phổ biến giới thiệu Nghi lễ Phật giáo Việt Nam đến với mọi người.

2. Để việc sử dụng các nhạc khí, nhạc lễ Phật giáo được chuẩn mực, kính đề nghị Ban Nghi lễ Trung ương nên tổ chức những khóa học chính quy chuyên về Nghi lễ Phật giáo ở nhiều cấp khác nhau.

3. Để phát huy những giá trị của Nghi lễ Phật giáo, kính đề nghị Ban Nghi lễ Trung ương sớm hoàn chỉnh bộ sách giáo khoa về nghi lễ, sau đó đề nghị Ban Thường trực HĐTS, Ban Giáo dục Tăng Ni thẩm định và chính thức đưa nghi lễ là một môn học trong các trường Phật học.

4. Để bộ Kinh Nhựt tụng bằng tiếng Việt được phổ biến rộng rãi và được mọi người tiếp nhận, kính đề nghị Ban Nghi lễ Trung ương, Ban Biên soạn nên tổ chức lấy ý kiến Tăng Ni, Phật tử thông qua một phiếu khảo sát. Từ đó, chúng ta biết được những bản dịch nào của của chư Tôn đức đã được chấp nhận, khi đã được xã hội chấp nhận thì bộ Kinh Nhựt tụng bằng tiếng Việt sẽ được phổ biến rộng rãi.

Đối với nghi lễ là một vấn đề tế nhị, mang sắc thái đặc thù của từng vùng miền, của sơn môn, hệ phái, những việc mà chúng tôi nêu không thể một sớm một chiều thực hiện được, nhưng Giáo hội và Ban nghi lễ Trung ương cần có kế hoạch, định hướng lâu dài để từng bước triển khai thực hiện. Nếu được vậy, chúng ta có thể hy vọng nghi lễ Phật giáo Việt Nam dù trong xu thế hội nhập sâu rộng với thế giới vừa tiếp thu cái hay cái đẹp, vừa giữ được bản sắc, phát huy truyền thống 2.000 lịch sử Phật giáo Việt Nam, vừa góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đem lại niềm tin và an lạc cho mọi người./.

Thượng tọa Thích Giác Liêm

UV. Hội đồng Trị sự GHPGVN

Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Nghi lễ TW

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu