GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 09:55:18 09-06-2024 (GMT+7) Lượt xem:204

Phật Giáo Long Điền: Ni trưởng Như Như - Triết Lý Sống

Sáng nay ngày 09/6/2024 (06/4/Giáp Thìn), nhận lời thỉnh cầu từ Ni chúng huyện Long Điền, Ni trưởng Thích nữ Như Như - Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương, Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã về chùa Thiên Bửu Tháp, trú xứ An cư Kiết hạ của Ni giới huyện Long Điền thuyết giảng về triết lý sống của người tu sĩ

ĐÔI MẮT

Sương mai sợ nắng lên cành

Mắt người ngại tối đậu rành tỏ phân

Âu lo trĩu nặng ngàn cân

Lời mê mỏ ngỏ, trói chân kiếp người

Là bức thông điệp muôn đời cho những ai nhìn đời bằng đôi mắt chiếm hữu, khát ái.

Nhưng bạn sẽ ê chề, ủ dột, sụp đổ, tan nát vì những gì bạn đang cố thủ. Vì sao? Vì mọi sự vật trên đời này không đứng yên một vị trí trong dòng chảy của vô thường, cái đến hay đi tùy theo phước báu cá nhân.

Bạn thương mến! Từ cái nhìn lệch lạc dẫn đến điên đảo và bạn sẽ vong thân trong vô minh, phiền não, héo mòn sự sống.

Sự thật là đây rồi, nếu đôi mắt của bạn biết nhìn lại chính mình, tức khắc dòng luân hồi không đơn điệu, mà những nhân duyên, nhân quả trùng trùng nối kết, sau đó không có một điểm tựa của ngã tính để bạn tăng trưởng ý niệm chấp hữu, cung dưỡng và phụng sự.

Do cái nhìn thiển cận, soi mói, ích kỷ, độc đoán, mọi vọng tưởng về ngã sẽ cuốn phăng đời bạn trở thành mây khói.

Hãy làm người thông minh với đôi mắt tuệ, bạn sẽ an trú hơi thở, nuôi dưỡng cách xử thế qua tầm nhìn chánh kiến, tức khắc mọi việc được an bài.

Nếu cặp mắt là cửa sổ của tâm hồn thì cuộc đời và nhân loại giúp bạn thấy xa, hiểu rộng:

- THẤY XA: để bảo tồn hiện tại, “bất viễn lự tất hữu cận ưu” đưa bạn thẩm sâu nét nhìn vạn pháp không độc lập, chúng tương sinh tương diệt, trong một pháp bạn thấy được vạn pháp và ngược lại.

“Vạn pháp tùng duyên sanh

Vạn pháp tùng duyên diệt

Ngã Phật đại Sa môn

Thường tác như thị thuyết

Từ đó, sự sống và sinh hoạt của bạn đan chéo, ảnh hưởng lẫn nhau giữa rừng cây hoa lá. Ý thức hội nhập Ni đoàn là yếu điểm thành công trên đường mòn sỏi đá. Chừng ấy, đôi mắt tuệ pháp tỏa ngát ngàn lời hoa mỹ, đẹp chân tình, sông núi nở ngàn hoa!

- HIỂU RỘNG: bạn và tôi hằng tác động giao hưởng, nét nhìn về đối phương hay chân trời vạn pháp luôn mầu nhiệm, chánh kiến và an tĩnh.

Sở dĩ cuộc đời đầy ắp chông gai, khổ não, không toại nguyện là do bạn ném cái nhìn bằng cặp kính màu và đa hóa, bình phẩm theo cấp số nhân, tạo nhiều méo mó khốc hại, tàn nhẫn đôi lúc trở thành vô liêm sỉ, tự chuốc họa vào thân: “hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu”.

Đôi mắt là chìa khóa vạn năng giúp bạn tháo gỡ mọi vướng mắc, sai lầm, dẫn đến “thế gian cơ hiềm giới”, nhanh chóng tạo duyên hằng tỉnh thức “gặp gỡ con người”.

Muốn gặp được con người, bạn phải đi từ “đối thoại”, và “đối thoại” không phải là dồn tha nhân vào chân tường, mà là chìa khóa mở tung mọi sự giác ngộ. Do đó, chánh niệm là bước đầu để bạn thấy rõ được sự sáng suốt của mình và những đau khổ của chúng sanh mà dấn thân xây dựng, vững chắc tâm đại bi, cho đôi chân tiếp nối hạnh đức cao vời, hàn gắn vết thương nhân loại.

Qua Giáo điển, Phật chỉ rõ hai con đường: GIẢI PHÓNG – LỐI SỐNG. Đôi mắt của bạn là nhuệ khí để nhuần tâm, đối trị, từ bỏ ngàn phức tạp, rối ren của con người.

Chúc thành công!

TKN Như Như

 

ĐÔI CHÂN

Đường dài nối bước chân đi

Nắng mưa đâu ngại sá gì chông chai

Trăm năm đá nát vàng phai

Đôi chân vẫn mãi dẻo dai lối về

Phải chăng, đây là lời huấn thị, nhắc nhở hàng Ni lưu thẩm sâu SỰ - LÝ, phàm làm một việc gì, chúng ta cần cân nhắc Sự - LÝ cân phân.

Nếu LÝ là lẽ phải, điều hay, giúp chúng ta suy luận tốt để hiển tánh thì Sự là điểm tựa, là cái thể hiện sáng suốt. Người chuyên tu, tuy ít học và thiếu phần nghiên cứu, song cần chuyên niệm Phật, tham thiền, hành trì lời Phật tổ dạy cũng sẽ thành công, đạt quả Niết bàn.

Kinh luận, sự tích, tôn chỉ của Giáo hội, lời dạy của bậc thiện tri thức, Thầy tổ hiện tại là quy thước, lộ trình hoàn hảo. “Phật lý u thâm, phàm Tăng nan giải”, cần bền chí, thật tuy quyết sẽ thành tựu thiện duyên.

Đời này đâu thiếu chư ni trẻ:

“Đuốc của người ngoài chăm rọi khắp

Đèn nhà mình đó chẳng soi xem”

cứ mãi huyên thuyên về LÝ mà không thực hành SỰ, tối ngày bàn chuyện thị phi, ăn không ngồi rỗi. Cho dù vị ấy có trăm ngàn bằng cấp, đường tu vẫn mờ mịt không có lối ra.

Phàm muốn đạt được mục đích, mỗi chư Ni không thể tách rời LÝ và SỰ, bởi lẽ nó hỗ tương sinh tồn. “Cặp mắt” và “đôi chân” cũng thế.

Nếu Lý là đôi mắt để ngắm bầu trời cao rộng, làm khởi sinh tác dụng đúng đắn thì SỰ như đôi chân để tiến bước: Mắt mù lòa, lờ lệch tất dễ lầm đường lạc ngõ.

Chân bị què quặt, dù mắt có sáng cũng chẳng đến đích và ngược lại.

Từ những ý niệm trên cho chúng ta bài học thực dụng: Bước đi vững vàng nhờ đôi chân rắn chắc

Thấu lý huyển vị, nhuận trạch duyên sinh cuộc sống do đôi mắt chiếu soi.

Tăng già nói chung, chư Ni nói riêng cần thận trọng từng bước chân đi. Chư Ni có duyên học tập nên lưu tâm, thiếu đức tin, trí tuệ và từ bị, chúng ta sẽ chiêu cảm tội báo khôn lường về sau.

Thật lòng mà nói, chúng ta là tu sĩ có nhiều trách nhiệm. “Thiên nhơn chi đạo sư”, từ góc độ xã hội, gia đình, tôn giáo, xí nghiệp, doanh nhân, ... ở địa vị nào cũng cần “ánh mắt”, “đôi chân” dũng tiến, bước đi bình tĩnh, sáng suốt, an toàn.

Sống cao thượng theo mục đích và lý tưởng xuất gia ban đầu, ngày mới vào chùa bạn dễ thương bao nhiêu thì nay nên nhớ lại để sống “tốt đạo, đẹp đời”

Là tu sĩ, chư Ni luôn nhớ ơn Phật, Tổ ni Kiều Đàm, không ẩn nấp chiếc áo cà sa, hằng tỉnh thức địa ngục là khổ đau. Tu hành mà phá phạm giới cấm, ô danh Tăng đoàn thì khác nào tuy sống mà đã sa vào địa ngục.

Thế nên, Phật pháp có thể độ người ngu dốt biết tu nhân thiện, nhưng không độ người thế trí biện thông mà thiếu sự hành trì.

Tích xưa, ngài Châu-lợi-bàn-đà ngu tối, Đức Phật chỉ dạy hai chữ “chổi – quét”, mà ông mờ mịt đến nỗi, nhớ chữ này lại quên chữ kia, nhưng nhờ lòng kiên nhẫn thật tu, đọc học, chung kết chứng quả A La Hán.

Còn Đề-bà-đạt-đa, chứng đến lục thông, kiến thức siêu tuyệt, nhưng do tham lam danh lợi, dẫn đến tội giết cha hại mẹ, quên mất việc tu hành, cuối cùng đọa vào địa ngục.

Cổ đức ví hạng người này là thiếu LÝ quên SỰ, ví như người điếc, khảy đàn cho đại chúng nghe. Hay nói khác hơn là kẻ quảy gánh đi rao bán nhiều loại thuốc hay mà quên mất chính mình đang mang nhiều thứ bệnh.

Xét cổ soi kim, đời sống tu học cần hai đức tính:

- TÀM: để thấy người, biết mình, từ đó, biết mặc cảm, biết xấu hổ với mình, không dám sai phạm.

- QUÝ: hằng soi sáng nội tâm, hổ thẹn với người khác khi gây tội lỗi, làm mất giá trị Nị đoàn, dẫn đến thế gian cơ hiềm giới.

Nhớ rằng, ta là tu sĩ, vì giải thoát sanh lão bệnh tử, mong đạt quả vị Niết bàn, hằng ngày tuân thủ Giới luật, quyết không mang chiêu bài Phật giáo mà bán tạp hóa cho ngoại đạo.

Nào! Hãy dũng tiến về chân trời lý tưởng bằng đôi chân đại hùng, đại lực, đại từ bi”, chúng ta sẽ an lạc chính mình vì không làm lở lói, ung nhọt thân thể Giáo hội PGVN.

Hy vọng, “ánh mắt”, “bàn chân” quý chư Ni biết sống tự lập, không thở bằng bình oxy thì đời tu hoàn hảo, việc làm cao thượng.

Tinh tấn, biết tàm quý, tinh chuyên Giới luật là điểm đến độc đáo cho sức sống, đời tu của bạn không bị kiệt tàn.

Khôn chết

Dại chết

Biết là sống vậy!

Chào tinh tấn

TKN Như Như

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu