GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 15:06:09 08-06-2023 (GMT+7) Lượt xem:921

Phật giáo Long Điền: Đại Đức Thích Nhựt Trường Thuyết Giảng Trường Hạ Thiên Thai, Thiên Bửu Tháp

Sáng nay ngày 8/6/2023 (21/4/Quý Mão), Đại Đức Thích Nhựt Trường - Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN huyện Long Điền, Phó Trưởng Ban tổ chức trường hạ thuyết giảng buổi đầu tiên tại trường hạ Thiên Thai, Thiên Bửu Tháp về Kinh Tứ Thập Nhị Chương (Chương 13)

Chương 13: Vấn Đạo Túc Mạng (Hỏi Về Đạo & Túc Mạng)

Kinh Văn:

Hán Văn: Sa-môn vấn Phật: “Dĩ hà nhân duyên đắc Tri-túc-mạng, hội kỳ chí Đạo?”

Phật ngôn: “Tịnh tâm, thủ chí, khả hội chí Đạo. Thí như ma cảnh, cấu khứ minh tồn; đoạn dục, vô cầu, đương đắc Túc-mạng.”

Dịch Nghĩa: Một vị Sa-môn hỏi Phật: “Do nhân duyên gì mà được Tri-túc-mạng và hiểu thấu Đạo cao tột?”

Đức Phật dạy: “Tịnh tâm, thủ chí, thì có thể hiểu thấu Đạo cao tột. Ví như lau gương, chùi hết cấu bẩn thì còn lại vẻ sáng; dứt lòng tham dục, không còn mong cầu, tất sẽ đắc Túc-mạng.”

Lược giảng:

Chương thứ mười ba nói về con người làm thế nào để đắc Tri-túc-mạng tức là khả năng biết được mạng sống trong nhiều kiếp về trước. Đức Phật dạy chúng ta nếu muốn có được phép túc-mạng thì phải thế nào? Phải thể hội Đạo, phải hiểu Đạo một cách thấu suốt!

Có một vị Sa-môn hỏi Phật. “Bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà được Tri-túc-mạng và hiểu thấu Đạo cao tột? Nhờ nhân duyên gì, phải tu hành ra sao, và nên tu theo pháp môn nào để đắc được Túc-mạng-thông? Đồng thời, chúng con phải làm thế nào để thấu triệt được đạo lý chân chánh?”

Đức Phật dạy: “Tịnh tâm, thủ chí, thì có thể hiểu thấu Đạo cao tột.” Đức Phật trả lời thầy Sa-môn ấy rằng: “Các ông cần phải làm cho tâm mình trở nên thanh tịnh và phải giữ vững chí nguyện của mình. Hễ lập thệ nguyện gì thì phải giữ lời thệ nguyện ấy. Không nên mới phát nguyện được mấy hôm là đã nuốt lời, xem như chẳng đáng kể: “Tôi rút lời nguyện ấy lại rồi!” Hành động như thế tức là không ‘thủ chí,’ không giữ vững chí nguyện của mình. Nếu các ông có thể tịnh tâm, lóng sạch tâm trí, trừ khử mọi hắc ám trong lòng – vọng tưởng, tham, sân, si – và có thể kiên quyết giữ vững chí nguyện của mình, thì tự nhiên các ông sẽ hiểu thấu được Đạo chân chánh.” Đạo chân chánh và tối cao kia tương tự cái gì? Bây giờ Đức Phật đưa ra một tỷ dụ.

“Ví như lau gương, chùi hết cấu bẩn thì còn lại vẻ sáng.” Khi quý vị lau chùi tấm gương, hễ lau sạch bụi bặm trên mặt gương thì vẻ sáng của gương hiện ra. Vẻ sáng hiện ra ấy chính là Túc-mạng thông – khả năng biết được việc đời trước.

Tương tự như thế, một khi quý vị “dứt lòng tham dục, không còn mong cầu, tất sẽ đắc Túc-mạng.” Nếu quý vị có thể dứt bỏ dục niệm và không còn tham cầu – đạt tới cảnh giới “vô sở cầu” – thì quý vị sẽ đắc được Túc-mạng thông.

Cho nên chúng ta, những người tu Đạo, dứt khoát phải không còn tạp niệm, không còn vọng tưởng. Nếu quý vị có thể dứt sạch mọi vọng tưởng, tạp niệm, thì tu pháp môn nào cũng thành công rất nhanh chóng. Nhưng nếu đầu óc chỉ toàn là vọng tưởng, tạp niệm, trong lòng vẫn đầy dẫy tham, sân, si, thì đương nhiên quý vị tu pháp môn nào cũng chẳng tương ưng cả.

Chúng ta tu học Phật pháp thì trước hết là phải dứt bỏ lòng ái dục, đoạn trừ mọi dục niệm. Rồi phải dứt tuyệt lòng tham cầu – không cầu mong bất cứ cái gì cả. Có mong cầu là khổ. Bất luận quý vị mong cầu điều gì, nếu không được toại nguyện tức là quý vị sẽ chịu đựng nỗi khổ “cầu bất đắc” nghĩa là khổ vì cầu mà không được. Cho nên, mọi người cần phải chú ý điểm này.

Tu hành là tu cái gì? Tu hành tức là dứt bỏ mọi vọng tưởng và dục niệm của chính mình. Làm được như thế tức là có công phu thực sự. Một khi tánh đố kỵ, chướng ngại, tham, sân, si của quý vị đã được quét sạch, thì quý vị sẽ đắc Túc-mạng-thông.

 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu