TIỂU SỬ CHÙA THƯỜNG HẠNH
Chùa được thành lập từ ngày 15/8/1980 do Ni Sư Thích Nữ Tâm Huệ sáng lập.
Trước đây, nơi này là một vùng rừng cỏ hoang sơ không người qua lại, sỏi đá gập ghềnh, suối reo thác chảy nhưng vì cảm cảnh thiên nhiên u tịch của núi đồi nên Ni Sư đã sang lại phần đất khai hoang này và lập nên ngôi Tam Bảo để tịnh tu an lạc cùng nhật nguyệt. Thầy trò sớm đi bẻ măng, chiều về hái củi, tối niệm Phật, tọa thiền. Đời sống bình dị theo thời gian trôi qua dưới mái chùa tranh yên tĩnh nơi đất Phật. Một ít đệ tử nhịp nhàng sớm hôm kinh kệ hầu buông bỏ hết chuyện của nhân sinh, hòa mình với nếp sống an bình chân chất của người tu sĩ. Phật tử nơi đây cũng cùng chung niềm vui đạo hạnh, tô thắm tình linh sơn quyến thuộc nhằm trang nghiêm ngôi Tam Bảo. Thế là, chung trà ta đã uống cạn thì một câu chuyện cũng tan chảy theo dòng thiền.
Chùa lúc đó là những vật liệu đơn sơ tre tôn nóc lá, ai muốn vào chốn này phải đi bộ, leo đá, lội suối mới qua rất là vất vả. Trong quá trình xây cất từ đồ dùng, cột kèo phải gánh vác mà vào nhiều lần, đệ tử cũng từng trợt chân vấp ngã chỉ mong sao có được mái ấm để yên tu. Thấy cảnh quá cơ hàn giữa đời sống bình thường nhưng đầy tình người của Phật tử địa phương cùng những công hạnh chịu cực chịu khổ với Thầy trò nên Ni Sư đã dùng tâm bình thường, hạnh bình thường mà đặt tên cho ngôi Tam Bảo. Từ đó, chùa có tên là Thường Hạnh. Thật là:
Đường vào Thường Hạnh…ai biết không?
Ngõ vắng người thưa rợp nắng hồng
Chen chúc lá hoa vương nội cỏ
Dập dìu cánh lượn giữa ngàn thông
Đường vào Thường Hạnh…ai biết không?
Ý đạo lời thơ vẹn tấc lòng
Đã lắm xuân về mơ ước nguyện
Qua rồi năm tháng…thỏa chờ mong
Đường vào Thường Hạnh…ai biết không?
Khói tỏa rừng khuya đượm pháo nồng
Mây trắng…trắng xa vờn tuế nguyệt
Trời xanh…xanh biếc rạng vầng đông.
Và vầng đông cũng đã lặng lẽ trôi qua suốt mấy năm trường, nhờ tấm lòng của dân làng cùng Phật tử địa phương gắng sức chung làm phát đường mở lối, để dân chún ra vào mỗi chiều tụng kinh, lễ Phật, ngắm cảnh hữu tình của hoàng hôn Thường Hạnh.
Hoàng hôn Thường Hạnh….khói sương mờ
Non nước hữu tình đượm ý thơ
Cây lá chen đường quanh lối nhỏ
Hương rừng cỏ dại lắm tiêu sơ
Hoàng hôn Thường Hạnh….khói sương mờ
Sỏi đá gập ghềnh khách ngẩn ngơ
Ta đã qua rồi ta vẫn nhớ
Người về người dệt mãi vầng thơ
Hoàng hôn Thường Hạnh….khói sương mờ
Năm tháng trôi dần cả ước mơ
Nhật nguyệt che đời quên mất tuổi
Trăm năm đừng hỏi…. tự bao giờ.
Tự bao giờ và khi đời sống Ni chúng tạm ổn định cho đến ngày 15/8/ 1988, chùa được phép xây dựng lại bằng xi măng cốt thép với diện tích là 500m2 và sinh hoạt giáo hội những họp kỳ.
Đến năm 2006, cơn bảo số 9 đã tàn phá chùa hoàn toàn đổ nát nên Ni Sư đã được giáo hội, quý cấp chính quyền cho phép đại trùng tu vào ngày 27/3/2008 gồm bảy công trình: 1. Chánh điện, 2. Thiền đường, 3.Trai đường, 4. Bếp, 5. Tháp, 6. Nhà kho, 7. Nhà cốt, với tổng diện tích là 2.072m2 nhằm đáp ứng nhu cầu của Phật tử tu học cùng tín đồ địa phương. Thế nên, chùa Thường Hạnh đã trang trọng hơn và trăng Thường Hạnh cũng sáng hơn là vậy.
Đêm trăng Thường Hạnh… sáng lung linh
Cảnh vật hồn nhiên đượm hữu tình
Gió mát an lành hương Diệu Pháp
Trời trong thanh thản nhẹ lời Kinh
Đêm trăng Thường Hạnh… sáng lung linh
Tĩnh lặng lòng ta chợt thấy mình
Nhất niệm quay về soi bổn tánh
Muôn duyên góp lại rõ tâm linh
Đêm trăng Thường Hạnh… sáng lung linh
Ý đạo lời thơ thắm nghĩa tình
Người đến rồi đi trong giả mộng
Ta về với Phật vẹn niềm tin
Và từ đó đến nay, đệ tử kẻ đi học người đi lãnh chùa nhưng Ni sư trụ trì vẫn ở mãi ngót hơn bốn mươi năm nơi Thường Hạnh và chùa đã chấp hành nghiêm túc sinh hoạt, tham gia Ban trị sự huyện tỉnh nhà cũng như Quý cấp chính quyền đề ra.
Đây là nhờ lòng từ giúp đỡ của Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Tôn Thiền Đức, quý cấp lãnh đạo mà hôm nay ngôi Thường Hạnh được trường tồn mạng mạch cho tông phong vĩnh chấn, tổ ấn trùng quang.
Trước sân chùa, những tôn tượng thờ có cả thập nhị Đại Nguyện của Bồ Tát Quan Âm và tháp tổ, chính giữa điện trên thờ: 1. Đức Điều Ngự Bổn Sư, 2. Tam Thế Phật, 3. Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn, 4. Hộ Pháp Tiêu Diện, hai bên tả hữu có cả chuông trống trong điện thờ.
Những ngày cúng lễ lớn như:
- Mùng 8 tháng giêng lễ kỳ an.
- Rằm tháng giêng lễ kỳ siêu.
- 14/4 lễ Huý Kỵ.
- Rằm tháng 4 lễ Phật Đản Sanh
- 16/7 Đại lễ Vu Lan.
- Rằm tháng 10 lễ kỳ siêu.
- 24/ 12 đưa Chư Thiên.
- 30/ 12 đón Chư Thiên.
- Khuya giao thừa mùng một tháng giêng vía Phật Di Lặc
Đây là tiểu sử hoàn mãn Chùa Thường Hạnh, khu phố Hải Hòa, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu do Ni Sư Thích Nữ Tâm Huệ sáng lập cũng là vị Trụ Trì đương nhiệm từ trước đến nay.
Long Hải, ngày 25 tháng 11 năm 2020
Kính bút,
Người viết tiểu sử
NI SƯ THÍCH NỮ TÂM HUỆ
|
|
Tài khoản BTS GHPGVN huyện Long Điền
Thủ quỹ quản lý thẻ tên:
CAI THỊ NGỌC KIỀU
Số TK: 76110000593792
NH BIDV - chi nhánh Bà Rịa
Mọi thông tin đóng góp, ủng hộ xin liên hệ:
Số đt, zalo: 0818287858
Theo dõi thẻ này có:
TT. Thích Tâm Pháp: Trưởng Ban Trị Sự
SC. Thích nữ Hạnh Thiện: Chánh thư ký
NS. Phương Minh: Trưởng ban kinh tế-tài chánh