Các nước Phật giáo Nam truyền cũng vậy, tuy cùng ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhưng Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia đều có phong cách kiến trúc đặc thù của dân tộc họ.
Tất nhiên, hệ Phật giáo Bắc truyền dù có bản sắc độc đáo tới đâu trong kiến trúc vẫn có một phong cách chung do ảnh hưởng nền văn hóa Trung Hoa. Và hệ Phật giáo Nam truyền cũng vậy, nhìn kỹ người ta dễ dàng thấy bên cạnh nét kiến trúc chùa tháp riêng của mỗi dân tộc trong vùng Đông Nam Á vẫn có nét chung xuất phát từ nền văn hóa Ấn Độ, điều đó không thể nào tránh được. Do đó, không nên nhầm lẫn giữa cái chung và cái riêng, nghĩa là không nên cố gắng tìm một cái riêng lập dị, cũng không nên đồng hóa với cái chung mà mất đi tính dân tộc đặc biệt của mình.
Khoảng hơn 100 năm trước Dương lịch, vào các đời vua Hùng, Phật giáo đã du nhập vào đất Việt bằng đường biển từ Ấn Độ do đoàn truyền giáo của hoàng đế Asoka gồm nhiều nhà sư người Tây Trúc, nên chắc chắn kiến trúc chùa tháp Việt lúc đầu ảnh hưởng văn hóa Ấn. Khi đó, Trung Quốc chưa có Phật giáo đã cử người qua học Phật với các nhà sư người Ấn và Việt tại trung tâm văn hóa Phật giáo đã thịnh thành từ Cổ Loa cho đến Luy Lâu. Chùa Dâu là một trong những dấu tích biểu hiện sự Phồn thịnh của Phật giáo nước ta thời bấy giờ. Về sau, khi Phật giáo Trung Hoa phát triển, trong những thời bị phương Bắc đô hộ, Phật giáo Việt cũng bắt đầu bị ảnh hưởng Phật giáo Bắc truyền từ Trung Quốc.
Trung Hoa là một nước có nền văn hóa lâu đời, có niềm tự hào bản xứ của họ nên khi du nhập Phật giáo từ Việt Nam hay Ấn Độ họ cũng cải biên thành một Phật giáo của riêng mình. Rõ ràng là Phật giáo Trung Hoa chịu ảnh hưởng tư tưởng, nghi lễ, phong tục, tập quán của Nho giáo và Lão giáo nên kiến trúc cũng đượm nét đền đài lăng miếu theo nguyên tắc Tam giáo đồng nguyên của họ. Dưới hàng ngàn năm đô hộ của Phương Bắc, Phật giáo Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, nên ảnh hưởng văn hóa gốc của Phật giáo ngày càng phai nhạt, đó là điều cần được xem xét lại nếu muốn trở về nguồn cội uyên nguyên của Phật giáo.
Ý thức được điều này, những vị cao tăng Việt Nam có tinh thần dân tộc luôn cố gắng bản địa hóa kiến trúc Phật giáo Việt Nam, nhưng mỗi lần bị phương Bắc xâm lăng, chùa tháp mang phong thái Việt lại bị đổ nát hay phá hủy để rồi dựng lại theo mô hình đình miếu Trung Hoa!
Tùy theo tính độc lập dân tộc của mỗi triều đại, như thời Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn hay hiện đại, Phật giáo Việt Nam cũng có phong cách kiến trúc chùa tháp khác nhau. Thí dụ như Phật giáo đời Trần, đời Nguyễn ít bị ảnh hưởng của Nho giáo, phong cách kiến trúc chùa tháp biểu hiện tính độc lập dân tộc cao hơn.
Đặc biệt là kiến trúc đời Trần - thời mà Phật giáo được xem là quốc giáo, không những là thời kỳ hưng thịnh của đạo Phật mà của cả dân tộc Việt. Vua Trần Nhân Tông, còn là một nhà sư đầu đà ẩn tu trên núi Yên Tử và núi Ngọa Vân, Tổ của phái thiền Trúc Lâm, có một nhận thức về đạo Phật rất thực tiễn, dung hóa được Thiền nguyên thủy của Đức Phật với Thiền phát triển của các Tổ Trung Hoa thành một dòng thiền độc đáo đầy tính Việt. Về phương diện chính trị cũng vậy, qua nhiều lần đẩy lùi quân xâm lăng phương Bắc, nhà vua đã nghĩ đến việc tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc bằng cách liên kết với các nước phương Nam, lúc bấy giờ là nền văn hóa Phù Nam (Suvannabhūmi) - tức vùng Đông Nam Á ngày nay - có ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa tâm linh của Ấn Độ.
Do đó, nhà Trần đã ngoại giao, trao đổi văn hóa và kết thân với các dân tộc phương Nam như Champa, Thủy Chân Lạp v.v... Việc gả công chúa Huyền Trân và mời các cao Tăng Phật giáo về phương Nam tham vấn, đồng thời nhà vua xuất gia mặc y theo Phật giáo Nam truyền, biết đọc kinh Pāli và nhất là xây dựng chùa tháp kết hợp với văn hóa kiến trúc phương Nam mà ngày nay hầu hết đã bị phá hủy hoặc đổ nát để xây dựng lại theo văn hóa phương Bắc (những di chỉ khảo cổ từ các di tích chùa cổ đời Trần đã chứng minh rất hùng hồn điều đó).
Do liên tục bị tàn phá bởi chiến tranh nên hiếm có ngôi chùa nào có thể tồn tại được qua các thời đại, đồng thời chúng ta bị đô hộ bởi văn hóa phương Bắc và sau này cộng thêm ảnh hưởng văn hóa phương Tây nên phải nói rằng kiến trúc Phật giáo Việt Nam không những có ảnh hưởng từ hai nguồn văn hóa lớn Ấn - Hoa mà còn từ cả văn hóa phương Tây nữa. Do đó, để giữ được bản sắc dân tộc trong kiến trúc chùa Tháp Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng mà ai cũng có thể nhận thức được.
Phật giáo có nhiều tông phái, mỗi tông phái có tông chỉ, lễ nghi và nếp tu tập sinh hoạt riêng, do đó kiến trúc chùa tháp của mỗi tông cũng cần thể hiện được tính đặc thù của mình.
Như chùa Nam Tông cần biểu hiện tính nghiêm minh, thanh thoát; chùa Tịnh Độ cần tính thanh tịnh, tín thành; chùa Mật Tông cần tính ẩn mật, uy nghiêm; chùa Thiền Tông cần tính hồn nhiên, trong sáng v.v... Nhưng nói chung chùa Phật giáo tất yếu cần toát lên được những đức tính ưu việt của đạo Phật như đại từ, đại bi, đại trí và đại dũng, đồng thời thể hiện được ba tiêu chí của thể tướng dụng là chân, mỹ, thiện. Chân là không giả tạo, mỹ là không thô kệch, thiện là không vô ích - mới phản ánh được nghệ thuật kiến trúc đúng phong cách Phật giáo.
Chùa là nơi hướng dẫn đời sống văn hóa tâm linh của quần chúng, là bài pháp vô ngôn nên cần biểu hiện thế nào để bất kỳ ai ngay khi mới bước chân vào cửa Phật đều cảm nhận được một không gian tĩnh lắng yên bình, một không khí nhẹ nhàng thanh thoát, như trút bỏ được mọi ưu phiền. Chùa cần vẻ trang nghiêm thanh tịnh nhưng không quá thâm u kỳ bí gợi lên lòng mê tín sợ hãi; cần tinh vi chu đáo nhưng không quá chi tiết rườm rà khiến tâm trí rối ren phân tán; cần vẻ đẹp hài hòa nhưng không quá xa hoa lòe loẹt biểu hiện sự nông cạn tầm thường; cần hoành tráng uy nghi nhưng không quá phô trương hình thức để mất đi sự giản dị thâm uyên; cần đại hùng đại lực nhưng không quá cương mãnh thô tháo khiến mất tính từ bi độ lượng; cần trật tự ngăn nắp nhưng không quá khô khan ước lệ làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên của cảnh trí già lam; cần khiêm tốn nhu hòa nhưng không quá nhu nhược yếu hèn khiến lệ thuộc vào tín ngưỡng dân gian hoặc thị hiếu quần chúng v.v…
Một ngôi chùa mang sắc thái mê tín, xa xỉ, rườm rà, lòe loẹt, phô trương hoặc khô khan, thô tháo, bung xung... thì dù có hấp dẫn quần chúng tới đâu cũng không phải là một ngôi chùa biểu hiện văn hóa tâm linh đích thực của Phật giáo.
Người Việt vốn hiền hòa, thông minh, giản dị, chất phác của một nền văn hóa nông nghiệp và văn minh đồ gỗ, tuy khiêm tốn nhưng rất sắc sảo, tinh anh. Đặt biệt, người Việt có tinh thần cởi mở, phóng khoáng, hiếu khách, hiếu học nên sẵn sàng tiếp nhận cái hay cái đẹp của nhiều luồng văn hóa ngoại nhập. Có thể nói văn hóa Việt chính là tính cách đa văn hóa - biết kết hợp hài hòa, vô ngại của vẻ đẹp Đông Tây kim cổ từ đa nguyên, đa hướng. Tuy nhiên cũng từ chỗ cởi mở đó mà đôi khi dễ bắt chước, rập khuôn hơn là tiếp thu có sáng tạo cho phù hợp với bản sắc dân tộc. Quốc hồn quốc túy của Việt Nam không phải là một hình thức bị quy định nào mà chính là biểu hiện tâm hồn của người Việt. Có thể nói, kiến trúc nào biểu hiện được tinh thần Phật giáo, đồng thời phù hợp với tinh thần người Việt thì đó chính là kiến trúc chùa Việt.
Ngoài tính Phật giáo, tính dân tộc, kiến trúc Phật giáo còn biểu hiện được tính thời đại. Văn hóa kiến trúc xưa - cung, đình, lăng, miếu - của tổ tiên chúng ta hầu hết đều làm bằng gỗ theo kiểu nhà rường, nhà sàn, thủy tạ, gác chuông, nghinh phong các v.v... với những hoa văn, điêu khắc chạm trổ cực kỳ tinh vi, tuyệt mỹ, cần được giữ gìn, tôn tạo và phát huy. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ lặp lại khuôn mẫu xưa thì không biểu hiện được văn hóa kiến trúc của thời đương đại. Hơn nữa, gỗ ngày càng hiếm, chi phí càng cao, dễ bị mối mọt, hư mục và hỏa hoạn, đồng thời nhà gỗ chiếm nhiều cột, dù có trăm gian thì diện tích sử dụng cũng bị giới hạn, nên có khuynh hướng thay thế gỗ bằng bê-tông giả gỗ. Đó cũng là một cách biểu hiện tính thời đại mà vẫn giữ được vẻ cổ kính ngàn xưa, đáng được lưu tâm phát triển. Nhưng nếu đó là biện pháp trùng tu những ngôi chùa cổ thì đúng, còn để nói lên được kiến trúc Phật giáo vào đầu thể kỷ 21 thì hiện nay đã có những ngôi chùa hiện đại hóa hoàn toàn bằng những vật liệu xây dựng đương thời, không còn theo cấu trúc gỗ như xưa nữa, nhưng vẫn thể hiện được tinh thần Phật giáo giữa lòng dân tộc.
Ngày nay, do nhu cầu của Phật tử, nhiều Khuôn hội, niệm Phật đường được dựng lên giữa phố xá, thị thành, nên phần lớn khuôn viên nhỏ hẹp, thiếu không gian cho bối cảnh thiên nhiên của một ngôi già lam tự viện. Trước đây không lâu, đặc điểm của chùa Việt Nam là luôn hài hòa với thiên nhiên và cách xa quần chúng một cự ly cần thiết như Phật đã dạy, nhưng do dân số phát triển, dân cư đông đúc, nên khuôn viên chùa dần bị lấn chiếm, thu hẹp và bao quanh giữa các hộ dân. Lẽ ra, những ngôi đình, chùa, những công viên, những khu rừng thiên nhiên hoặc nhân tạo cần được giữ lại giữa những khu dân cư trong thành phố để có môi trường sinh thái cho mọi người mới đúng. Vì vậy, những ngôi chùa còn có điều kiện nên duy trì tối thiểu 50% diện tích cho cây rừng hoặc vườn cảnh hơn là xây dựng dày đặc và bày biện quá nhiều.
Tóm lại, Phật giáo không những là con đường thoát khổ mà còn là nét đẹp đời sống tâm linh, là nền tảng trí tuệ, đạo đức cho những sinh hoạt nhân văn xã hội: tâm lý, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, kể cả lãnh vực khoa học tự nhiên v.v... đã đem lại một đời sống hạnh phúc toàn diện cho quê hương đất nước - mà chùa là nơi thể hiện tinh thần lợi lạc quần sanh vô ngã vị tha - đã gắn bó với dân tộc Việt qua hàng ngàn năm lịch sử.
Chuông chùa vọng điểm thu không
Mái chùa vươn nhẹ, thong dong nẻo về
Tâm kinh độ thoát bờ mê
Ung dung bến giác, tình quê dạt dào.
Thích Viên Minh
|
|
Tài khoản BTS GHPGVN huyện Long Điền
Thủ quỹ quản lý thẻ tên:
CAI THỊ NGỌC KIỀU
Số TK: 76110000593792
NH BIDV - chi nhánh Bà Rịa
Mọi thông tin đóng góp, ủng hộ xin liên hệ:
Số đt, zalo: 0818287858
Theo dõi thẻ này có:
TT. Thích Tâm Pháp: Trưởng Ban Trị Sự
SC. Thích nữ Hạnh Thiện: Chánh thư ký
NS. Phương Minh: Trưởng ban kinh tế-tài chánh