GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 09:39:34 08-11-2016 (GMT+7) Lượt xem:2821

Diễn văn khai mạc Hội thảo Hoằng pháp năm 2016

Hôm nay, trong không khí trang nghiêm hòa hợp của buổi lễ khai mạc chào mừng Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, được long trọng tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, Tp. Hồ Chí Minh do Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Trị sự và Ban Hoằng pháp GHPGVN Tp. HCM tổ chức.

Diễn văn khai mạc Hội thảo Hoằng pháp năm 2016

 

PHÁT BIỂU KHAI MẠC CỦA BAN TỔ CHỨC
 
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn thiện đức Tăng - Ni
Kính thưa quý vị đại biểu
 
Hôm nay, trong không khí trang nghiêm hòa hợp của buổi lễ khai mạc chào mừng Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN, được long trọng tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, Tp. Hồ Chí Minh do Ban Hoằng pháp Trung ương kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Trị sự và Ban Hoằng pháp GHPGVN Tp. HCM tổ chức. Thay mặt Ban tổ chức xin kính chúc chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo giáo hội, chư Tôn đức Tăng Ni, quý vị khách quý, quý học giả trí thức, chư nam nữ Phật tử lời chúc sức khỏe, an lạc, thành tựu mọi công đức.
 
Kính bạch chư Tôn đức, 
Kính thưa quý vị !
 
Nhân Đại lễ chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng ta cùng nhau ôn lại một chặng đường lịch sử để cảm nhận sâu sắc những giá trị thành quả đã đạt được của Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương trong suốt 35 năm qua, đồng thời rút ra những bài học về những mặt hạn chế còn tồn đọng để đưa ra những giải pháp, những định hướng tốt đẹp cho tương lai, đáp ứng nhu cầu phát triển, góp phần xây dựng Giáo hội bền vững trong thời hội nhập và phát triển.
 
Có thể nói, sự phát triển hữu hiệu của Ngành Hoằng pháp và Hướng dẫn Phật tử như hiện nay, là nhờ vào sự truyền bá chánh pháp đúng tinh thần khế cơ, khế lí, khế xứ và khế thời của các ngành hoạt động của Giáo hội. Sự khéo vận dụng giáo lý ấy đã quy tụ được hàng triệu tín đồ Phật giáo quy hướng và tu tập dưới ánh sáng Chánh pháp của Đức Thế Tôn. Để có được sự đông đảo này, phần lớn là nhờ vào sự nhiệt tâm, nhiệt huyết  của Ban hoằng pháp, của chư Tôn đức Ban hướng dẫn Phật tử, quý Ngài cũng đã thao thức và trăn trở rất nhiều về sự trưởng dưỡng giới đức cho Tăng ni và Phật tử Việt Nam. Nếu như chư Tôn đức Ban hoằng pháp là người giữ cương vị truyền trao giáo lý của Đức Phật thì Ban hướng dẫn Phật tử chính là người giúp cho tín đồ Phật giáo tiếp nhận thực thi đúng giáo pháp được lãnh hội.
 
Kính bạch chư Tôn đức, 
Kính thưa chư liệt vị !
 
Từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử là một trong 6 Ban được hình thành đầu tiên, đã từng bước đi vào hoạt động ổn định và phát triển một cách bền vững. Trong suốt 35 năm qua, ngành Hoằng pháp đã hoàn thành một số công tác Phật sự quan trọng góp phần đáng kể trong việc hoằng dương chánh pháp, xây dựng một đường hướng Hoằng pháp thành tựu ổn định và phát triển. Điển hình như Ban đã tổ chức 8 khóa giảng sư, Đào tạo hơn 1.000 Giảng sư, tổ chức thành công 04 Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc và nhiều khóa hội thảo Hoằng pháp khu vực vùng miền, tổ chức hơn 20 khóa bồi dưỡng kiến thức Hoằng pháp cho Tăng ni và tập huấn Hoằng pháp viên Phật tử. Song song đó, Ban Hướng dẫn Phật tử cũng đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo toàn quốc và khu vực tỉnh, thành, tổ chức những hội trại, phối hợp với các Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành tổ chức khóa tu truyền thống đến các đoàn sinh, thanh thiếu niên gia đình Phật tử.
 
Nói đến hoằng pháp là nói đến công việc khơi nguồn tuệ giác trong đời sống nhân gian, giúp cho người còn mê tín trở nên chánh tín, người tà kiến trở nên chánh kiến. Đây là công việc của con tim và khối óc, tùy theo nhân duyên và hoàn cảnh, tùy theo căn cơ và trình độ mà truyền dẫn nguồn sống tuệ giác đến người học Phật.
 
            Thật vậy, giáo lý của đạo Phật luôn lấy quan điểm thực tế đối với cuộc sống nhân sinh. Suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo không lôi kéo mọi người đến sống trong một thiên đường hoang tưởng, cũng không đe dọa nhân loại bằng những loại hình sợ hãi, giả tưởng bởi mặc cảm tội lỗi. Phật giáo chỉ khuyến giáo chúng ta nên chính kiến và khách quan để nhận chân những gì đang hiện hữu và những gì đang diễn ra xung quanh thế giới, niềm tin phải đặt trên nền tảng lý trí: “đến để mà thấy, chứ không phải đến để mà tin” (Trung bộ kinh, bài kinh số 7). Từ đó chỉ cho chúng ta con đường đi tới sự tự do hoàn hảo, hòa bình, hạnh phúc và an lạc.
 
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, người Việt Nam hầu hết là tín đồ Phật giáo hoặc có tín ngưỡng Phật giáo. Chúng ta không cường điệu khi nói rằng số lượng này chiếm đa số dân số Việt Nam hiện nay. Nhưng với sự thuận lợi mà Phật giáo Việt Nam có được như thế, thì vai trò của Hoằng pháp cũng như Ban hướng dẫn Phật tử phải nổ lực dấn thân, tiếp tục phát huy với truyền thống vốn có một cách cao đẹp hơn, một nét đẹp đã tồn tại trên 2000 năm lịch sử trên đất nước Việt Nam.
 
Nhìn lại quá trình hình thành, ổn định và phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung, ngành Hoằng pháp và ngành Hướng dẫn Phật tử nói riêng trong suốt 35 năm qua, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vận dụng trí tuệ tập thể, phát huy tính sáng tạo, đã cho chúng ta thấy Phật giáo Việt Nam đã thật sự lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được kết quả khả quan trong hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng của Ban Hoằng pháp và Ban hướng dẫn Phật tử từ Trung ương đến các tỉnh thành địa phương.
 
            Hôm nay, để ôn lại những  thành tựu vẻ vang cao đẹp của Phật giáo Việt Nam suốt 35 năm hình thành và phát triển, Ban Hoằng Pháp Trung ương kết hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Ban Trị sự, Ban Hoằng pháp GHPGVN TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời cũng nói lên tinh thần trách nhiệm của các sứ giả Như Lai, những người con Phật, những hoằng pháp viên đang có mặt tại hội trường này có cơ hội chào mừng, chia sẽ những thành quả đã đạt được, tạo nên động cơ thúc đẩy cho chúng ta làm tốt nhiệm vụ cao quý được Giáo hội giao phó, đó chính là: “Tác Như Lai sứ Hành Như Lai sự” đưa hoạt động của Giáo hội ngày càng hội nhập và phát triển.
 
Ban Tổ Chức chúng tôi xin kính chúc Chư tôn đức, Quý Đại biểu sức khỏe an lạc. Chúc Hội thảo thành tựu viên mãn.
(PGBRVT)

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu