Âm ba của đức Từ phụ hơn 25 thế kỷ qua như vẫn còn vang vọng đâu đây, lãng đãng trên những mái ngói uốn cong của khu Đại Tòng Lâm, trên những cành lá của khu rừng trong Vạn Phật Quang, trong tâm thức của những Trưởng tử của Như Lai.
Theo lời di huấn của đức Phật, chư vị Tổ sư đã vượt ngàn dặm từ Ấn Độ sang Trung Hoa và các nước lân cận để truyền bá Giáo pháp của Ngài. Người xuất gia có nhiều hạnh nguyện, nhưng hạnh nguyện cao nhất là Hoằng pháp, vì nếu không như thế thì Giáo pháp cao quý của đức Phật sẽ dần mai một và Chánh pháp sẽ suy tàn trong muôn một.
Năm 1991 sau khi tách tỉnh và thành lập Ban Trị Sự PG tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ngành Hoằng pháp của tỉnh đã chú trọng đến công tác tìm kiếm những
“Sứ giả Như Lai” để phát triển và cũng cố đội ngũ Hoằng pháp viên. Và kể từ đó Hội thi diễn giảng của các Trường hạ trong toàn tỉnh được tổ chức đều đặn.
“
Thực hiện đề án cho 6 tháng cuối năm của năm đầu trong nhiệm kỳ 2017 – 2022 Ban Hoằng pháp tỉnh đã lên phương án bồi dưỡng giáo pháp và kỹ năng thuyết giảng trong các buổi giảng pháp trong các trường hạ trong toàn tỉnh. Kỳ thi diễn giảng cho Tăng – Ni các trường hạ trong toàn tỉnh được Ban Hoằng pháp tỉnh bàn thảo và được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cụ thể hoá bằng công văn số 386/CV/BTS không ngoài mục đích: Phát hiện, bồi dưỡng nhân tố Tăng Ni trẻ có năng khiếu thuyết giảng để đào tạo thế hệ kế thừa cho chuyên ngành Hoằng pháp phục vụ Giáo hội và chúng sanh…. Chư tôn đức và Ban Tổ chức hội thi mong rằng các hành giả an cư tham dự Hội thi này cố gắng thể hiện khả năng của mình và đừng tự ti. Khi chúng ta không ngại sai, không dấu nhược điểm là chúng ta đã bước đầu chiến thắng chính mình và khi chúng ta nhận được sự góp ý, sữa sai của Giám khảo là chúng ta dần từng bước hoàn thiện khả năng để thực hiện lời nguyện ước “Thượng cầu Phật đạo - Hạ hoá chúng sanh” mà quý vị đã phát nguyện khi thế phát xuất gia…..” Lời phát biểu mở đầu của Đại đức Thích Thiện Thuận – Phó Trưởng ban BTS kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh – Chánh chủ khảo hội thi đã xua tan bao nỗi lo âu của không những 25 thí sinh chuẩn bị bước vào vòng chung kết mà cả những khuôn mặt căng thẳng của những người có mặt.
Quang lâm Chứng minh và tham dự Hội thi chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của Đại đức Thích Thiện Thuận – Phó Trưởng ban BTS kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh; Thượng toạ Thích Giác Thông Phó Trưởng ban BTS; Đại đức Thích Nhuận Nghĩa Phó Trưởng ban BTS kiêm Chánh Thư ký; Thượng toạ Thích Minh Thiện UV BTS kiêm Phó ban Hoằng Pháp; Thượng toạ Thích Thông Không UV BTS; Đại đức Thích Thiện Thông Phó Thư ký kiêm Chánh Văn Phòng BTS GHPGVN tỉnh.
Sau phát biểu khai mạc của Đại đức Chánh chủ khảo; Đại đức Thích Minh Đạo thay mặt Ban kiểm soát đã trình bày thể lệ và quy chế của hội thi. Có 7 đề tài được Ban Tổ chức chọn lọc đưa vào chủ đề mà các thí sinh phải thuyết giảng:
- Xã hội và Tịnh độ.
- Phật giáo và Tuổi trẻ.
- Phật giáo và mê tín.
- Giáo dục Tăng ni thời hiện đại.
- Trách nhiệm người trụ trì.
- Phật giáo và môi trường.
- Phật giáo và ngã chấp.
- Phật giáo với tội phạm Thanh thiếu niên.
- Phật giáo với định hướng giáo dục Thanh thiếu niên.
- Vai trò của Cư sỹ Phật tử.
Mỗi thí sinh có 5 phút thuyết giảng về đề tài của mình và 3 phút để trả lời những ý kiến phản biện mà BGK đưa ra. Trước đó các thí sinh đã bốc thăm chọn thứ tự thuyết giảng. Mỗi thí sinh ngoài Ban kiểm soát còn phải đối mặt với sự cầm cân nãy mực của 3 Ban giám khảo: Nội dung, diễn giảng và phản biện.
Lần lượt từng thí sinh thực hiện chủ đề mà mình đã chọn. Có mặt tại đây quý vị mới cảm nhận không khí của hội thi càng lúc càng nóng. Nóng vì những đề tài tưởng chừng đơn giản nhưng thí sinh đã vượt thoát được những quy định, quy chế được quy định mà từng lời thuyết giảng đã vượt thoát ra ngoài khuôn khổ xử trí “sách vở” mà bám sát vào thực tế tại nơi mình trú xứ. Tuy nhiên sự “vượt thoát” đó tưởng chừng như hoàn thiện lại được các Giám khảo chỉ ra cụ thể “thực tế” và mối “tổng hoà” trong xã hội, hoặc sự e dè không dám cụ thể với những vấn đề tế nhị. Đó sẽ là hành trang cho các thí sinh trong quãng đời sau này khi các thí sinh được chọn vào Ban Hoằng pháp hoặc những buổi pháp thoại đơn giản tại nơi trú xứ hoặc những thỉnh thị mà hàng Phật tử cần tư vấn. Mỗi thí sinh sau bài diễn giảng được các thành viên Ban giám khảo nhận xét và sửa sai khá chi tiết: về chất giọng, về phong thái, về từ ngữ, về thời gian phân bố, về phương pháp,về các ví dụ minh hoạ …. Theo sự nhận định chung của Ban TTTT chúng tôi trong hội thi diễn giảng năm nay các thí sinh đã có sự bứt phá khá ngoạn mục khi các đề tài được mở rộng, các thí sinh làm chủ được bài diễn giảng và sự phân bố thời gian khá hợp lý. Dù rằng kinh nhiệm thực tế xử trí vấn đề chưa thật tốt nhưng phải hoàn toàn thông cảm khi các hành giả dự thi vẫn còn “tòng chúng”. Đây cũng là vấn đề mà các các vị trụ trì cần bồi dưỡng thêm cho tăng chúng nơi mình trú xứ.
13h30 Hội thi kết thúc, Ban tổ chức chỉ có 15 phút nghỉ giải lao ăn trưa tại chổ. Kết quả hội thi được chúng tôi ghi nhận:
- Giải nhất: Hành giả Thích Quảng Thuyết trường hạ Thiên Thai huyện Long Điền.
- Giải nhì: Hành giả Thích Thiện Triều trường hạ Liên Trì TP Vũng Tàu.
- Giải ba: Hành giả Thích nữ Đồng Lành trường hạ Ni viện Thiện Hoà huyện Tân Thành.
Ngoài 5 giải khuyến khích được trao cho các hành giả Thích nữ Diệu Huy, Thích nữ Nhuận Tường, Thích nữ Chúc Nhiên, Thích nữ Tuệ Viên Tánh, Thích nữ Hải Thuần Ban Tổ chức còn trao 3 giải tài năng cho hành giả Thích Quảng Thuyết về Hùng biện; hành giả Thích Tịnh Hạnh về Phong cách và hành giả Thích nữ Diệu Huy về Diễn giảng
Sau khi Ban thư ký tổng kết phần bế mạc và phát thưởng đã diễn ra trong không khí hoan hỹ của đại chúng.
Ban TTTT tỉnh
phatgiaobariavungtau.org.vn