GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 17:59:11 22-11-2017 (GMT+7) Lượt xem:2521

Tham luận: Phát triển bền vững GHPGVN hiện nay - Vấn đề và suy nghĩ

Công đức lớn lao của những vị này đối với đất nước ta đã được lịch sử chứng minh. Điều mà chúng tôi muốn nói là nền giáo dục Phật giáo Việt Nam, chắc chắn có điểm ưu việt của nó, nên mới bồi dưỡng được rất nhiều nhân tài kiệt xuất cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam chúng ta. Nhằm chào mừng ngày Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, bài tham luận này, chúng tôi trình bày một số vấn đề mang tính phổ quát của Phật giáo Việt Nam hiện nay, nhất là những vấn đề liên quan đến giáo dục Phật giáo.

 

>>Định hướng cho chư Ni trẻ trong công tác giáo dục mầm non
>>Kỷ cương là nền tảng cho sự phát triển bền vững Giáo hội PGVN


1. Hơn hai ngàn năm nay, từ những năm đầu Công nguyên, Phật giáo Việt Nam gắn liền với vận mệnh của dân tộc, đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam, có những  đóng góp vô cùng to lớn trong việc dựng nước và giữ nước trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử. Các nhà nghiên cứu uy tín hàng đầu Việt Nam đều công nhận, Phật giáo đã được bản địa hóa từ lâu và liên tục như thế cho đến ngày nay. Tư tưởng Phật giáo, nền giáo dục Phật giáo Việt Nam đã đào tạo, hun đúc ra rất nhiều người con ưu tú cho Phật giáo Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam như: Thiền sư Tăng Hội, Quốc sư Khuông Việt, Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Thường Kiệt, vua Phật tử Lý Thái Tổ, vua Thiền gia Trần Thái Tông, Thượng sĩ Tuệ Trung, Trần Hưng Đạo, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, vua Lê Thánh Tông… 


Công đức lớn lao của những vị này đối với đất nước ta đã được lịch sử chứng minh. Điều mà chúng tôi muốn nói là nền giáo dục Phật giáo Việt Nam, chắc chắn có điểm ưu việt của nó, nên mới bồi dưỡng được rất nhiều nhân tài kiệt xuất cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam chúng ta. Nhằm chào mừng ngày Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022, bài tham luận này, chúng tôi trình bày một số vấn đề mang tính phổ quát của Phật giáo Việt Nam hiện nay, nhất là những vấn đề liên quan đến giáo dục Phật giáo. Xuyên qua đó, người viết mạo muội đưa ra một số phương hướng, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa những thế mạnh, những thành quả chúng ta đã đạt được và khắc phục một số vấn đề tồn tại nổi bật hiện nay, với mong muốn góp một phần rất nhỏ trong việc phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tương lai.

2. Ngày nay Phật giáo được nhân loại tôn vinh là một trong những tôn giáo có giá trị rất lớn cho đời sống nhân loại, có một triết lý sống minh triết, nhân văn và thiết thực cho con người trong thời đại ngày nay. Cụ thể, đạo Phật là tôn giáo xuất phát từ hiện thực con người và vì con người, nhằm hướng con người đi đến hạnh phúc an lạc đích thực, lấy trí tuệ và từ bi làm lẽ sống. 

Lời dạy của đức Phật, trong mọi phương diện, đáp ứng được nhu cầu tinh thần cho đời sống nhân loại trong hơn 25 thế kỷ, nhất là giai đoạn có nhiều vấn đề bất ổn như hiện nay. Sở dĩ Phật giáo được tôn vinh như vậy là do toàn bộ giáo lý của Phật giáo thể hiện một nếp sống minh triết trí tuệ hướng con người tích cực nâng cao phẩm chất đạo đức từ bi, thiết lập một cuộc sống an vui hạnh phúc với ý nghĩa chân thật nhất.

Cốt tủy của Phật giáo chính là một nền giáo dục vĩ đại, dạy con người hoàn thiện nhân cách đạo đức, phát triển năng lực trí tuệ đến mức tối đa như đức Phật; đưa con người từ phàm phu vô minh lên địa vị thánh nhân sáng suốt; giải thoát con người từ nơi u ám tối tăm khổ đau đến bến bờ an vui giải thoát giác ngộ. Đức Phật là một nhà giáo dục chân chính và vĩ đại nhất với 49 năm thuyết pháp, hơn 300 hội, cả đời đức Phật tận tâm tận lực, đem trí tuệ hiểu biết của mình chỉ dạy cho tất cả chúng sinh, tất cả mọi người.

Nói như vậy, ta có thể thấy rằng bản chất của Phật giáo chính là một nền giáo dục trí tuệ nhân bản, lấy con người làm đối tượng trung tâm chủ yếu, hướng con người đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Mục tiêu giáo dục mà đức Phật hướng tới là nâng cao trí tuệ và nhân cách đạo đức của con người hướng đến cảnh giới vô ngã. Chúng ta có thể thấy rõ triết lý vô ngã là một trong những đặc chất của giáo lý Phật giáo, cảnh giới vô ngã cũng chính là cảnh giới cao nhất của giáo dục đạo Đức Phật giáo.

Triết lý vô ngã là một trong những đặc chất của tư tưởng Phật giáo. Với tuệ giác tối thượng, đức Phật Thích Ca nhìn thấy rất rõ ràng là tất cả mọi người, mọi chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành tựu quả vị Phật, có khả năng đạt được hai phẩm chất: Trí tuệ và đạo đức đến mức viên mãn như đức Phật. Giá trị chân thật và miên viễn của con người chỉ từ khi đức Phật Thích Ca giác ngộ hoàn toàn thì nhân loại mới thật sự có cái nhìn đúng đắn nhất, nhân văn nhất và ý nghĩa nhất. 

Không chỉ duy nhất một mình đức Phật thực chứng được điều này, mà từ đó đến nay, các vị Thánh đệ tử của đức Phật cũng đã chứng ngộ được lời dạy của đức Phật, đoạn trừ được nguồn gốc khổ đau, vượt thoát được mọi sự trói buộc, đạt đến cuộc sống tích cực, an vui hạnh phúc, giải thoát.

Sự nghiệp tầm đạo và giác ngộ của đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni là một minh chứng vô cùng sinh động và hùng hồn cho một chân lý lớn của nhân loại: Một con người bình thường hoàn toàn có khả năng đoạn trừ hết mọi khổ đau, vô minh, đạt được trí tuệ thấy biết như thật về thực tính của vạn pháp, thấu rõ bản chất của mọi sự vật hiện tượng, sống cuộc sống an vui hạnh phúc mãi mãi.

Đức Phật - nhà giáo dục vĩ đại, tự khai mở tuệ giác và phát huy hết tiềm năng to lớn của bản thân, thấu rõ thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng. Sau khi giác ngộ, đức Phật đã dành trọn thời gian cả cuộc đời cho việc giáo dục con người từ vô minh khổ đau đến trí tuệ giác ngộ giải thoát như mình. Ý nghĩa nhân văn cao nhất về giá trị chân thật của con người chính do đức Phật xác nhận: Tất cả mọi người đều có khả năng giác ngộ thành Phật. Đức Phật đã cho nhân loại chúng ta một niềm tin mạnh mẽ về một tương lai tốt đẹp. Tư tưởng giáo dục Phật giáo hướng con người phát triển trí tuệ và đạo đức đến mức trọn vẹn viên mãn.

3. Hòa trong niềm hân hoan chung của tất cả tăng ni và phật tử trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam đang hướng về ngày Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc, chúng tôi chia sẻ một vài điều tâm đắc khi đọc lại những lời tâm huyết thiết tha của một vị trưởng tử Như Lai - Tỳ kheo Tâm Lai ở Thái Nguyên về phương hướng phục hưng và hoằng dương Chánh pháp, vào đầu năm 1927, tức cách nay gần một trăm năm, đăng trên Khai hóa nhật báo. 

Hiện nay, khi đọc lại mấy dòng này, đối chiếu với thực tế, không khỏi làm cho người đọc giật mình về tầm nhìn, tính định hướng chính xác việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như giá trị thực tiễn trong việc đề ra chương trình, phương hướng cụ thể và khả thi nhằm phát dương quảng đại Phật pháp, góp phần vào sự nghiệp ổn định, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Trước hết chúng ta nói về tính định hướng, tính dự báo thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam trở thành hiện thực của bài báo lại việc chấn hưng Phật giáo: “Nếu định thực hành việc chấn hưng Phật giáo thì các sư huynh tích cực liên lạc với các vị sư từ Nam ra Trung, tôi sẽ xin liên lạc các vị sư từ Bắc vào Trung, ta tổ chức lại Phật giáo hội của chúng ta trước, bỏ sơn môn nhỏ hẹp ra làm Giáo hội, họp tất cả các sơn môn trong cả nước làm ra một Hội lớn gọi là “Việt Nam Phật giáo Hội” cùng nhau hợp sức mà làm các công việc đã định (Chấn hưng Phật giáo) (Trang 35, Phong trào chấn hưng Phật giáo, Nguyễn Đại Đồng, Nxb Tôn giáo). 


Cái tên “Việt Nam Phật giáo Hội” là theo kết cấu ngữ pháp tiếng Hán vốn ảnh hưởng rất lớn đối với giới tri thức của nước ta nửa đầu thế kỷ XX. Thật ra, theo cấu trúc tiếng Việt thì “Việt Nam Phật giáo Hội” chính là Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà Giáo hội chúng ta đang sử dụng hiện nay.

Quan trọng hơn, chúng tôi càng rất ấn tượng với những chương trình hoằng dương Phật pháp một cách cụ thể và thiết thực tại các cơ sở nhà chùa một cách phổ quát và khả thi. Chương trình này gồm bảy điều mà bài báo đã đề cập khái quát như sau: Điều 1, lập ra ở trong chùa một nơi giảng đàn (giảng đường) đóng ghế ngồi từng hàng trước bàn Phật, để cho mỗi khi các vị đi chùa lễ Phật tụng kinh xong thì ngồi ra ghế đó để nghe các sư giảng diễn sự tích và giáo lý nhà Phật.

Ý muốn các vị đi chùa đều hiểu thâm ý của đạo Phật, không đến nỗi mê tín mù lòa như trước. Rồi sẽ bảo các già cho con cháu chắt theo các già ra chùa mà nghe giảng cho khôn lên tỉnh ra. Lại mời các bậc kỳ hào, các nhà tri thức đến nghe nữa. Có làm như thế người theo đạo mới biết đến cội rễ cái hay cái phải của Như Lai Phật Tổ. (Trang 32, 33, Phong trào chấn hưng Phật giáo. Nguyễn Đại Đồng, Nxb Tôn giáo).

Điều thứ 1 này còn nguyên giá trị với các chùa chúng ta hiện nay trong việc xây dựng chương trình sinh hoạt Phật pháp hằng ngày và thường xuyên tại chùa, nếu các chùa từ Bắc vào Nam vận dụng được điều này thì thật may mắn cho tiền đồ của Phật pháp của chúng ta. Giảng dạy, truyền bá những lời dạy của đức Phật cho mọi người là nhiệm vụ quan trọng và thiết yếu nhất của người đệ tử Phật. Hoằng dương phật pháp, giảng dạy giáo lý, thực hành giáo lý, phổ biến giáo lý mới là đi vào xương sống của Phật giáo, phát triển Giáo hội. 

Chùa phải là nơi thực hành và giảng dạy giáo lý Phật giáo hơn là nơi thực hành nghi lễ tín ngưỡng, đương nhiên là chúng ta không bỏ qua vấn đề nghi lễ tín ngưỡng, nhưng phải đặt nó đúng vị trí trong Phật giáo. Bài báo đã thấy được tầm quan trọng của vấn đề mà không ít người hiểu lầm trong một giai đoạn khá dài nên đã đưa lên điều quan trọng đầu tiên.

Điều 2, 3 bàn về việc dịch kinh Phật từ ngoại ngữ (chữ Hán, chữ Pháp…) ra quốc ngữ. Mình phải quý kính và trọng dụng nhân tài am hiểu Phật pháp và tinh thông ngoại ngữ không nề tăng tục để góp phần phổ biến giáo lý Phật giáo. Không những thế, mà còn khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các sư nâng cao tri thức nội điển, ngoại điển đặc biệt là ngoại ngữ góp phần chấn hưng Phật giáo. (Trang 33, sđd). Một trong những tiền đề để phát triển Giáo hội một cách bền vững và thiết thực chính là nâng cao trí tuệ và đạo lực của tăng ni. Nói gần một chút là nâng cao trình độ tri thức và đạo đức của người tu Phật.

Điều 4, lập ra trong chùa một cái thư viện sưu tầm tất cả sách vở Đông Tây, không những là kinh Phật, sách Phật; không kể là Hán văn hay Pháp văn, có tất cả sách giáo khoa hay sách văn chương bằng quốc ngữ cùng các báo quốc ngữ để cho các sư biết được tình hình học thuật trong ngoài nước mà giảng thuyết đạo Phật, thao luyện văn chương, diễn giải kinh sách cho phù hợp với con người thời đại. Đây là cách rất khoa học nhằm nâng cao tri thức về mọi mặt cho giới tri thức Phật giáo.

Điều này khiến chúng ta nhớ lại sự kiện Sơ tổ Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông trao cho nhị tổ Trúc Lâm Pháp Loa 20 hộp kinh Phật và 100 hộp ngoại điển để Pháp Loa y theo đó, kế thừa di chí Phật hoàng hoằng dương chính pháp khiến cho Phật pháp thời Trần vô cùng hưng thịnh. Bài học này, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Điều 5, lập ra bên cạnh mỗi chùa một nhà nuôi kẻ khó để cưu mang những người ăn mày nghèo khổ, nuôi cho ăn, cho mặc, tìm những nghề thủ công cho làm ăn, giảng dụ cho những người đó quay về chăm chỉ chức nghiệp không đến nỗi tang thất lương tâm làm đều vô sỉ đi lạy lục người ta mà xin ăn. (Trang 34, sđd)

Điều 6, lập ra trong chùa một chỗ nuôi trẻ con côi, để cưu mang những đứa trẻ không cha không mẹ. Nuôi dưỡng cho ăn học, cho học đạo để sau này thành người tốt, có thể giúp ích cho đời cho chùa. (Trang 34, sđd)

Điều 7, cạnh nhà nuôi kẻ khó, nuôi trẻ con côi, lập ra nhà phát thuốc chữa bệnh làm phúc và nuôi các cụ già neo đơn tàn tật. Cho một số sư đi học nghề thuốc để trông nom chăm sóc kẻ ốm sau này. (Trang 34, sđd) Chúng ta thấy, điều 5, 6, 7 không những phù hợp với tâm từ bi cứu giúp chúng sinh của đạo Phật mà còn có ích lợi thiết thực với đời sống xã hội hiện nay. Nhất là tính phù hợp và khả thi trong tình hình và điều kiện hiện nay của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta. 

 


Lợi thế lớn nhất là cơ sở chùa Phật giáo chúng ta trải dài từ Bắc chí Nam, nếu mỗi ngôi chùa, tùy theo điều kiện hoàn cảnh thực tế của mình, góp phần xây dựng một khu từ bi nhân đạo nhận nuôi dưỡng cô nhi, người già neo đơn và khám chữa bệnh miễn phí thì không những có đóng góp to lớn trong việc hoằng dương Phật pháp, nâng cao vai trò vị trí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đời sống xã hội nói riêng, mà còn có đóng góp tích cực và thiết thực trong lĩnh vực an sinh xã hội của đất nước nói chung. Đương nhiên, trước nay một số chùa cũng có làm, nhưng vẫn mang tính đơn lẻ và tự phát nên tác dụng rộng rãi trong đời sống xã hội chưa cao.

Muốn phát huy tác dụng thật sự, thì xu hướng chủ trương này cần phải được Giáo hội Trung ương chỉ đạo một cách đồng bộ và nhất quán từ trung ương đến địa phương thì mới hiện thực hóa được tâm từ bi của Phật giáo vào trong lòng của đời sống xã hội. Đọc những điều này thật không phải là hoàn toàn mới mẻ gì, hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Ban Trị sự, các chùa cũng đang làm ở mức độ này, hay mức độ khác, nhưng rõ ràng là vẫn còn mang tính tự phát và chưa đồng bộ, chưa nâng thành phương hướng xuyên suốt và nhất quán nên tính hiệu quả còn khá khiêm tốn. 

Cũng như có người xem bốn tông chỉ của tổ chức Phật giáo Phật Quang Sơn (Đài Loan) do Đại sư Tinh Vân chủ trì: Một là lấy văn hóa để hoằng dương Phật pháp; hai là lấy giáo dục để bồi dưỡng nhân tài; ba là lấy từ thiện để phúc lợi xã hội; bốn là lấy cộng tu để tinh hóa nhân gian, thì cho rằng mấy điều này bình thường thôi, nhiều người nói rồi, ai cũng biết rồi, đâu có gì cao siêu. Đúng là những điều này không quá cao siêu, ai cũng biết, nhưng để khái quát thành tông chỉ, xác định thành mục tiêu để có phương hướng rõ ràng trong suy nghĩ cũng như trong hành động một cách nhất quán thì rất ít tổ chức Phật giáo nào làm được như Phật Quang Sơn. 

Những thành tựu có thể nói vô tiền khoáng hậu, trong việc hoằng pháp lợi sanh của Phật Quang Sơn ngay trong xã hội hiện đại chính là việc hiện thực hóa một cách nhất quán bốn đại tông chỉ nêu trên.

4. Những điều nêu ở trên đa phần tập trung vào vấn đề mang lời dạy của đức Phật đến gần mọi người hơn. Giáo dục Phật giáo có vai trò trọng yếu trong công tác này, cũng như đối với sự phát triển bền vững của bất kỳ một tổ chức nào, tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ. 

Việt Nam chúng ta là một dân tộc có mấy ngàn năm văn hiến, lại nằm trong vị trí tiếp giáp với hai nền văn hóa lớn của nhân loại: Ấn Độ và Trung Hoa, thừa hưởng những tinh hoa tư tưởng của cả hai ông khổng lồ về văn hóa này, nên từ những năm đầu công nguyên đến nay, trải qua các thời đại đã xuất hiện vô số những bậc đại trí, đại hiền thánh đế minh quân, thiền sư, tể tướng, tướng quân, danh sĩ có phẩm chất trí tuệ đạo đức và phong thái siêu việt làm rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng. Chúng ta, nếu xác định giáo dục là bản chất của Phật giáo, việc này có ảnh hướng rất lớn đến chiến lược xây dựng và phát triển Giáo hội. Nhân tài góp sức phát triển trên các lĩnh vực phục vụ cho Giáo hội đều được đào tạo từ giáo dục.

Nghiên cứu và tìm giải pháp giáo dục cho phù hợp đối với người xuất gia nhỏ tuổi. Mô hình giáo dục nào để tu sĩ trẻ vừa học nội điển vừa học ngoại điển thích hợp nhất? Vấn đề này mới nhìn thì không phải mới lạ gì, nhưng đây là vấn đề rất bức thiết của Phật giáo hiện nay trên phạm vi toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng. Chúng ta có thể nghĩ đến mô hình trường Phật học bao gồm cả chương trình thế học phổ thông tương đương với chương trình phổ thông ngoài đời. Hoặc là mô hình kết hợp giữa trường Phật học và các trường phổ thông để có phương hướng, chương trình, thời gian đào tạo thích hợp cho người xuất gia trẻ tuổi.

Ngoài những thành tựu rất lớn mà chúng ta đạt được, giáo dục Phật giáo Việt Nam chúng ta còn rất nhiều hạn chế cần khắc phục, như các vấn đề tổ chức, vấn đề đào tạo, thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn sư phạm, thiếu những người làm công tác quản lý đào tạo có chuyên môn, nhất là thiếu giáo trình dạy và học. 

Điều kiện cần và tiên quyết của một nền giáo dục, dù là giáo dục Phật giáo cũng là giáo trình học với hệ thống sách giáo khoa thống nhất và phù hợp với các cấp học mà chúng ta vẫn chưa hoàn thiện được. Dù hiện nay Giáo hội, Ban giáo dục Tăng Ni trung ương, các vị tôn túc, trí giả có tâm huyết với giáo dục Phật giáo đang nỗ lực hết sức và đã đạt được những kết quả ban đầu.

Đội ngũ giảng viên, giáo viên và quản lý có chuyên môn thực thụ là điều kiện không thể thiếu của một nền giáo dục. Chúng ta phải có kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ giảng dạy có chuyên môn sư phạm. Giảng viên, giáo thọ, giáo viên hiện nay phải có trình độ vững vàng trên cả hai phương diện nội điển và ngoại điển thì mới đáp ứng được nhu cầu giáo dục hiện nay. Bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng nhân tài trẻ có đạo đức và có trình độ cả nội ngoại điển mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện đại.

Chuyên môn hóa những vị làm công tác giáo dục, quản lý đào tạo. Các trường Phật học chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của quản lý đào tạo đối với kết quả, chất lượng giáo dục. Vừa qua, trong đội ngũ tri thức Phật giáo chúng ta có một vị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về giáo dục: Quản lý đào tạo tại học viện Phật giáo Việt Nam theo tiếp cận đảm bảo chất lượng. Hy vọng với kết quả này, ít nhiều sẽ có tác động tích cực đến cách nhìn về vai trò của quản lý đào tạo trong giáo dục Phật giáo.

Xem xét khả năng tập trung các trường Phật học lẻ tẻ thành mô hình Phật Học viện quy mô, đào tào nội trú từ sơ cấp lên đại học và sau đại học, vừa học vừa thực hành những đạo lý đã học trong đời sống. Làm như vậy sẽ khắc phục được rất nhiều những vấn đề của giáo dục người xuất gia trẻ hiện nay, nhất là những vấn đề bất ổn khi tăng ni sinh phải ngoại trú đi học.

Phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân tài trẻ của Phật giáo. Đây là mấu chốt quan trọng để phát triển Phật giáo trong hiện tại cũng như tương lai. Vận dụng những phương tiện truyền thông, công nghệ tiên tiến, phương pháp giáo dục hiện đại một cách phù hợp, nhằm hỗ trợ cho công tác giáo dục đạt tới hiệu quả cao nhất. 

Nghiên cứu phương án giáo dục cho cư sĩ phật tử một cách chính quy, bài bản góp phần truyền bá Phật pháp một cách sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Lập ra những Viện Sa di và Viện Sa di ni chuyên nuôi dưỡng, giáo dục và đào tạo những người xuất gia còn nhỏ một cách toàn diện, có hệ thống và khép kín. Nếu làm tốt được việc này, chúng ta sẽ có một nguồn lực nhân sự không nhỏ và khả tín, phụng sự cho đất nước, cho Phật pháp.

Thành lập những trung tâm nghiên cứu Phật giáo chất lượng cao, quy tụ các bậc Tôn túc uyên thâm Phật học, các giáo sư, học giả có cảm tình với Phật giáo để nghiên cứu hướng ứng dụng Phật học, tổ chức các hội thảo chất lượng, giải quyết các vấn đề chưa sáng rõ. Hiện nay Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và các ban chuyên ngành đã nỗ lực tạo ra một số thành tựu. Giáo hội cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa.

Nền giáo dục Phật giáo Việt Nam chúng ta đang thiếu hẳn mảng giáo dục thể chất (Thể dục). Truyền thống luyện võ nhà chùa là cách nâng cao sức khỏe và phẩm chất là một trong những thế mạnh cần nên bổ túc và phát huy trong các trường Phật học từ Sơ cấp đến Đại học. (Người viết nhấn mạnh). Bệnh tật, không có sức khỏe tốt không những khó tu tập và hoằng pháp tốt được, mà còn là gánh nặng cho Phật giáo.

Đương nhiên, những giải pháp chúng con trình bày trên đây không phải hoàn toàn mới, nhưng có hệ thống và khả thi trong điều kiện hiện nay với cả tấm lòng ưu tư của một người đệ tử Phật. Ngưỡng mong Phật từ gia hộ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta ngày càng ổn định và phát triển, góp phần hoằng dương Chánh pháp của Như Lai tại thế gian.
Thích Hạnh Tuệ - Ủy viên Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ
 

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, tập 3, mục Khoa mục chí. Nxb Sử học, HN, 1961
2. Nhiều tác giả, Phật giáo vùng Mê Kông di sản và văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia TPHCM, 2015
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương, Dự thảo quy chế giáo dục Phật giáo Việt Nam, Tài liệu nội bộ, 2012.
4. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, 2008
5. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, 3 tập, Nxb TP HCM, 2002.
6. Nhiều tác giả, Phât giáo với các vấn đề thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, Nxb Đại học Quốc gia, 2014.
7. Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, Nxb Tôn giáo, 2002.
8. Thích Trí Quảng, Hoằng pháp và trụ trì, Nxb Tôn giáo, 2010.
9. Thích Thiện Nhơn, Đại cương Kinh Hoa Thủ. Nxb Tôn giáo, 2015

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu