GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 14:02:06 25-06-2023 (GMT+7) Lượt xem:368

Ni trưởng Như Như: CÁC NGUYÊN TẮC CHI PHỐI ĐỜI SỐNG CỦA TĂNG

Sáng nay ngày 25/6/2023 (08/4/Quý Mão), nhận lời thỉnh cầu từ Ni chúng huyện Long Điền, Ni trưởng Thích nữ Như Như  - Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương, Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã về chùa Thiên Bửu Tháp, trú xứ An cư Kiết hạ của Ni giới huyện Long Điền thuyết giảng về đề tài “CÁC NGUYÊN TẮC CHI PHỐI ĐỜI SỐNG CỦA TĂNG”

 

CÁC NGUYÊN TẮC CHI PHỐI ĐỜI SỐNG CỦA TĂNG

I. Bảy pháp bất thối

Vào khoảng thời gian cuối cùng trong cuộc đời hoằng hóa của đức Phật, xu hướng định cư của Tỷ- kheo càng lúc càng phát triển mạnh, và sự sông chung trong một trú xứ như vậy sẽ phát sinh nhiều sự kiện phức tạp, cho nên đức Phật đã thiết lập một số nguyên tắc chi phối đời sống của cộng đồng Tăng lữ.

Trên con đường từ Ma-kiệt-đà để đi về Câu-thi-na, nơi Ngài sẽ nhập Đại Niết Bàn, nhân vị đại thần của vua A-xa-thế đến tham vấn ý kiến Phật về việc vua nước Ma-kiệt- đà này muốn chinh phục dân chúng Bạt-kỳ, đức Phật đã giảng cho các Tỳ-kheo bảy nguyên tắc bất thối để duy trì sự hòa hiệp của Tăng. Bảy nguyên tắc ấy như sau:

1. Các Tỳ- kheo cần phải thường xuyên tập họp, và tập họp đông đảo, để giảng luận chính pháp, khiến cho có sự hòa thuận trên dưới của các Tỷ- kheo.

2. Các Tỳ- kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp, giải tán trong tinh thần hòa hiệp và chấp hành Tăng sự trong tinh thần đoàn kết.

3. Chúng Tỳ-kheo không ban hành những luật lệ không thích hợp, những luật lệ không đáng được ban hành, và cũng không bãi bỏ những luật lệ đã được ban hành từ trước, sống đúng những gì đã được quy định bởi cộng đồng Tăng lữ.

4. Các Tỳ-kheo luôn luôn phải kính trọng, phục vụ các Tỳ-kheo Trưởng lão những vị có kinh nghiệm tu tập trong Chính Pháp Luật, sẵn sàng nghe theo những lời khuyên dạy của các bậc trưởng thượng như thế.

5. Các Tỳ-kheo sống không bị lôi cuốn bởi những tham ái.

6. Trụ xứ cộng đồng các Tỳ-kheo luôn luôn là những trụ xứ nhàn tịnh.

7. Các Tỳ- kheo sống an trú trên chính niệm tạo thành một cộng đồng sinh động, khiến cho các bạn đồng tu từ những phương khác nếu chưa đến thì muốn đến, và đã đến thì muốn cùng sống và cùng tu tập trong sự an lạc.

Bảy nguyên tắc được đức Phật nêu lên đó bao gồm những điều khoản đời sống cộng đồng và một số điều khoản cần thiết cho sự tiến bộ đời sống tinh thần, vốn là nội dung phong phú của sự hòa hiệp. Các nguyên tắc chi phối cộng đồng là các nguyên tắc dân chủ và bình đẳng; chính trên nền tảng này mà hệ thống luật tạng của tất cả các bộ phái được xây dựng. Chúng cũng là những nguyên tắc chỉ đạo cho tất cả mọi thủ tục tác pháp yết-ma.

Rồi tiếp tục hành trình đi về Câu-thi-na, hướng đến sa la song thọ, đức Phật dừng chân tại sinh địa của bộ tộc Ma-la. Tại đây, tin tức về việc Ni-kiền Thân Tử tạ thế, và các đệ tử của Ni-kiền Tử đã bắt đầu tranh chấp nhau kịch liệt khiến một số các Trưởng lão lo ngại sự kiện như thế có thể xảy ra giữa các đệ tử Phật. Do thế, ngài Xá-lợi-phất tập họp các Tỳ-kheo để nhắc lại tất cả những điểm chính yếu trong giáo pháp của đức Phật để về sau khi đức Thế Tôn không còn tại thế gian các Tỷ-kheo sẽ không khởi lên dị kiến để đi đến chỗ tranh chấp nhau các về vấn đề giáo lý.

II. Bảy pháp diệt tránh

Mặt khác, khi A-nan được Sa-di Chu-na báo tin cho biết việc tranh chấp dữ dội của các đệ tử Ni-kiền Tử, Ngài cảm thấy đến dựng tóc gáy” và cùng Chu-na đến trình bày với Phật, thỉnh cầu Phật quy định cụ thể các nguyên tắc đưa đến sự hòa hiệp giữa các Tỳ-kheo. Nhân dịp này, đức Phật giảng rộng các nguyên nhân đưa đến sự tranh chấp giữa Tăng, và tiếp theo đó, Ngài nêu lên bảy pháp diệt tránh, là các biện pháp để chấm dứt sự tranh chấp giữa Tăng, và với sáu pháp khả ý, cũng gọi là sáu pháp hòa kỉnh, để cho các Tỳ-kheo cùng sống chung trong tinh thần hòa hiệp, nếu các nguyên tắc này được tuân thủ nghiêm chỉnh.

1. Diện tiền (hay hiện tiền) chỉ tránh luật, điều luật đình chỉ đấu tranh bằng sự hiện diện. Khi Tăng thảo luận và quyết định một vấn đề gì liên hệ đến một Tỳ-kheo, phải có sự hiện diện của Tỳ-kheo ấy.

2. Ức (hay ức niệm) chỉ tránh luật, đỉnh chỉ đấu tranh bằng nhớ lại. Sau khi Tăng đã phán quyết tính vô tội của một Tỳ-kheo đị cử tội; các Tỳ-kheo khác sau đó không được phép chất vấn Tỳ-kheo bị cử tội ấy. Nói cách khác, một Tỳ-kheo chỉ được coi là phạm giới chỉ khi nào có phán quyết của Tăng.

3. Bất si chỉ tránh luật, luật đình chỉ đấu tranh bằng sự không si cuồng. Tăng không thể xử lý một Tỳ-kheo khi vị ấy đang bị bệnh tâm thần, không có đủ năng lực để nhận thức sự việc mình đã làm.

4. Phát lồ chỉ tránh luật, hay tự ngôn trị; luật chấm dứt đầu tranh bằng sự tự thú nhận. Tăng chỉ có thể phán quyết sự phạm giới của một Tỳ-kheo chỉ khi nào Tỷ-kheo ấy xác nhận việc mình đã làm.

5. Quân chỉ tránh luật, cũng gọi là tội xứ sở, hay tội tự tính; luật chấm dứt đấu tranh bằng chín đương nhơn. Khi Tỳ-kheo phạm tội, Tăng đã có đủ yếu tố để phán quyết, nhưng Tỳ-kheo ấy chối tội quanh co, không chịu xác nhận, Tăng áp dụng biện pháp phá chế tài, cấm Tỳ-kheo không làm một việc và không được hưởng một số quyền lợi, cho đến khi nào chịu khuất phục.

6. Triển chuyển chỉ tránh luật, hay đa nhân ngữ, hay đa nhân mích tội; luật chấm dứt đấu tranh bằng sự diễn tiến. Một Tỳ-kheo bị cử tội, nhưng có những bất đồng giữa các Tỳ-kheo về phán quyết của Tăng, vì vậy, cần phải bỏ phiếu. Tăng căn cứ theo đa số phiếu mà quyết định.

7. Như khí phấn tảo chỉ tránh luật, hay như thảo phủ địa; luật chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ dẻ rách, hay như rải cỏ che lấp chỗ đất dơ.

III. Sáu pháp khả hỷ

Sáu pháp khả hỷ, thường gọi là sáu pháp hòa kính, tức sáu nguyên tắc để một Tỳ-kheo sống chung hòa thuận trong tinh thần tương trợ, và tương thân tương ái với các Tỳ-kheo khác. Nghĩa là những nguyên tắc mà mỗi cá nhân Tỳ-kheo cần phải thể hiện đối với tập thể.

1. Thân hòa đồng trú, hay thân nghiệp từ hòa, tức cử chỉ khiêm cung và từ ái, đối với các đồng phạm hạnh.

2. Khẩu hòa vô tránh, hay ý nghiệp từ hòa; sự nói nặng cần phải từ tốn hòa nhã, không đưa đến tranh chấp.

3. Ý hòa đồng duyệt, hay ý nghiệp từ hòa, tâm ý luôn luôn hoan hỷ với các đồng phạm hạnh.

4. Lợi hòa đồng quân, có những lợi dưỡng vật chất cá nhân nhưng luôn luôn cùng chia sẽ với các đồng phạm hạnh khác.

5. Giới hòa đồng tu, cùng chấp hành các điều khoản giới luật chung, không tự ý đặt các luật lệ riêng cho mình.

6. Kiến hòa đồng giải: cùng học tập, chia sẽ nhận thức giáo lý với các đồng phạm hạnh, không tự ý tạo lập thuyết lý riêng biệt.

Sáu pháp hòa kỉnh hay khả hỷ này như đã thấy có tính cách lý tưởng nhiều hơn là thực tế. Tức chỉ được thực hiện với tinh thần tự giác. Nhưng, trong tác động của tâm lý phàm phu, khó có thể yêu cầu tính tự giác nơi mỗi cá nhân sống trong một tập thể. Tuy vậy, nếu sáu pháp hòa kinh không được thể hiện trong sinh hoạt thường nhật của một Tỳ- kheo đối với các Tỳ-kheo khác thì Tăng ở đó đang có dấu hiệu bị vỡ. Các pháp yết-ma là những cụ thể hóa sáu pháp hòa kinh này.

Trước hết, về cơ bản, sáu hòa kinh chỉ có thể thể hiện với đời sống không tư hữu. Nhưng không thể hiểu ý nghĩa không tư hữu một cách đơn giản là không có sở hữu riêng. Ở dây không thể trình bày chi tiết những vấn đề liên quan đến ý niệm tư hữu. Điều nên biết là, ý niệm tư hữu chịu nhiều thay đổi theo điều kiện kinh tế xã hội thời đại khác nhau và trong từng quốc độ khác nhau. Do đó, trong luật tạng, không có một định nghĩa cụ thể nào về ý niệm này. Nhưng thông qua các pháp yết-ma thì có thể thấy được ý nghĩa của nó.

Để thể hiện ý nghĩa thân hòa đồng trú các pháp yết-ma liên hệ việc ấn định cương giới và đồng thời cũng quy định Tỳ-kheo được làm gì hay không được làm gì bên trong hay bên ngoài các cương giới được cộng đồng Tỳ-kheo ấn định.

Để thể hiện khẩu hòa vô tránh, các thủ tục tác pháp yết-ma được quy định cụ thể, và cũng quy định nghĩa vụ mà mỗi Tỳ-kheo phải chấp hành đối với các pháp yết-ma của Tăng.

Các yết-ma nhân vật, ấn định việc phân phối và sử dụng phòng ốc, ấn định tài sản nào thuộc thường trú Tăng, tài sản nào thuộc chiêu-đề Tăng; là những cụ thể hóa nguyên tắc lợi hòa đồng quân. Các yết-ma được thực hiện trên cơ sở bảy pháp diệt tránh, và nhiều yết-ma khác nữa, thể hiện các nguyên tắc ý hòa và kiến hòa.

Nói một cách tổng quát theo như những gì vừa được khái quát trên thì nền tảng cho sự tồn tại của Tăng là thanh tịnh và hòa hiệp. Chủ đích của các pháp yết-ma là tạo sự thanh tịnh cho các Tỳ-kheo. Người nào phạm cần phải sám hối và sám hối như thế nào là như pháp để không có sự cơ hiềm cho các Tỳ-kheo khác. Mối liên hệ giữa các Tỳ-kheo trong sự hỗ tương quan hệ về các bốn phận và quyền lợi cần được xử lý như thế nào, để cho không có sự tranh chấp giữa các Tỷ-kheo ấy là công dụng của pháp yết-ma.

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu