GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 17:54:13 22-11-2017 (GMT+7) Lượt xem:3121

Tham Luận: Kỷ cương là nền tảng cho sự phát triển bền vững Giáo hội PGVN

Bản chất của Phật giáo là nền giáo dục hoàn thiện đưa con người đến giác ngộ giải thoát, tinh thần tự giác là thuộc tính quan trọng của đạo Phật, nó là yếu tố phát khởi đầu tiên của một người xuất gia tu hành và luôn đi đầu mọi sinh hoạt của tăng ni, phật tử. 

>>Định hướng cho chư Ni trẻ trong công tác giáo dục mầm non
Kính thưa quý Đại biểu!

Kính thưa Đại hội!
Hướng đến Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII Nhiệm kỳ 2017-2022, mỗi người con Phật chúng ta rất hân hoan phấn khởi trước những thành tựu mà GHPGVN đã đạt được trên tinh thần nỗ lực phấn đấu thừa hành phật sự và không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc qua 7 nhiệm kỳ.
Được biết, chủ đề của Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII Nhiệm kỳ 2017-2022 là “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”. Đây là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững. Qua đó, Đại hội sẽ tập trung vào các mục tiêu quan trọng về nâng cao chất lượng nguồn nhân sự và đổi mới phương thức điều hành nhằm đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập.
Chủ đề trên cho thấy tại Đại hội lần này tính khoa học và thực tiễn được chú trọng, chúng tôi cảm nhận được tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của Chư tôn đức HĐTS GHPGVN trong việc nỗ lực hoàn thiện bộ máy điều hành tinh gọn, mang tính kế thừa nhằm phát huy hiệu quả.
Với tư cách là thành viên sống trong lòng Giáo hội, trên tinh thần trách nhiệm chung của người con Phật và trọng trách của người làm công tác Nghi lễ, tại Đại hội lần này tôi xin được góp ý mang tính chủ quan thể hiện qua Tham luận: Kỷ cương là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của GHPGVN, không ngoài mục đích mong được góp ý nhỏ cho sự nghiệp phát triển bền vững Phật giáo nước nhà trong lòng dân tộc.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập và phát triển trên 1/3 thế kỷ, trải qua bảy nhiệm kỳ với phương châm xuyên suốt là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”. Đây là kim chỉ nam, là nền tảng để Giáo hội phấn đấu trên mọi phương diện hoạt động như: Tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, nghi lễ, từ thiện xã hội… và đến nay với tinh thần đoàn kết, hòa hợp cùng sự nỗ lực cống hiến trí tuệ và tâm huyết của tập thể Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni phật tử trong và ngoài nước, cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, chính quyền các cấp, nhờ vậy mọi phật sự đều được hanh thông, đời sống tu tập của tăng ni, phật tử được nhiều thuận lợi trên đường hội nhập, hoằng pháp lợi sanh.

HT.Thích Giác Liêm


Kế thừa những thành quả có được trong suốt bảy nhiệm kỳ qua; đây là điều kiện thuận lợi để tiếp tục công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng phật sự, hướng đến sự nghiệp phát triển bền vững GHPGVN trong thời gian tới mà các Đại hội tiếp theo phải phấn đấu thực hiện. Giáo hội là ngôi nhà chung, Chư tôn đức lãnh đạo là nền móng, mỗi thành viên là những viên gạch, xây nên ngôi nhà đó. Muốn ngôi nhà bền vững thì từng chi tiết dù nhỏ nhất cũng phải chắc chắn. Để bảo đảm cho sự đoàn kết, hòa hợp, phát triển bền vững không lệch hướng; ngay từ khi thành lập Giáo hội, Chư tôn đức tiền bối đã xây dựng bản Hiến chương, Nội quy các Ban, Viện và cùng lúc mở các trường Phật học với mục đích tạo nên “tường thành” vững chắc để xây dựng và bảo vệ ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. 
Chính vì thế, ở đây đòi hỏi các thành viên trong Giáo hội phải tuân thủ Hiến chương, Nội quy thực hiện các Thông bạch, Thông tư, Thông báo, Nghị quyết, Quy chế... một cách nghiêm ngặt để trang nghiêm tự thân, mặt khác là tấm gương để tăng ni phật tử noi theo. Như vậy, để chấp hành mọi phật sự của Giáo hội thì kỷ cương chính là nền tảng, cốt lõi nhằm tạo sự ổn định và phát triển bền vững cho Giáo hội, đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi người con Phật trên tinh thần tự nguyện tự giác và cần phải nhận thức sâu sắc, tâm huyết đóng góp vào sự nghiệp xương minh Phật pháp.
Bản chất của Phật giáo là nền giáo dục hoàn thiện đưa con người đến giác ngộ giải thoát, tinh thần tự giác là thuộc tính quan trọng của đạo Phật, nó là yếu tố phát khởi đầu tiên của một người xuất gia tu hành và luôn đi đầu mọi sinh hoạt của tăng ni, phật tử. Chẳng hạn, khi có người phát tâm muốn xuất gia để trở thành một tu sĩ, đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện tự giác, không ai áp đặt hay bắt buộc người đó phải xuất gia, nhưng một khi đã chọn con đường xuất gia học Phật thì buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt giới luật Phật chế, phải tự khép mình vào đời sống phạm hạnh xa lánh mọi hành vi, lời nói trái với đạo pháp.
Có lẽ từ trước đến nay có một bộ phận tu sĩ do hoàn cảnh khách quan cũng như chủ quan mà lơ là trong việc nghiêm trì giới luật Phật chế, xem nhẹ quy củ thiền môn, sinh hoạt không theo quy chế Giáo hội ban hành, tự ý tách rời tăng chúng ra ngoài ở nhà trọ, nhà thuê. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến đời sống phạm hạnh, không những thế có một bộ phận sống buông thả quên đi mình là người “đầu tròn áo vuông”. Bên cạnh đó, có một bộ phận giả danh tu sĩ, tự khoác lên mình chiếc áo nâu sòng, hành vi và lời nói không phải của người xuất gia chơn chánh nhằm mê hoặc lừa dối những người nhẹ dạ, sự việc này đã làm xấu đi hình ảnh của Phật giáo; lại có người hay sử dụng những băng đĩa Kinh Phật làm phương tiện mưu sinh, làm cho Kinh văn bị xem thường... làm tổn hại đến thanh danh của đạo Phật.
Tại sao lại như vậy? Thiết nghĩ, ngay từ ban đầu các vị Bổn sư, Y chỉ sư, các vị có trách nhiệm quản lý cơ sở tự viện nghiêm ngặt trong việc cho xuất gia, thọ giới, đến việc hướng dẫn phật tử tu tập; các vị quản lý hành chánh và Chư vị tôn đức quan tâm sâu sát hơn, có biện pháp đủ mạnh thì làm gì có những suy nghĩ và hành động như đã nêu.

Kính thưa Đại hội!
Về các lĩnh vực hoạt động khác của Giáo hội như: Tăng sự, hoằng pháp, giáo dục, văn hóa, nghi lễ và nhất là lĩnh vực thông tin truyền thông, thiết nghĩ vấn đề kỷ cương cũng cần xem xét ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung vẫn là những nguyên tắc chuẩn mực của Hiến chương, Nội quy của các Ban, Viện đã ban hành và nhất là phải thừa hành theo sự sắp xếp điều phối của Giáo hội.


Về mặt hoằng pháp, trong các buổi thuyết giảng đã có hiện tượng chủ đề thuyết giảng tùy tiện không đáp ứng nhu cầu học Phật của đại bộ phận tăng ni, phật tử. Có những buổi giảng khi nghe xong thì người nghe chỉ nhớ đến tên vị giảng sư hơn là hiểu nội dung buổi giảng đó muốn truyền tải thông điệp gì của nhà Phật. Có buổi giảng, vị giảng sư sử dụng nó như công cụ tô vẽ cho mình, mượn diễn đàn công kích làm mất tính đoàn kết, hòa hợp tăng già. Thậm chí có buổi giảng, vị giảng sư pha trò, ca hát làm mất tính trang nghiêm của vị sứ giả Như Lai. 
Thiết nghĩ, Giáo hội cần xây dựng chiến lược hoằng pháp. Trước mắt nên quy hoạch lại nhân sự hoằng pháp phù hợp với yêu cầu của Giáo hội, có sự quản lý chặt chẽ vàphân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, song song đó Giáo hội nên xây dựng chủ đề chính cho các chương trình thời khóa hoằng pháp một cách hợp lý, đúng trọng tâm bản chất giác ngộ giải thoát của đạo Phật.
Về công tác giáo dục, như Hồ Chủ Tịch đã nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Điều này đã nói lên công tác giáo dục hết sức quan trọng, bởi nền tảng giáo dục là giáo dục đạo đức con người, đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách đạt đến chân thiện mỹ. Do vậy, ở đây vấn đề giáo dục của Giáo hội là nhằm đào tạo nguồn nhân lực để chọn lọc ra những tăng ni nhiệt huyết đủ đức, đủ tài để gánh vác trách vụ, lèo lái con thuyền Giáo hội. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục đạo pháp cũng giúp cho hàng phật tử hiểu đúng và đầy đủ hơn, niềm kính tin Tam bảo vững chắc hơn, hạn chế đến mức thấp nhất việc hiểu sai về giáo lý nhà Phật. Vì vậy, Giáo hội cần phải quan tâm chặt chẽ về giáo dục, kỷ cương càng phải tập trung cao hơn nữa, trong môi trường giáo dục việc chấp hành nội quy nhà trường cần phải đặt lên hàng đầu. Vậy nên, ngành giáo dục cần phải tìm ra những phương pháp kỹ thuật trong giảng dạy như soạn ra giáo trình, giáo án cụ thể và đặc biệt theo xu hướng hiện đại thì ngoài phương thức giảng dạy truyền thống còn có phương thức truyền bá thông tin qua các trang mạng xã hội. Mặc dù vẫn biết phương thức này tiện lợi nhưng ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp, nếu chúng ta biết cách khai thác và quản lý chặt chẽ thì đây là một công cụ giảng dạy tốt.
Về công tác nghi lễ, hai từ “nghi lễ” đã nói lên tính trang nghiêm. Như trên đã nói về giáo dục tức là trau dồi, rèn luyện trí não, còn ở đây nghi lễ là rung cảm bởi con tim. Trí óc và con tim phải hòa làm một thì cơ thể mới khỏe mạnh. Như chúng ta đã biết, nền tảng của nghi lễ Phật giáo là đạo đức và trí tuệ; bản chất của nghi lễ Phật giáo là nghệ thuật hóa tư tưởng triết lý đạo Phật. Do vậy, nghi lễ Phật giáo phải trang nghiêm thanh tịnh, thông qua lễ nhạc đưa tư tưởng giác ngộ giải thoát vào lòng người.
Mục đích và ý nghĩa của nghi lễ Phật giáo thiêng liêng và thiết thực cho sự nghiệp tu hành và hoằng hóa độ sanh của đạo Phật. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trên thực tế, trong hoạt động nghi lễ Phật giáo đây đó đã phát sinh vô số bất cập gây phản cảm. Đạo Phật chủ yếu là dựa trên tinh thần tự giác, giác tha mới thành tựu giác ngộ viên mãn. Thế nhưng, đây đó có những vị lễ sư lập đàn tràng cầu siêu hay cúng vong bình thường cho đến chẩn tế bạt độ cô hồn đã bày vẽ rườm rà, không khoa học, đánh mất giá trị và tính thiêng liêng của nghi lễ Phật giáo. Có những vị lễ sư dù bản thân tuổi đạo chưa cao nhưng vẫn ngang nhiên đắp Đại Y, đội mão Hiệp Chưởng một cách tùy tiện không còn tính Tượng, Trung, Hạ tọa như Tổ đức đã dạy.
Việc trang phục của tu sĩ Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự có quy định về pháp phục: Lễ phục - Tăng mặc áo hậu vàng, Ni mặc áo hậu lam; Giáo phục - Tăng mặc áo tràng nâu, Ni mặc áo tràng lam; Thường phục - Áo vạc khách màu lam hoặc màu nâu; Nam tông và Khất sĩ mặc pháp phục theo hệ biệt truyền. Phật giáo mỗi nước có y phục riêng phù hợp với văn hóa Phật giáo của nước đó. Thế nhưng hiện nay, có một số tăng, ni mặc trang phục một cách tùy tiện theo cảm tính, chạy theo mốt thời trang... như giày, dép, y, áo không phù hợp quy định và truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam. 
Ngay tại những sự kiện Phật giáo quốc tế, có Phật giáo Việt Nam tham dự, một bộ phận những vị đại diện cho Phật giáo Việt Nam nhưng lại mặc trang phục tùy tiện, giày dép theo kiểu Đài Loan, Trung Quốc, không theo kiểu dáng, màu sắc đã quy định trong Nội quy Ban Tăng sự. Có những chùa cho hàng phật tử tu gieo duyên nhưng lại cho họ mặc “mạn y”, hình ảnh này đã ngang nhiên xem thường giới pháp nhà Phật và quy định của Giáo hội. Thiết nghĩ, đã đến lúc Giáo hội cần phải chấn chỉnh và đưa ra các biện pháp kịp thời để ngăn chặn những biểu hiện xem thường kỷ cương và các quy định đã được đặt ra trong chủ trương chung của Giáo hội.
Về công tác thông tin truyền thông, thời đại này là thời đại của sự bùng nổ thông tin, thông tin đến với xã hội rất nhanh và rất tiện lợi, chỉ cần một chiếc điện thoại, một máy tính bảng là có thể biết được tình hình văn hóa xã hội của đất nước và thế giới. Nếu thông tin tốt thì không sao nhưng thông tin xấu xuyên tạc thì sự ảnh hưởng của nó sẽ như thế nào, chắc không cần bàn cãi. 
Hiện nay đã xuất hiện một số bài viết, bản tin dưới dạng truyền thống và phi truyền thống có nội dung xấu, xuyên tạc, bình luận mang tính chủ quan không có căn cứ về tình hình Phật giáo của nước nhà, cũng như sử dụng thông tin để đánh bóng, tô vẽ cho mục đích riêng mà không xuất phát từ lợi ích chung của đạo Phật và Phật giáo nước nhà. Với những thông tin như vậy có thể làm cho lòng tin của người con Phật ít nhiều bị lung lay, chơn lý Phật đà bị ảnh hưởng. Giáo hội cần phải tìm ra phương pháp để truyền tải những thông tin chính thống, đả phá các luận điệu xuyên tạc, sử dụng chính các công cụ truyền thông đó để nêu lên quan điểm của Giáo hội.


Về hoạt động của các Ban, Viện trực thuộc Giáo hội, có thể do yêu cầu phát triển của Giáo hội nói chung và do đặc điểm tình hình đổi mới để hội nhập, nên Giáo hội đã đặc cách một số vị tăng ni trẻ có trình độ và năng lực vào các Ban, Viện với mong muốn hoạt động phật sự được hanh thông. Tuy nhiên, do công tác tuyển chọn nhân sự chưa thật sự hoàn thiện, điều này dẫn đến một số hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến kỷ cương của Giáo hội. Bởi thực tế cho thấy, đã có một số vị có biểu hiện sai lệch, xa rời đường lối chủ trương của Giáo hội. Chẳng hạn, khi các vị được Giáo hội phân công nhiệm vụ, họ lại cho rằng mình là đầu tàu lãnh đạo có quyền quyết định mọi vấn đề. Từ đó chủ quan thiết lập một số sự kiện lấy danh nghĩa của Giáo hội, nhưng thực chất là qua mặt Giáo hội, điều này chỉ nói lên sự thỏa mãn tư kiến, khoe khoang, kiêu ngạo, lộng quyền. Đây chính là tư tưởng và việc làm xem thường kỷ cương của Giáo hội và vô hình chung đã đánh mất những thành tựu phật sự mà chư vị tiền bối đã dày công vun đắp.
Những vấn đề vừa nêu ra trên đây để thấy rằng kỷ cương là điều rất quan trọng. Tóm lại, đã đến lúc Chư tôn túc lãnh đạo Giáo hội cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các phật sự, mạnh dạn nhìn nhận những mặt hoàn thiện, cũng như chưa hoàn thiện trong việc thực hiện phật sự thì mọi việc sẽ đi vào nề nếp, đời sốngt già sẽ được chấn chỉnh, hàng phật tử có niềm tin chánh tính đối với ngôi Tam Bảo, kỷ cương chắc chắn sẽ được chấp hành một cách nghiêm minh. 
Giáo hội cần phải nghiên cứu xem xét thấu đáo, bàn biện pháp khắc phục những khiếm khuyết tồn tại, vấn đề nào chưa hoàn thiện cần phải hoàn thiện, vấn đề nào dù nhỏ nhưng gây ảnh hưởng không tốt đến chủ trương, đường lối của Giáo hội cũng cần phải giải quyết. Sau khi đã tìm được cách giải quyết các vấn đề tồn tại thì cũng cần phải tìm ra biện pháp hữu hiệu, hợp tình, hợp lý để không lặp lại những khiếm khuyết đó, tập trung mạnh vào công tác kỷ cương. Có như thế, Giáo hội sẽ ngày càng phát triển và sự phát triển đó sẽ ổn định, bền vững, con thuyền Bát Nhã của Phật giáo nước nhà sẽ rẽ sóng trong dòng chảy hoằng pháp độ sanh, hội nhập quốc tế, làm sâu sắc hơn định hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Trân trọng kính chào!

HT.Thích Giác Liêm - Ủy viên HĐTS, Phó Chánh VP2, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Nghi lễ T.Ư
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu