GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 18:31:21 20-11-2017 (GMT+7) Lượt xem:2798

Phỏng vấn TT.Thích Đức Thiện, Trưởng ban Nội dung Đại hội VIII GHPGVN

Để phù hợp với tình hình thực tế của xã hội, nhất là nhu cầu phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng đa dạng và phát triển toàn diện trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.

Hỏi: Kính bạch Thượng tọa, việc tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần này có những điểm gì mới?

Đáp: Phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc”, trong những năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt hoạt động, thể hiện ý chí hoà hợp, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Phật giáo và tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc. Trong mọi hoàn cảnh của đất nước, Phật giáo Việt Nam đã làm tốt vai trò, khẳng định được vị trí của mình đồng hành cùng dân tộc”.

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII Nhiệm kỳ (2017-2022), một trong những điểm đáng chú ý, quan trọng đó là các Đại biểu sẽ đóng góp bản tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần thứ VII vẫn gồm 13 Chương và 71 điều. Có 57 điểm đề nghị sửa đổi, điều chỉnh một số từ sẽ được lấy ý kiến các Đại biểu của Đại hội.
Thượng tọa Thích Đức Thiện

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự kế thừa tính ưu việt, truyền thống của các tổ chức, Hệ phái thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời là sự tập đại thành tư tưởng, trí huệ của chư Tôn đức tiền bối các Tổ chức, Hệ phái Phật giáo trong cả nước đã được Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo thông qua ngày 07/11/1981 và đã được Hội đồng Bộ trưởng chuẩn y bằng quyết định số 83/HĐBT ngày 29/12/1981, gồm 11 chương, 45 điều. Hiến chương Giáo hội đã được tu chỉnh 5 lần:


- Lần thứ nhất: Năm 1987 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II ngày 29/10/1987. Nội dung gồm: 11 chương, 46 điều.

- Lần thứ hai: Năm 1992 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III ngày 04/11/1992. Nội dung gồm: 11 chương, 47 điều. 

- Lần thứ ba: Năm 1997 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV ngày 23/11/1997. Nội dung gồm: 11 chương, 48 điều. 

- Lần thứ tư: Năm 2007 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI ngày 14/12/2007. Nội dung gồm 12 chương 52 điều. 


- Lần thứ năm: Năm 2012 đã được tu chỉnh và thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII ngày 24/11/2012. Nội dung gồm 13 Chương và 71 điều.

Để phù hợp với tình hình thực tế của xã hội, nhất là nhu cầu phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng đa dạng và phát triển toàn diện trong thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.

Việc điều chỉnh đầu tiên trong Lời nói đầu, cụm từ “tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo” được đề nghị đổi thành “tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội, và các Hệ phái Phật giáo”; hoặc cách gọi “tỉnh, thành” được sửa thành: “tỉnh, thành phố”… để làm rõ nghĩa hơn trong một số trường hợp.

Về danh xưng, thay đổi đầu tiên đó là đối với các ban, ngành Trung ương, Ban Giáo dục Tăng Ni được đề nghị đổi thành Ban Giáo dục Phật giáo, thêm một ban ngành mới là Ủy ban Phật giáo châu Á vì Hòa bình Việt Nam. Nếu điều này được thông qua tại Đại hội thì số lượng các ban, viện Trung ương sẽ tăng lên 14 (12 Ban, 1 Viện và 1 Ủy ban).

Bên cạnh đó, việc sửa đổi liên quan tới lãnh đạo cao cấp của Giáo hội là việc điều chỉnh số lượng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự từ 03 vị xuống còn 02 vị tại Điều 22 của Chương V. Thành lập thêm Ban Chứng minh ở Phật giáo cấp Tỉnh, Thành phố và cấp huyện, thị, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; “Khi được suy tôn vào hàng Chứng minh thì không tham gia Ban Trị sự” được bổ sung tại Điều 31 Chương VI.

Cũng về danh xưng, Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện, thị xã thuộc hệ thống hành chính của Giáo hội hiện nay được đề nghị đổi thành “Chủ tịch Ban Trị sự…”, và các cấp Phó Trưởng ban Trị sự được đổi thành: Phó Chủ tịch Ban Trị sự…

Ngoài ra, tại Điều 26 Chương V, cấp trực thuộc các Ban, Viện trung ương hiện nay được gọi là “Phân ban” được đề nghị đổi thành “Vụ”.

Trên đây là gần 60 đề nghị đã được trình bày tại các cuộc họp, tuy nhiên, việc sửa đổi trong Hiến chương còn phải trình tại Đại hội, xin ý kiến của các Đại biểu với tinh thần mà Đại hội VIII chọn là chủ đề chính là “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”.

Hỏi: Vậy, Thượng tọa cho biết lý do của việc thay đổi một số từ, danh xưng trong Hiến chương?

Đáp: Đối với GHPGVN, việc sửa đổi, tu chỉnh Hiến chương lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm chuẩn bị đón đầu những cơ hội và thách thức của tương lai, trên cơ sở đó, thay đổi để làm rõ thêm bản chất và chức năng của Giáo hội, làm chắc thêm cấu trúc và vận hành của Giáo hội đi đúng hướng và thêm hiệu quả.

Những đề xuất góp ý tu chỉnh Hiến chương GHPGVN trình bày ở đây tập trung vào việc sửa đổi một số chi tiết cụ thể, sao cho Hiến chương tu chỉnh trở thành một văn bản có tính chất nền tảng ngày càng hoàn thiện, để xây dựng một Giáo hội mạnh, có tổ chức chặt chẽ, vững chắc, hoạt động hiệu quả, thích ứng với những điều kiện mới, trong tình hình mới, đáp ứng lòng mong mỏi của tăng, ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Những nội dung góp ý tu chỉnh Hiến chương phải nhằm vào mục tiêu khắc phục những: khuyết điểm, nhược điểm, cũng như những điểm không còn phù hợp với tình hình thực tiễn của xã hội. Thể hiện các quan điểm mới, trong việc tu chỉnh Hiến chương, không có nghĩa là xem thường những gì các bậc cao tăng tiền bối đã dày công gầy dựng mà chính là để tiếp nối và phát huy những giá trị quý báu, hiệu quả trong công tác điều hành hệ thống tổ chức Giáo hội, không ngừng hoàn thiện, để kiện toàn tổ chức Giáo hội đáp ứng các nhu cầu phật sự trong thời hội nhập và phát triển đất nước.

Trong hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội và thế kỷ tiếp theo, việc tu chỉnh Hiến chương đặc biệt chú ý đến việc nâng cao hiệu năng hoạt động của bộ máy Trung ương Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và cấp cơ sở. Chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong từng thành viên lãnh đạo Trung ương và các Ban ngành, Ban Trị sự địa phương và cấp cơ sở. Việc góp ý tu chỉnh Hiến chương lần thứ 6 được thể hiện trên tinh thần tôn trọng những tôn chỉ, mục đích, đường lối cơ bản của các bậc Tiền bối đã xây dựng, nhất là mang tính xây dựng trên cơ sở tôn trọng và kế thừa những ưu việt về nguyên tắc pháp lý, pháp nhân của Hiến chương hiện hành. 
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2017

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu