GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 05:04:43 08-03-2017 (GMT+7) Lượt xem:3471

Nghĩa Lý Tụng Niệm (P.3)

Trường đời lắm nẻo chông gai/ An vui thì ít, đắng cay thì nhiều/ Thịnh suy, vinh nhục đủ điều/ Cuộc đời may rủi, sớm chiều khó phân/ Chí thành niệm đức Quán Âm/ Cam lồ tẩy trược thoát vòng khổ đau.

>>Nghĩa Lý Tụng Niệm (P.1)
>>Nghĩa Lý Tụng Niệm (P.2)


VI. Ý NGHĨA VÀ CÔNG DỤNG NHỮNG KINH TỤNG

Mỗi quyển kinh Phật có ý nghĩa và công dụng khác nhau do công đức đạt đạo và hạnh nguyện độ tha của chư Phật và chư Bồ tát, Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Thiện Thần thiết lập để làm gạch nối gieo duyên với tất cả chúng sinh trên con đường giải thoát sinh tử khổ đau. Chúng sinh từ vô thỉ đến nay nghiệp chướng tích lủy sâu dầy, tội căn phủ đầy kiếp sống, nẻo trước mập mờ lối bước, đường sau lấp ngỏ quay về, cho nên khổ đau, nhất là khổ đau sinh tử chồng chất lên kiếp sống mỏng manh tạm bợ trần ai.

Cũng vì lẽ đó, chư Phật, chư Bồ tát..v..v... cho ra nhiều pháp dược để trị liệu nhiều tâm bệnh của chúng sinh. Từ đó kinh Phật được ra đời đề cứu khổ quần sinh sớm thoát vòng tục lụy. Những ý nghĩa và công dụng của những kinh Phật nói trên lần lượt được giải thích như sau:

1. Kinh A Di Đà: là quyển kinh với mục đích diễn tả cảnh giới y báo trang nghiêm thanh tịnh có công đức vô lượng vô biên của Phật A Di Đà, đồng thời khuyên chúng sinh niệm Phật để làm nhân vãng sinh Tịnh Độ và trì tụng kinh A Di Đà để làm duyên giải thoát sinh tử. Nhị Khoá Hiệp Giải của Hoà thượng Thích Khánh Anh dịch, trang 37 giải thích: “kinh A Di Đà là để cho tỏ được cái cảnh mầu nhiệm chính báo là căn thân, y báo là quốc thổ của nước Cực lạc”.

Theo kinh Pháp Hoa, phần Nghi Thức Sám Hối, trang 13, cảnh giới Cực Lạc của Phật A Di Đà làm giáo chủ có bốn quốc độ: Thường Tịch Quang Tịnh Độ, Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ, Phương Tiện Thánh Cư Độ và Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ.

Thường Tịch Quang Tịnh Độ là cảnh giới y báo của Pháp Thân Phật A Di Đà thường an trụ.

Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ là cảnh giới y báo của báo thân Phật A Di Đà thường an trụ để giáo hoá các hàng Bồ tát từ Huyền Thừa đến Nhất Sinh Bổ Xứ để lên đường hoá độ chúng sinh trên phương diện giác tha. Phương Tiện Thánh Cư Độ là cảnh giới y báo của hoá thân Phật A Di Đà thường hoá độ các bậc A La Hán. Còn Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ là cảnh giới phương tiện ứng thân của Phật A Di Đà để hoá độ chúng sinh phàm nhân chưa sạch nghiệp trần gian và cảnh giới này là nơi để cho các chúng sinh phàm nhân mang nghiệp vãng sinh tiếp tục tu tập để được chứng quả trên phương diện tự giác. Chỉ cảnh giới Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ mới có chín bậc liên hoa, gọi là chín Phẩm Liên Hoa.

Bốn cảnh giới Tịnh độ nói trên đều ở hướng tây tính theo quốc độ của chư Phật mà không phải tính theo cõi Ta Bà này và lại càng không phải tính theo quả địa cầu này. Hơn nữa Phàm Thành Đồng Cư thuộc về Tịnh độ ở cõi Tây Phương mà không phải Phàm Thánh Đồng Cư thuộc về uế độ ở cõi Ta Bà. Phàm Thánh Đồng Cư thuộc về Tịnh Độ, nghĩa là trong cảnh giới Tịnh độ này chúng sinh đới nghiệp vãng sinh thuộc về người phàm và các vị Bồ tát qua đó hướng dẫn những người đới nghiệp vãng sinh để được giải thoát sinh tử thuộc về bậc Thánh nên gọi là Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ.

Còn Phàm Thánh Đồng Cư Uế Độ, nghĩa là cõi Ta Bà Uế Độ này là cõi ngũ trược ác thế ô nhiễm nhơ bẩn của tất cả chúng sinh phàm phu dẩy đầy nghiệp báo sinh sống thì thuộc về hạng phàm phu tục tử, nhưng trong đó có các bậc Bồ tát ứng hoá thân xuất hiện để độ sinh như Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm, đức Phật Di Lặc hiện thân Bố Đại Hoà thượng,..v..v.. .. thì thuộc về bậc Thánh, nên gọi chung là Phàm Thánh Đồng Cư Uế Độ hay Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Các hành giả đới nghiệp vãng sinh muốn về cảnh giới Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ nói trên thì phải hành trì kinh A Di Đà thậm nhập vào tâm làm trợ duyên thuyền Bát Nhã để chuyên chở mình đến bến bờ giải thoát sau khi quá cố.

2. Kinh Bát Nhã: tức là quyển kinh thường tụng trong các khoá lễ. Kinh này diễn tả cái tướng chân thật nơi thế giới chân như pháp tính không sinh không sinh không diệt không cấu không tịnh không tăng không giảm của chư Phật và cái tướng này không phải là tướng ngã, tướng pháp, tướng nhơn, tướng chúng sinh và tướng thọ mạng của ngũ uẩn hợp thành. Các tướng của ngũ uẩn hợp thành đều là giả tướng, nguyên vì các tướng này có sinh có diệt có cấu có tịnh có tăng có giảm và các tướng này cũng là ngồn gốc sinh ra vô lượng nghiệp báo tội phước sinh tử khổ đau của chúng sinh.

Theo như Nhị Khoá Hiệp Giải của Hoà thượng Thích Khánh Anh dịch, mục Tổng Quát Ý Nghĩa Thời kinh Chiều, trang 38 giải thích Bát Nhã Tâm kinh: “Tỏ được lẽ tội phước đều vô chủ, nhơn pháp đều vô tướng, mới rõ thấu được cái tướng chân thật, vì “thật tướng” nó phi như tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sinh, tướng thọ mạng, bởi các tướng ấy đều có diệt, vì có sinh, còn “tướng thật” thì không diệt, vì nó không sinh, vậy cái bất sinh bất diệt, mới là “tướng chân thật””.

Kinh này quán chiếu khai triển thật tướng chân như pháp tính qua con đường quy nạp (induction) khởi điểm từ sự hiển lý, từ tướng hiển tính, từ vọng hiển chân và nhờ thần lực Yết Đế chuyển tất cả công đức của kẻ hành trì tu tập về nơi thế giới thật tướng chân như pháp tính của chư Phật qua con đường quy nạp nói trên. Vì ý nghĩa và công dụng đó, quyển kinh Bát Nhã này được các thiền môn sử dụng vào pháp môn Hồi Hướng các công đức sau khi hành trì xong các kinh Tạng, các Mật Chú trong các thời khoá tụng.

3. Kinh Pháp Hoa: là quyển kinh nhằm diễn tả quốc độ thường trú, niết bàn tịch tĩnh bổn môn của Pháp Thân đức Phật Thích ca Mâu Ni an trụ. Quốc độ này, theo Yếu Chỉ kinh Pháp Hoa, của tác giả Thích Thắng Hoan, trang 59 gọi là Thế Giới Ta Bà Thường Tịch Quang Tịnh Độ.

Quyển kinh này cũng thiết lập trên tiến trình quy nap, khởi điểm từ sự hiển lý, từ tướng hiển tính, từ vọng hiển chân nối liền Tích Môn với Bổn Môn. Theo kinh này, hành giả muốn giác ngộ và chứng nhập được tri kiến của Phật phải trì tụng kinh Pháp Hoa cho được thâm nhập kinh tạng mới có thể phát huy được Vô Tác Diệu Lực của Linh Giác Diệu Tâm, nhờ Vô tác Diệu Lực này soi sáng linh quang, sóa tan vô minh nghiệp chướng, diệt tận phiền não nhiễm ô khiến cho sáu căn được thạnh tịnh, xây dựng lộ trình Linh Giác Diệu tâm nối liền giữa Bổn Môn và Tích Môn và nhờ đó tri kiến của hành giả mới có thể trực diện được thế giới Niết Bàn Thường Tịch Quang Tịnh Độ Bổn Môn của Pháp Thân Phật Thích Ca Mâu Ni. 

Ngoài ra hành giả cũng nhờ trì tụng thâm nhập kinh Diệu Pháp Liên Hoa năng lực mầu nhiệm Thần Chú Đà La Ni (Phẩm Đà La Ni) nương theo lộ trình Linh Giác Diệu tâm, chuyên chở những tâm nguyện của hành giả trình lên Pháp Thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni Bổn Môn chứng minh; hơn nữa hành giả đến khi cuối cuộc đời cũng nhờ thần lực Đà La Ni nói trên dẫn người đến trình diện trước Pháp Thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni Bổn Môn thọ ký.
 Ảnh minh họa (sưu tầm)

4. Kinh Phổ Môn: kinh Phổ Môn là quyển kinh được rút ra từ phẩm thứ 25 của bộ kinh Pháp Hoa. Quyển kinh này nói về hạnh nguyện của đức Bồ tát Quán Thế Âm.

Theo kinh Bi Hoa, đức Bồ tát Quán Thế Âm khi còn là phàm phu tên là Thái Tử Bất Thuấn, con vua Vô Tránh Niệm Chuyển Luân Thánh Vương sau ba tháng cúng dường đức Phật Bảo Tạng và trước đức Phật phát tâm Bồ Đề lập đại nguyện rằng: “Nếu có thế giới chúng sinh bị khổ não mà xưng niệm danh hiệu tôi và được thiên nhãn của tôi xem thấy và được thiên nhĩ của tôi nghe thấy, nếu kẻ ấy chẳng được cứu thoát tôi thề chẳng thành Phật”

Ngay khi đó, đức Phật Bảo Tạng khen tặng và thọ ký với danh hiệu là Quán Thế Âm. Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đai Bi Tâm Đà La Ni, đức Bồ tát Quán Thế Âm đã thành Phật từ lâu với danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như lai, nhưng vì Bồ tát đối với cõi Ta bà chúng ta cơ duyên đã thuần thục, cho nên thường hiện thân cứu khổ giải nạn cho chúng sinh, đồng thời hổ trợ cho những chúng sinh nào muốn về cõi Cực Lạc phương tây của đức Phật A Di Đà. 

Theo kinh Phổ Môn, đức Bồ tát Quán Thế Âm thường hiện 32 Ứng Hoá Thân tùy duyên thuyết pháp độ sinh, không cõi nào chẳng hiện thân không chỗ nào chẳng cứu vớt. Hành giả muốn giao cảm đến đức Quán Thế Âm thì phải hành trì kinh Phổ Môn cho được thâm nhập vào tâm để tâm mình giao cảm đến tâm của Bồ tát và năng lực của kinh Phổ Môn chuyển lời nguyện của mình đến Bồ tát nhờ Bồ tát hiện thân cứu khổ.

Sau đây bài sám cầu an sau khi tụng kinh Phổ Môn mà Thích Thắng Hoan biên soạn:
 
SÁM CẦU AN
Chúng con dâng chút lòng thành,
Trước đài sen báu tụng kinh khấn nguyền, 
Cầu cho tín chủ hiện tiền,
Thân bằng quyến thuộc vạn niên thọ trường,


Phước như đông hải an khương,
Tông môn vĩnh thịnh muôn phương sáng ngời. 
Bên mình gia hộ suốt đời,
Quán Âm Bồ tát chính người chở che. 


Lỡ chìm trong biển, sông mê,
Trầm luân khổ ải, lối về mờ xa,
Quán Âm Bồ tát hiện ra
Từ bi tế độ hàng sa kiếp người. 


Công phu mõi mệt chẳng rời
Phổ Môn kinh tụng cho đời sáng thông. 
Lời nguyền Bồ tát Quán Âm
Xét xem dương thế nổi chìm tử sinh,


Thuyền từ cứu vớt quần sinh
Những ai thành kính xưng danh hiệu Ngài. 
Như người khi gặp hoả tai
Niệm danh Bồ tát biến ngay lạc thành.


Như người trôi giạt biển xanh
Niệm danh Bồ tát đài minh chỉ đường. 
Như người tù tội đau thương
Niệm danh Bồ tát tai ương thoát nàn. 


Như người lạc bước rừng hoang 
Niệm danh Bồ tát bình an trở về. 
Như người bệnh tật trầm nê,
Tâm thần suy nhược khó bề thoát thân,
 

Thành tâm tưởng niệm Quán Âm
Thầy hay thuốc quý gặp nhằm cứu nguy. 
Trường đời lắm nẻo chông gai,
An vui thì ít, đắng cay thì nhiều, 

Thịnh suy, vinh nhục đủ điều,

Cuộc đời may rủi, sớm chiều khó phân, 
Chí thành niệm đức Quán Âm,

Cam lồ tẩy trược thoát vòng khổ đau.


Muốn cho lẽ sống dạt dào,
Con đường chính đạo bước vào thảnh thơi.
Mười hai câu nguyện độ đời,
Hiệu danh Bồ tát sáng ngời từ tâm.


Giờ đây trước án hương trầm,
Con nguyền Bồ tát Quán Âm nhiệm mầu.
Lắng nghe tiếng gọi thâm sâu
Quần sinh thống khổ vọng cầu kính dâng,


Dũi lòng tế độ, chứng chơn
Cứu đời thoát nạn, góp phần an vui.
5. Kinh Dược Sư: là quyển kinh nói về hạnh nguyện của đức Phật Dược Sư. Đức Phật Dược Sư là một vị lương y vô thượng (Dược Sư Quang Vương Như Lai) chuyên trị cả thân bệnh và tâm bệnh của chúng sinh. Ngài là Giáo Chủ của thế giới Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.

Theo Tự Điển Phật Học Huệ Quang, thời quá khứ, đức Phật này khi còn làm Bồ tát đã phát 12 nguyện lớn: “Nguyện giải trừ các bệnh khổ cho chúng sinh, khiến cho họ đầy đủ các căn và dẫn dắt vào đường giải thoát.” Nhờ 12 nguyện này, đức Phật Dược Sư được chứng quả Bồ Đề, hiện trụ ở thế giối Tịnh Lưu Ly phương Đông, cho nên thường gọi đức Phật này là Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, hoặc gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.

Cũng theo Bộ Tự Điển này, “Thệ nguyện của đức Phật này không thể nghĩ bàn, nếu có người nào bị bệnh nặng, hiện tướng suy vong, lúc lâm chung, quyến thuộc của họ đốt 49 ngọn đèn, làm 49 cái phan trời năm màu (ngũ sắc), ngày đêm hết lòng lễ bái cúng dường đức Phật Dược Sư, đọc tụng kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công đức 49 biến, người ấy sẽ được sống lại”.

Ngoài ra, quyến thuộc của bệnh nhân, còn phải trì chú Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn 49 biến để nhờ oai lực của Thần Chú hổ trợ lời khẩn bạch của gia chủ nguyện cầu.

Với ý nghĩa và công dụng nêu trên, hành giả nào trong người đang gặp phải tai ương bệnh hoạn nan y nếu như muốn sớm gặp thầy hay thuốc tốt để tật bệnh được tiêu trừ, mệnh căn được thuyên giảm thì hảy thành tâm trì tụng kinh Dược Sư cho được thâm nhập vào tâm theo lời chỉ dẫn trong kinh.

6. Hồng Danh Bửu Sám: là bài sám văn do các Thiền gia biên soạn, tập trung các vị Phật giáng trần kể từ đời quá khứ cho đến đời vị lai quan hệ rất gần với cõi Ta Bà này và chọn lấy đức Phật Thích Ca giáng trần ở Ấn Độ làm chuẩn thời gian, còn các đức Phật khác không quan hệ với cõi Ta Ba này thì không liệt vào đây. Chúng ta chọn 89 vị Phật trong Hồng Danh Bửu Sám để sám hối có nghĩa là khi các vị Phật đó ra đời, thí dụ như vị Phật Phổ Quang xuất hiện giáng trần chúng ta đã có mặt trong thời gian ngài hoá độ và đã gây tạo rất nhiều nghiệp chướng oan khiên mà chưa trả xong, ngày nay chúng ta sám hối trước vị Phật nói trên như Phật Phổ Quang, ngưỡng cầu vị Phật này chứng minh gia hộ hoá giải những nghiệp chướng oan khiên nói trên cho chúng ta sớm được tiêu trừ.

Ngoài ra hiện nay trong mỗi nửa tháng, chúng ta cũng gây tạo rất nhiều nghiệp chướng oan khiên được thâu nhập vào tâm thành chủng tử và những chủng tử đó mới nội kết (huân tập) thành hạt giống, nhưng những hạt giống đó còn non yếu chưa đủ chất lượng (chưa huân sinh) để sinh trưởng (để huân trưởng), trong thời gian nửa tháng đó chúng ta sám hối để nhờ Phật lực xoá tan những hạt giống non yếu này không còn dấu vết trong tâm thức chúng ta. Những hạt giống nói trên nếu để lâu ngày qua năm này tháng nọ trở thành chất lượng (huân sinh) thì khó bề tiêu diệt, lúc đó chỉ chờ sinh trưởng (huân trưởng) để trả quả báo mà thôi.

Vì những lý do trên các Thiền gia mới soạn Nghi Thức Hồng Danh Bửu Sám để cho các đệ tử Phật mỗi nửa tháng sám hối một lần trước khi tụng giới.

7. Kinh Thủy Sám: gọi cho đủ là là Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, quyển kinh này là phương pháp sám hối bằng Tam Muội do Quốc Sư Ngộ Đạt đời vua Ý Tôn nhà Đường biên soạn. Nội dung quyển kinh này gồm có ba Phẩm: Phẩm Thượng (Quyển Thượng), Phẩm Trung (Quyển Trung) và Phẩm Hạ (Quyển Hạ).

Phẩm Thượng hay quyển Thượng dạy cách sám hối về Phiền Não Chướng của thời quá khứ. Phiền Não Chướng khiến cho tâm loạn động và do tâm loạn động sinh ra ác nghiệp gọi là Nghiệp Chướng, vì Nghiệp Chướng phải chịu quả báo gọi là Báo Chướng. Phiền Não Chướng là do Ý Nghiệp gây tạo, khi Ý Nghiệp phát khởi thì chỉ đạo cho Thân Nghiệp và Khẩu Nghiệp theo đó phát sinh.

Phẩm Trung hay quyển Trung dạy cách sám hối về Nghiệp Chướng đã được nội kết từ lâu trong tâm khảm là những nghiệp nhân sẽ kết thành những nghiệp quả thuộc báo chướng cho đời sau. Đây là những tội chướng do ba nghiệp sáu căn gây ra chẳng những của thời quá khứ mà cho đến cả thời hiện tại, tất cả đều phải sám hối cho thanh tịnh.

Phẩm Hạ hay quyển Hạ dạy cách sám hối về Báo Chướng. Trong Phẩm này có hai phần: Phần đầu vẫn tiếp tục dạy cách sám hối những nghiệp chướng đối với Tam Bảo và phần sau dạy cách sám hối những Báo Chướng.

Điều đặc biệt theo kinh Thủy Sám, hành giả chỉ lạy mười vị Phật và sáu vị Bồ tát quan hệ với đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đủ giải quyết vô lượng Phiền Não Chướng, Nghiệp Chướng và Báo Chướng của hành giả từ vô lượng kiếp về trước cho đến ngày nay mà không cần phải lạy nhiều vị Phật khác.

8. Lương Hoàng Sám: là bộ kinh sám hối cũng giống như kinh Thủy Sám, nhưng nội dung gồm có mười quyển, trong đó trình bày so với Thủy Sám có phần khác nhau, phân tích chi ly hơn, sắp xếp có thứ tự và khoa học hơn.

Theo Lương Hoàng Sám, người sám hối phải phát tâm Bồ Đề, hành Bồ tát Hạnh để sám hối, nghĩa là hảnh giả chẳng những sám hối nghiệp chướng oan khiên cho mình mà còn phải đại diện sám hối thay thế cho tất cả chúng sinh trong sáu đường.

Mục đích bộ Lương Hoàng Sám trình bày chi ly tội nhân và khổ quả khiến người nghe phải khiếp sợ để phát tâm bỏ ác theo lành; ngoài ra nhờ công năng sám hối diệt trừ được tiền khiên, oan trái nhiều đời nhiều kiếp của chúng sinh; hơn nữa còn có ý nghĩa là trên đền trả bốn ơn, dưới cứu thoát ba cõi, sám hối thay thế cho chúng sinh trong lục đạo, cầu nguyện muôn loài trong ba cõi thoát khỏi trầm luân và cuối cùng vì tất cả chúng sinh thay thế phát nguyện và hồi hướng


2. Ý NGHĨA VÀ CÔNG DỤNG NHỮNG THẦN CHÚ

(Sưu tập trong Nhị Khoá Hiệp Giải của Hoà thượng Thích Khánh Anh và trong Bạch Y Thần Chú của Đường Sáng Ấn Quán số 712N. 9th Strêt, San Jose, CA 95112 ấn hành)

Những người hành trì kinh Đại Thừa Phật giáo đều có tụng các Thần Chú trong các thời khoá nhằm mục đích tiêu trừ nghiệp chướng oan khiên, thêm được phước lành tăng trưởng. Ý nghĩa chữ Thần Chú như trước đã giải thích là lời nói bí mật của chư Phật (Mật ngôn hay Phật ngôn), lời nói đặc biệt này chỉ có các đức Phật trong mười phương nghe biết mà nó không phải là thứ ngôn ngữ thường tình của các chúng sinh trong ba cõi sử dụng, cho nên những thứ ngôn ngữ này người phàm phu không thể nào hiểu rõ. 

Những ai muốn chư Phật, chư Bồ tát trong mười phương gia hộ những khổ đau của cuộc đời chỉ cần hành trì Thần Chú được chỉ dẫn sẽ được linh ứng theo sở cầu. Thần Chú của Mật Tông có nhiều loại và mỗi loại có công dụng riêng, nhưng các Thiền gia trong các Thiền Môn chỉ chọn khoảng một số Thần Chú để sử dụng tụng trong các buổi lễ như Cầu An, Cầu Siêu, Sám Hối,..v..v.. gồm có Thần Chú Lăng Nghiêm, Thần Chú Đại Bi và mười Thần Chú khác gọi là Thập Chú. Ý Nghĩa và công dụng các Thần Chú nói trên được giải thích như sau:

1. Chú Lăng Nghiêm

Công dụng của Thần Chú Lăng Nghiêm, theo Triết Lý Đạo Phật hay Đại Cương kinh Lăng Nghiêm trong Phật Học Phổ Thông Khoá VI và VII của Hoà thượng Thích Thiện Hoa, trang 255 và 266 đức Phật nói: “Nếu người nào nghiệp chướng nặng nề không thể trừ được, ông (chỉ ông A Nan) nên dạy họ chí tâm trì chú Lăng-nghiêm này thì các nghiệp chướng đều tiêu diệt” và đức Phật nói tiếp: “Sau khi ta diệt độ các chúng sinh đời sau, nếu có người trì tụng chú này thì các tai nạn: thủy tai, hoả hoạn, thuốc độc, độc trùng, ác thú, yêu tinh, quỉ quái,..v..v.... đều chẳng hại được”.

Chúng ta muốn đạt thành những ý nguyện cho cuộc sống được an lạc và thành quả trên con đường giác ngộ giải thoát thì phải chuyên cần hành trì thâm nhập Chú Lăng Nghiêm này để nhờ thần lực chuyển hoá hộ. Điều đó chính đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: “Ma Đăng Già là kẻ dâm nữ, không có tâm tu hành còn được thành quả Thánh, huống chi các ông là bậc Thanh văn, có chí cầu đạo vô thượng, lại trì tụng chú này, thì quyết định thành Phật rất dễ, cũng như than gió tung bụi, chẳng có khó gì.”

2. Chú Đại Bi

Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni giải thích: “Hồi đời quá khứ vô lượng ức kiếp, có đức Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trụ ra đời vì ngài Quán Thế Âm mà nói ra chú Đại Bi này. Lúc đó Ngài mới trụ bực Sơ Địa, sau khi nghe chú này rồi thì siêu chứng lên bậc Bát Địa liền, Ngài thấy hiệu nghiệm như vậy liền phát đại nguyện rằng: “Nếu qua đời vị lai có thể đem thần chú này ra làm lợi ích cho chúng sinh thì cho thân Ngài sinh ra ngàn cái tai ngàn con mắt,v..v…” Ngài nguyện vừa xong thì quả nhiên tay mắt đều đầy đủ tất cả và lại được chư Phật Phóng quang soi đến thân Ngài, đồng thời soi khắp vô biên thế giới. 

Khi ấy Ngài lại phát nguyện nữa rằng: “Người nào nếu trì tụng chú này mỗi đêm 5 biến thì đặng tiêu hết những tội nặng sinh tử trong trăm ngàn vạn ức kiếp, đến lúc mạng chung thì có thập phương chư Phật hiện thân tiếp dẫn về cõi Tịnh Độ. Bằng như người nào trì tụng chú này mà sau còn đọa vào ba đường ác và chẳng đặng sinh về cõi Phật hay chẳng đặng những pháp Tam Muội, chẳng biện tài, sở cầu không toại chí, nếu có mấy sự ấy, thì chú này không được xưng là Đại Bi Tâm Đà La Ni” Chỉ trừ những người tâm không thiện, chí không thành và lòng hay nghi thì không thấy hiệu nghiệm được liền mà thôi”.

Theo Nhị Khoá Hiệp Giải của Hoà thượng Thích Khánh Anh, trang 74 giải thích: “Thuở ấy, đức Quán Thế Âm rất kín nhiệm Phóng ra hào quang lớn chiếu cả mười phương các cõi nước đều rực rỡ thành màu vàng ròng; rồi chấp tay bạch Phật rằng: “Tôi có thần chú.... Đại Bi tâm Đà La Ni, nay tôi muốn nói ra để cho các chúng sinh đều đặng an lạc, vì nó có hiệu lực: tiêu trừ bệnh hoạn, tuổi sống lâu dài, giàu có, thêm điều lành, dứt hết các tội, được toại tâm với sự mong cầu”, nên được Phật hứa cho thuyết chú.” Đây là những sự linh ứng và diệu dụng của Thần Chú Đại Bi.

3. Chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni

Theo Như Ý Tâm Đà La Ni: “Ngài Bồ tát Quán Tự Tại vì muốn cho chúng sinh tùy ý sở cầu cái gì cũng được như nguyện nên Ngài bạch với Phật xin để Ngài thuyết chú này. Những người trì tụng mà rõ được nghĩa thâm mật của chú này thì cái thắng lợi ấy cũng thí như cây như ý sinh ra những ngọc bảo châu như ý, tuỳ nguyện muốn cầu việc gì cũng được”

“Lúc Bồ tát thuyết chú này rồi, sáu chưởng chấn động, cung điện của Ma Vương đều nổi lửa cháy sợ hãi không cùng, các loài độc ác chúng sinh đều lăn nhào té ngã, còn những kẻ thọ khổ trong địa ngục và ngạ quỷ thì đều đặng sinh về cõi Trời”
 
“Người nào nhứt tâm trì tụng chú này thì các thứ tai nạn đều được tiêu trừ mà đến lúc lâm chung lại được thấy đức Phật A Di Đà và Ngài Quán Thế Âm tiếp dẫn về cõi Tịnh Độ.”

4. Thần Chú Tiêu Tai Cát Tường

Theo kinh Tiêu tai Cát Tường: “Khi Phật ở tại từng trời Tịnh Cư nói với các thiên chúng cùng các vị quản lý 28 ngôi sao và 12 cung thần rằng: “Có chú Xí Thạnh Quảng Đại Oai đức Đà La Ni” của Phật Ta La Vương đã nói hồi trước. Ta nay thuyết ra đây là pháp để trừ những tai nạn.”

“Nếu trong Đế đô quốc giới có các vị đặc trách sao yêu tinh đến làm những điều chướng nạn, hay những vị đặc trách sao quan hệ bổn mạng của nhân loại có gì bất tường phải lập đạo tràng, rồi khắc ký mà niệm chú này 108 biến thì tai chướng tức thời trừ diệt hết.”

5. Thần Chú Công đức Bảo Sơn

Theo Viên Nhơn Vãng Sinh có vẫn chứng kinh Đại Tập nói rằng: “Nếu người tụng chú này một biến thì công đức cũng như lễ kinh Đại Phật Danh bốn vạn năm ngàn bốn trăm biến (45.400), còn như phạm tội nặng đang đọa vào địa ngục A Tì mà nhứt tâm trì tụng chú này thì trong lúc mạng chung chắc đặng sinh về bậc Thượng Phẩm Thượng Sinh bên cõi Tịnh Độ mà đặng thấy Phật A Di Đà.”

6. Thần Chú Phật Mẫu Chuẩn Đề

Câu chú này trích trong kinh Chuẩn Đề. Bốn câu kệ đầu là: “Khể thủ quy y Tô tất Đế,v..v.... cho đến Duy nguyện từ bi thùy gia hộ” là của Ngài Long Thọ Bồ tát. Trong bốn câu kệ:

* Câu đầu là nói về Pháp Bảo; câu hai là nói về Phật Bảo; câu thứ ba là nói về Tăng Bảo; câu thứ tư là nói mình xin nhờ ơn sự gia hộ của Tam Bảo.

*. Khể thủ quy y Tô Tất Đế: nghĩa là cúi đầu quy kính Pháp Viên Thành (pháp nhiệm mầu). Chữ Tô Tất Đế: nguyên tiếng Phạn là Susidhi, Tàu dịch là Diệu Thành Tựu, nghĩa là một pháp có năng lực thành tựu được hết thảy sự lý và thành tựu đặng hết thảy tâm nguyện của chúng sinh rất mầu nhiệm.

*. Đầu diện đảnh lễ Thất Cu Chi (cu đê): nghĩa là thành tâm đảnh lễ bảy trăm ức Phật. Chữ “Cu Chi” hay là “Cu Đê”, nguyên tiếng Phạn là “Koti”, Tàu dịch là bách ức, nghĩa là trăm ức; cho nên trên đây nói “thất cu chi” tức là số bảy trăm ức vậy.
 
*. Ngã kim xưng tán Đại Chuẩn Đề: nghĩa là tôi nay xưng tán đức Đại Chuẩn Đề. Chữ “Chuẩn Đề” , nguyên tiếng Phạn là “Candi”, Tàu dịch có hai nghĩa: 1. Thi Vi; 2. Thành Tựu

Thi Vi: nghĩa là lời nguyện rộng lớn đúng nơi lý và dùng đại trí để dứt vọng hoặc, vì đủ các nhơn hạnh để ra làm việc lợi tha cho chúng sinh, nên gọi là Thi Vi.

Thành Tựu: nghĩa là từ nơi pháp không mà hiện ra pháp giả rồi thành tựu đặng pháp tịch diệt.

Sở dĩ Chú này xưng là “Phật Mẫu Chuẩn Đề” là nói: Pháp là thầy và thiệt trí, là mẹ của chư Phật, cho nên bảy trăm ức Phật đều dùng pháp “Chuẩn Đề Tam Muội” mà chứng đạo Bồ Đề.

Trong kinh Chuẩn Đề nói rằng: Khi Phật ở vườn Kỳ Đà vì có tứ chúng bát bộ đông đủ, Ngài nghĩ thương những chúng sinh đời mạt pháp sau này, tội dày phước mỏng, nên mới nhập “Chuẩn Đề Định” mà thuyết thần chú như vầy:

“Nam Mô Tát Đa Nẩm, Tam Miệu Tam Bồ Đề, Cu Chi Nẩm, Đát Điệt Tha, Án, Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề, Ta bà Ha”.

Phật nói: “Nếu trì chú này mãn chín mươi vạn (900.000) biến thì diệt trừ được các tội thập ác, ngũ nghịch và tứ trọng; cho đến nhà thế tục chẳng luận tịnh hay uế, chỉ cần chí tâm trì tụng, liền được tiêu trừ tai nạn bệnh hoạn, tăng trưởng phước thọ. Khi tụng mãn 49 ngày, Bồ tát Chuẩn Đề khiến hai vị Thánh thường theo người ấy hộ trì.

Nếu có người hoặc cầu mở trí tuệ, hoặc cầu chống tai nạn, hoặc cầu pháp thần thông, hoặc cầu đạo Chánh Giác, chỉ y theo pháp thiết lập đàn tràng, tụng đủ một trăm vạn (1.000.000) biến thì đặng đi khắp mười phương Tịnh Độ, phụng thờ chư Phật, nghe cả diệu pháp mà được chứng quả Bồ Đề.”

7. Thần Chú Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Đà La Ni

Chú này trích trong kinh “Đại Thừa Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Như Lai Đà La Ni”.

Kinh ấy nói: “Đức Thích Ca Thế Tôn nghĩ thương chúng sinh đoản mạng trong đời vị lai, muốn cho thêm được thọ số, hưởng được hạnh phúc, nên Phật nói với Đại Trí Huệ Diệu Cát Tường Bồ tát rằng: những nhơn loại ở trong cõi Diêm Phù Đề này thọ mạng chỉ đặng trăm tuổi, mà ở trong số đó lại có phần đông người tạo lắm điều ác nghiệp nên bị tổn đức giảm kỷ thác yểu chết non. Nếu như nhơn loại thấy đặng chú này, hoặc biên chép, hoặc ấn tống, hoặc thọ trì đọc tụng thì lại tăng thọ mạng sống ngoài trăm tuổi và qua đời sau mau chứng quả Bồ Đề.”

8. Thần Chú Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn

Thần chú này được trích ra từ nơi kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công đức. Theo như trong kinh, đức Thích Ca Như Lai nói nếu có chứng bệnh gì mà cứ nhứt tâm trì chú này trong nước tịnh thủy đủ 108 biến rồi uống vào thì các bệnh đều lành liền.

Còn như những người mà trọn đời thọ trì chú này thì đặng khỏi bệnh tật và được sống lâu, đến lúc mạng chung lại được sinh về cõi “Tịnh Lưu Ly”. Nhưng phải biết rằng: chú này được gọi là “Quán Đảnh” là nói chú này do nơi đảnh quang của Phật mà thuyết ra. Người nào nếu thọ trì đọc tụng chú này mà đặng thanh tịnh ba nghiệp (thân, miệng, ý) thì hào quang Phật chiếu ngay đến nơi đảnh môn của người trì tụng ấy một cách mát mẻ như rưới nước cam lồ vậy.

Nên biết ánh quang của Phật khác hơn ánh quang của ma, nguyên vì ánh quang của ma thì chói loà khiến cho người ta sợ hãi, còn ánh quang của Phật thì mát mẻ và làm cho ta vui mừng. Vậy ai là người thọ trì chú này hoặc niệm Phật cần phải phân biệt rõ hai cái ánh quang nói trên. Chớ đừng thấy ánh quang của ma lậo lòe trước mắt như ngoại đạo nhìn nến, như kẻ nhìn nhang kia mà nhận lầm cho là thấy tính.

9. Thần Chú Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn

Đức Quán Thế Âm có lòng Đại Bi rất tha thiết, bi nguyện của Bồ tát rất thâm sâu, công đức độ sinh của Bồ tát lan rộng khắp mười phương. Người nào thành tâm trì tụng chú này thì liền được lòng Đại Bi của Bồ tát chắc chắn ủng hộ.

10. Thần Chú Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn

Chú này được trích ra từ trong kinh Đại Phương Đẳng Đà La Ni. Kinh này nói: “Ngài Văn Thù Sư Lợi nghĩ thương về sau đến đời mạt pháp các chúng Tỳ Kheo có phạm tội Tứ Trọng và các chúng Tỳ Kheo Ni có phạm tội Bát Trọng thì làm sao mà sám hối đặng, nên mới cầu Phật chỉ rõ phương pháp. Lúc ấy đức Thích Ca Như Lai mới thuyết ra chú này; vì chú này là chú của bảy vị Phật đời trước thường nói, rất có oai lực làm diệt hết các tội Tứ Trọng, Ngũ Nghịch mà đặng phước vô lượng”.

Tứ Trọng, Ngũ Nghịch là tội rất nặng, nếu không phải cách sám hối vô sinh thì tưởng không thể nào tiêu diệt cho đặng. Nhưng vì thần chú này là bảy vị Phật đời trước xứng tính thuyết ra, cho nên những người trì tụng niệm niệm cũng phải xứng tính để đặng lý vô sinh thì tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt, cũng như nước sôi đổ vào tuyết thì tuyết liền bị tan biến ngay lập tức.

11. Thần Chú Vãng Sinh Tịnh Độ

Thần chú này được trích từ trong kinh Bạt Nhứt Thiết Nghiệp Chướng Căn Bổn Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni. Thần chú này có công dụng diệt được các trọng tội như: tội Tứ Trọng, Ngũ Nghịch, Thập Ác, Hủy Bán Chánh Pháp. Người nào nếu y pháp mà chí tâm trì tụng chú này thì đức Phật A Di Đà thường trụ ở nơi đảnh đầu người ấy luôn cả ngày đêm mà ủng hộ, không cho oan gia thừa tiện nhiểu hại, trong lúc hiện thế đặng an ổn và đến khi mạng chung được vãng sinh Tịnh Độ.

Cách thức hành trì, Trước khi trì tụng chú này, hành giả phải rửa mình, sút miệng cho sạch sẽ, ngày đêm sáu thời, thắp hương lễ Phật, quì gối trước bàn thờ, chấp tay cung kính trì tụng mỗi thời tối thiểu 21 biến thì được linh ứng và hoặc trì tụng đươc ba vạn (300.000) biến thì được thấy đặng Phật A Di Đà thọ ký.

12. Thần Chú Thiện Nữ Thiên

Thần chú này được trích từ trong kinh Kim Quang Minh. Trong kinh Kim Quang Minh nói rằng: “Nếu chúng sinh nghe nói chú này mà một lòng thọ trì đọc tụng hương hoa cúng dường thì nhứt thiết những thứ thọ dụng như vàng, bạc, châu báu, trâu dê, lúa thóc đều đặng đầy đủ hết thảy”.

VI. TỔNG KẾT

Nên để ý các kinh chú của Phật để lại trong Đại Tạng thì rất nhiều, đa dạng theo mỗi vị Phật trình bày mỗi cách qua kinh nghiệm tu tập của mình. Các Thiền gia thời xưa qua kinh nghiệm của họ rút ra trong đại tạng một số kinh chú theo nhu cầu phổ thông chẳng những cho quần chúng mà cho cả người xuất gia trong thời mạt pháp nghiệp trọng phước khinh ma cường pháp nhược này. Những kinh chú mà các Thiền gia chọn ra để trì tụng là những vị Phật, những vị Bồ tát rất quan hệ với các chúng sinh nơi cõi Ta bà ngũ trược ác thế này. Còn các kinh chú khác của các vị Phật hay của các vị Bồ tát khác chỉ quan hệ nhiều với các chúng sinh trong các cõi khác không có ngũ trược ác thế như cõi Ta Bà này. Những kinh chú mà các Thiền gia chọn ra để hành trì có những mục đích như sau:

1.Những kinh Tụng nêu trên ngoài sự tu huệ của hành giả và còn nhờ sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ tát quan hệ giúp hành giả sớm hoàn thành hạnh nguyện đạt đạo.

2. Còn các kinh khác nhằm tu tập bao gồm văn huệ, tư huệ và tu huệ trong lĩnh vực tự độ và tự giác mà không cần sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ tát quan hệ, được gọi là tự lực cánh sinh.

3. Các Thần Chú nêu trên mà các Thiền gia chọn lựa được rút ra trong các kinh Tạng của chư Phật chỉ dạy để các hành giả hành trì ngõ hầu đạt được ý nguyện mà không bị phân tâm, không bị loạn tưởng, không bị tẩu hoả nhập ma.

4. Còn các Thần Chú khác một số không thấy trong các kinh Phật mà chỉ thấy trong Mật Tông nếu như hành trì mà thiếu sự hướng dẫn chơn truyền qua sự kinh nghiệm của những người đi trước thì sẽ bị nguy hiểm phân tâm, loạn tưởng, tẩu hoả nhập ma.

Các Thiền gia Việt Nam cũng chọn những kinh những Chú đã được liệt kê ở trước ngoài những mục đích và ý nghĩa vừa trình bày còn có mục đích khác là thể hiện văn hoá Phật giáo Việt Nam mà các Thiền gia Việt Nam đem sự đạt đạo xây dựng quốc gia. Nhìn theo Văn hoá Phật giáo Việt Nam, Nhị Thời Khoá Tụng mà các Thiền gia Việt Nam thường sử dụng trong khoá lễ hằng ngày dành cho các Thiền Sinh hành trì, ngoài sự tu tập để chứng đắc và còn tiêu biểu cho ba hệ phái Thiền đã từng đóng góp xây dựng quốc gia Việt Nam trên lĩnh vực văn hoá trải dài hơn 2000 năm lịch sử. Điều đó được thấy như:

a. Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền phái Trúc Lâm Tam Tổ đã từng đóng góp xây dựng cho quốc gia Việt Nam trên lĩnh vực thuần tuý thiền tập.

b. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã từng đóng góp xây dựng cho quốc gia Việt Nam trên lĩnh vực Thiền Mật Tổng Hợp.

c. Thiền Phái Thảo Đường đã từng đóng góp xây dựng quốc gia Việt Nam trên lĩnh vực Thi Ca và Nghệ Thuật.

d. Thiền phái Liễu Quán đã từng đóng góp xây dựng quốc gia Việt Nam trên lĩnh vực Thiền Tịnh song tu.

Từ những ý nghĩa và giá trị này, chúng ta là người Việt Nam không nên xem thường Nhị Thời Khoá Tụng mà Thiền gia Việt Nam đã chọn và cũng chứng minh rằng các Thiền gia Việt Nam nhờ Nhị Thời Khoá Tụng này được chứng đắc, cho nên mới để lại cho hậu thế hành trì.
Thích Thắng Hoan
PGVN

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu